(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong cái nắng nóng của mùa hè, những người phụ nữ làng biển xứ Thanh vẫn miệt mài, cặm cụi, ngày ngày đội nắng với công việc mưu sinh vất vả, kiếm con cá, con tôm để trang trải cuộc sống thường ngày.

Những phụ nữ vất vả mưu sinh nơi cửa biển

Trong cái nắng nóng của mùa hè, những người phụ nữ làng biển xứ Thanh vẫn miệt mài, cặm cụi, ngày ngày đội nắng với công việc mưu sinh vất vả, kiếm con cá, con tôm để trang trải cuộc sống thường ngày.

Những phụ nữ vất vả mưu sinh nơi cửa biểnChị em phụ nữ xã Ngư Lộc bóc tôm thuê.

Những ngày cuối tháng 5, tại vùng biển Ngư Lộc (Hậu Lộc) những người phụ nữ bịt kín mặt tất bật với công việc gánh cá, bóc tôm, cua, phân loại ngay tại bờ biển dưới cái nắng “cháy da, bỏng thịt”. Phần đông phụ nữ ở đây đều có hoàn cảnh khó khăn, công việc không ổn định, thậm chí, chồng mất sớm một mình nuôi con, họ là trụ cột trong gia đình. Có những người dù ở cái tuổi đáng nhẽ được nghỉ ngơi, nhưng vẫn luôn tay, ai thuê gì làm nấy, làm từ sáng sớm đến chiều tối.

Chị Nguyễn Thị Hải (thôn Thắng Tây, xã Ngư Lộc) chia sẻ: Ở vùng biển này đàn ông thì đi đánh bắt ngoài khơi, còn phụ nữ chúng tôi ở nhà chăm con, bốc vác đá, vận chuyển và phân loại cá, bóc tôm... Đợt này, thời tiết nắng nóng, công việc vất vả nhưng thu nhập lại không cao. Hôm nào tôm nhiều, tôi bóc được khoảng hơn 10kg tôm tươi, tiền công cũng chỉ 7.000 đồng/kg tôm đã bóc vỏ.

Ngư Lộc có 1,2km bờ biển, lại không có đất nông nghiệp sản xuất, toàn xã có gần 400 phương tiện đánh bắt hải sản, với trên 2.500 lao động từ nghề cá. Đa phần phụ nữ nơi đây làm công việc bóc tôm, vận chuyển đá lạnh, xẻ cá, thu nhập từ 100.000 - 150.000 đồng/người/ngày.

Những phụ nữ vất vả mưu sinh nơi cửa biểnCác bà, các chị ở Hải Hòa (thị xã Nghi Sơn) thu gom, phân loại cá.

Cảng cá Lạch Hới (phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn) luôn tấp nập tàu, thuyền ra vào mua bán. Cảng cá cũng là nơi mưu sinh của những “bóng hồng” mang trên vai gánh nặng “cơm áo, gạo tiền”. Đang lúi húi thu gom, phân loại hải sản và bán lại cho các thương lái, chị Nguyễn Thị Thái (phường Quảng Tiến), cho biết: Trước đây, bình quân mỗi ngày có hàng trăm người buôn bán nhỏ lẻ tại cảng, mấy năm nay ngư dân đánh bắt không hiệu quả. Chị em phụ nữ đành làm thêm một số nghề để mưu sinh như nướng cá, đan lưới, thu nhập cũng chẳng đáng là bao. Cuộc sống mưu sinh khá vất vả, nhất là vào những ngày nắng nóng khiến đôi tay chị trở nên gân guốc, chai sần, đen sạm. Cái nắng, cái gió của vùng biển cộng với những lo toan vất vả đè nặng lên vai đã khiến người phụ nữ ấy trông khắc khổ, già hơn tuổi rất nhiều.

Những phụ nữ vất vả mưu sinh nơi cửa biểnCuộc sống mưu sinh khiến những người phụ nữ phải thích nghi với mọi hoàn cảnh, thời tiết.

Theo chia sẻ của chị Nguyễn Thị Lệ ở xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa): Nghề cào ngao đã có từ rất lâu, người dân vùng biển gọi là nghề “đi giật lùi”, bởi ai cào ngao đều phải đi lùi về phía sau. Khi thủy triều rút cũng là lúc chị em bắt đầu tất bật với công việc của mình. Nghề cào ngao không cần kinh nghiệm, chỉ cần sức khỏe, sự dẻo dai, công cụ rất đơn giản chỉ cần một chiếc cào 3 đinh, rổ đựng kèm theo găng tay. Để chống chọi lại cái nắng nóng gay gắt của mùa hè, những người phụ nữ thường mặc quần áo dài tay, mang nón hoặc mũ rộng vành, che kín mặt. Trung bình, mỗi lao động có thể cào được khoảng 1 tạ ngao tươi trong vòng từ 6 - 7 giờ, thu nhập từ 300.000 – 400.000 đồng/ngày.

Bám biển mưu sinh là nghề truyền thống từ bao đời nay của người dân vùng biển, cuộc sống “cơm áo, gạo tiền” khiến những người phụ nữ chân yếu tay mềm trở nên mạnh mẽ.

Bài và ảnh: Trung Lê



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]