(vhds.baothanhhoa.vn) - Nhắc đến cô Trương Thị Doanh - Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) thiện nguyện Bỉm Sơn, sống tại phường Lam Sơn (thị xã Bỉm Sơn) người đã gắn bó, dành tâm huyết cho hoạt động từ thiện vì cộng đồng suốt 12 năm qua hẳn không nhiều người xa lạ. Riêng những người quen biết cô nhiều năm, người ta gọi cô bằng cái tên thân thương: “U” Doanh. Cô nói với chúng tôi: Cô có nhiều “con” lắm. Nhờ có các “con” kết nối, hỗ trợ mà hoạt động thiện nguyện của cô đến được khắp mọi nơi.

Những tấm lòng thiện nguyện

Nhắc đến cô Trương Thị Doanh - Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) thiện nguyện Bỉm Sơn, sống tại phường Lam Sơn (thị xã Bỉm Sơn) người đã gắn bó, dành tâm huyết cho hoạt động từ thiện vì cộng đồng suốt 12 năm qua hẳn không nhiều người xa lạ. Riêng những người quen biết cô nhiều năm, người ta gọi cô bằng cái tên thân thương: “U” Doanh. Cô nói với chúng tôi: Cô có nhiều “con” lắm. Nhờ có các “con” kết nối, hỗ trợ mà hoạt động thiện nguyện của cô đến được khắp mọi nơi.

Những tấm lòng thiện nguyệnCác chị Nguyễn Thị Hoa và Đỗ Thị Quý - hai người mẹ đặc biệt của bé Lê Nguyễn Kiên Cường.

Sau thời gian dài sinh sống và làm việc ở nước ngoài, cô Doanh về nước và “duyên” lành đưa đến, cô tình cờ biết và hỗ trợ một số gia đình có hoàn cảnh khó khăn nơi cô sinh sống. Và rồi cô trăn trở: “Thay vì chỉ giúp một số người trong điều kiện hạn hẹp, tại sao không kết nối những tấm lòng hảo tâm để nhiều hoàn cảnh, mảnh đời được hỗ trợ, giúp đỡ? Sau đó CLB thiện nguyện Bỉm Sơn được thành lập. Làm từ thiện không nhất thiết phải có nhiều tiền. Chỉ cần có thiện tâm sẽ dẫn lối cho con người ta làm nhiều việc tốt”.

Hoạt động của CLB thiện nguyện Bỉm Sơn thời gian đầu tập trung vào việc thăm nuôi, giúp đỡ người già, người cao tuổi neo đơn không nơi nương tựa, hoàn cảnh khó khăn và nấu cháo tình thương dành tặng bệnh nhân tại bệnh viện. Cùng với việc quyên góp tiền bạc, CLB còn nhận đồ cũ từ khắp mọi nơi gửi về. Sau đó, đồ cũ được cô Trương Thị Doanh và các tình nguyện viên trong CLB phân loại, sửa chữa với tiêu chí: Chỉ gửi đến đồng bào những món đồ còn giá trị sử dụng. Mỗi năm, CLB nhận về hàng chục tấn quần áo cũ, mới từ khắp mọi nơi gửi về. Cùng với đó là những xe hàng chở đồ cũ... tất cả được “tập kết” ở kho chứa đồ ngay cạnh nhà “u” Doanh. Từ đây, việc “làm mới” đồ cũ được nữ thủ lĩnh CLB thiện nguyện Bỉm Sơn và hội viên âm thầm thực hiện.

Với tiêu chí làm thiện nguyện từ tâm, vì thế trước mỗi chuyến thiện nguyện, CLB thiện nguyện Bỉm Sơn luôn tuân thủ nguyên tắc: “Khảo sát thật kỹ mỗi điểm đến, để biết người dân nơi đó cần gì, thiếu gì. Món đồ dù cũ hay mới thì cũng chỉ thực sự “giá trị” khi tặng cho đúng người cần” - cô Trương Thị Doanh cho biết. Đồng thời, nữ thủ lĩnh CLB thiện nguyện Bỉm Sơn cũng chia sẻ thêm: Mới đây, CLB của cô vừa “đấu mối” kêu gọi thành công cho Trường Tiểu học Châu Khê huyện miền núi cao Con Cuông (Nghệ An) kinh phí xây dựng trường hơn 1 tỷ đồng. Cô giáo Nguyễn Thị Kim Anh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Châu Khê, thông tin: “Trường Tiểu học Châu Khê nằm trên địa bàn xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Con Cuông, tại đây 100% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống vô cùng khó khăn. Cô và trò nhà trường thực sự cảm ơn tấm lòng thiện nguyện của CLB thiện nguyện Bỉm Sơn xứ Thanh đã kết nối”.

Chia sẻ về kỷ niệm đáng nhớ nhất trong suốt 12 năm gắn bó với hoạt động thiện nguyện, “u” Doanh ngẫm nghĩ: Đó có lẽ là những lần giữa đêm cô nhận được điện thoại từ Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Bỉm Sơn. Những cuộc điện thoại nhờ cô kết nối để “xin” máu cứu người. Trong đó, một người chồng đã khóc nấc trong điện thoại, nói với cô rằng vợ anh hiện tại đang nằm tại BVĐK Bỉm Sơn, do khó sinh nên dẫn đến băng huyết nhưng lại thuộc nhóm máu hiếm, mong được “kết nối” tình nguyện viên hiến máu cứu vợ anh. Sau đấy, nhờ được tình nguyện viên của CLB thiện nguyện Bỉm Sơn cho máu kịp thời mà vợ anh đã qua khỏi. Vừa kể, cô Trương Thị Doanh vừa lấy cho tôi xem cuốn sổ mà cô cẩn thận ghi chép nhóm máu của các tình nguyện viên trong CLB để khi cần có thể kết nối.

Ở tuổi ngoài 60, sức khỏe yếu hơn do bệnh tật, tuy nhiên, chưa một lần “thủ lĩnh” Trương Thị Doanh nghĩ đến việc dừng các hoạt động thiện nguyện của CLB. Cô tâm sự: “Với cô, làm từ thiện thực ra rất đơn giản. Có ít giúp ít, có nhiều giúp nhiều, chỉ mong làm được gì đó giúp đời, giúp người vượt qua khó khăn. Sau những chuyến từ thiện ngược xuôi, cô thấy mình như được tiếp thêm sức mạnh tinh thần, cảm giác thực sự vui vẻ, hạnh phúc. Còn được làm thiện nguyện, cô thấy cuộc đời của mình còn có ý nghĩa.

Trẻ trung, yêu đời là những gì mà người lần đầu gặp chị Nguyễn Thị Hoa - Chủ tịch Hội LHPN xã Xuân Giang (Thọ Xuân) cảm nhận thấy. Tuy vậy, ít ai biết rằng chị từng có một tuổi thơ cơ cực khi sinh ra trong gia đình không trọn vẹn, phải ở với bà và các bác. Lớn lên, ước mơ làm cô giáo, nhưng chỉ chưa đầy một tháng nhập học, do điều kiện kinh tế khó khăn, chị buộc phải từ bỏ ước mơ, quay trở về quê nhà. Có lẽ vì thế, hơn ai hết chị Nguyễn Thị Hoa thấu hiểu được ý nghĩa của tình thương. Đó cũng là lý do, nhiều năm qua, trong điều kiện của bản thân, chị thường xuyên hỗ trợ, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn tại địa phương với tấm lòng hảo tâm.

Điều đáng nói, suốt một năm qua chị Nguyễn Thị Hoa và nữ nhân viên Trạm y tế xã Xuân Giang, chị Đỗ Thị Quý với tình yêu thương đã luân phiên nhau chăm sóc bé Lê Nguyễn Kiên Cường - cậu bé bị mất mẹ ngay khi chào đời vì đại dịch COVID-19.

Nói về hoàn cảnh của cháu Lê Nguyễn Kiên Cường, bà Lê Thị Đức, thôn 2, xã Xuân Giang - bà nội của cháu Kiên Cường buồn bã chia sẻ: “Tháng 7-2021, mẹ cháu Kiên Cường khi đó sống tại TP Hồ Chí Minh đang mang bầu đến tháng thứ 7 thì mắc COVID-19 buộc phải nhập viện. Sau một thời gian điều trị, mẹ cháu không qua khỏi, tiên lượng xấu về tình hình sức khỏe của thai phụ, các bác sĩ buộc phải “mổ” để cứu con. Trước khi mất, mẹ cháu chỉ kịp dặn lại, rằng hãy đặt tên con là Kiên Cường với hy vọng cháu sẽ kiên cường sống trong cuộc đời. Sau đó, cháu Kiên Cường và anh trai Lê Khắc Tĩnh Toàn (5 tuổi) được đưa từ TP Hồ Chí Minh về quê Xuân Giang. Vì “cú sốc” lớn nên bố các cháu bị ảnh hưởng tâm lý song vẫn cố gắng đi làm, để lại hai con nhỏ tại quê nhà”.

Đáng nói, bà nội cháu Lê Nguyễn Kiên Cường mắc ung thư tuyến giáp, ông nội lại bị tiểu đường nặng, cả hai ông bà đều không đủ sức khỏe, điều kiện để chăm sóc, nuôi dưỡng các cháu. Trước hoàn cảnh của hai cháu Kiên Cường và Tĩnh Toàn, Chủ tịch Hội LHPN xã Xuân Giang, chị Nguyễn Thị Hoa và chị Đỗ Thị Quý - nhân viên trạm y tế xã đã nhận làm mẹ đỡ đầu chăm sóc hai cháu nhỏ bất hạnh. Nói về việc chăm sóc cháu Lê Nguyễn Kiên Cường, chị Nguyễn Thị Hoa chia sẻ: “Nuôi trẻ sơ sinh đã khó, cháu Kiên Cường sinh ra lại thiếu tháng nên càng khó hơn. Suốt một năm qua là liên tục những ngày tôi và cô Quý phải thường xuyên đưa cháu xuống Bệnh viện Nhi Thanh Hóa. Cũng may, cháu ngoan ngoãn, ít quấy khóc. Chỉ hy vọng cháu sẽ kiên cường lớn lên để mẹ cháu ở nơi suối vàng được yên lòng”.

Bà nội hai cháu Kiên Cường và Tĩnh Toàn cảm động: "Tôi và ông nhà bệnh tật, bản thân tôi phải thường xuyên ra Hà Nội chữa bệnh nên khó khăn cả về kinh tế và thiếu thốn thời gian chăm các cháu, thật sự may mắn vì hai cháu được mẹ Hoa, mẹ Quý chăm sóc, yêu thương tận tình. Là bà nội các cháu, tôi chỉ có biết nói lời cảm ơn từ tận đáy lòng đến “hai mẹ”.

Bài và ảnh: Lương Khoa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]