(vhds.baothanhhoa.vn) - Ngày 4-7 vừa qua, Tổ cứu nạn cứu hộ biển Sầm Sơn đã kịp thời cứu sống một du khách bị đuối nước. Đây chỉ là một trong rất nhiều du khách được Tổ cứu hộ bãi biển cứu sống, giúp đỡ đưa lên bờ an toàn.

Những thanh niên “canh chừng sự sống” trên biển Sầm Sơn

Ngày 4-7 vừa qua, Tổ cứu nạn cứu hộ biển Sầm Sơn đã kịp thời cứu sống một du khách bị đuối nước. Đây chỉ là một trong rất nhiều du khách được Tổ cứu hộ bãi biển cứu sống, giúp đỡ đưa lên bờ an toàn.

Những thanh niên “canh chừng sự sống” trên biển Sầm Sơn

Thành viên tổ cứu nạn cứu hộ Nguyễn Văn Huy.

Xem nạn nhân là người nhà mà cứu giúp

Những tháng hè vừa qua, bãi biển Sầm Sơn luôn đông nghịt du khách, nhất là vào những ngày cuối tuần, đây là tín hiệu vui cho tất cả mọi người, nhưng lại là áp lực lớn đối với Tổ cứu nạn cứu hộ biển Sầm Sơn (thuộc Phòng Cảnh sát PCCC&CHCN, Công an tỉnh).

Mới đây nhất, ngày 4-7, Nguyễn Viết Việt trên đài quan sát phát hiện có du khách chới với, khả năng đuối nước, ngay lập tức anh ra hiệu cho đồng đội ứng cứu. Nhận hiệu lệnh khẩn cấp, Nguyễn Văn Huy và các thành viên đội Cấp cứu biển TP Sầm Sơn nhanh như cắt lao xuống biển cùng đồ cứu hộ. Chỉ mấy phút sau nạn nhân được đưa lên bờ, tiến hành sơ cứu, nạn nhân lấy lại hơi thở và qua cơn nguy kịch. Trong lúc đồng đội cứu chữa cho nạn nhân, Việt vẫn đứng trên đài quan sát, tập trung quan sát, phán đoán tình huống chuẩn xác, đưa ra quyết định kịp thời để không xảy ra bất kỳ tình huống đáng tiếc nào. Khi nghe đồng đội phía sau nói “có hơi thở rồi”, Việt quay lại phía sau mỉm cười hạnh phúc nhìn du khách, rồi lại tiếp tục công việc của mình.

Thời khắc sinh tử đã qua, Huy nhanh chóng chỉnh đốn lại đồ cứu hộ, sẵn sàng chờ lệnh. “Cứu hộ đuối nước là công việc có độ nguy hiểm cao, nếu không cẩn thận hoặc chỉ cần một khoảng khắc sơ sẩy là nhân viên cứu hộ sẽ trở thành nạn nhân và tất cả có thể cùng chết, bởi trong lúc đuối nước tâm thần hoảng loạn, người bị nạn sẽ ôm bất cứ thứ gì họ bám được”, Huy cho biết. Nguy hiểm là thế, những tất cả thành viên trong đội đều tâm niệm “nạn nhân là người nhà của mình”, họ sẵn sàng lao vào nguy hiểm giúp đỡ nạn nhân kịp thời.

Kể lại một kỷ niệm không thể nào quên trong 3 năm làm nghề cứu hộ của mình, Huy cho biết: “Đó là một buổi chiều của năm 2018, do sóng cao, nhiều hố sâu nguy hiểm, khiến 30 du khách gặp nạn, tất cả thành viên trong đội đều lao mình xuống biển nhanh chóng đưa nạn nhân lên bờ. Dù rất mệt nhưng chúng tôi không thể dừng lại, còn nghe tiếng kêu cứu chúng tôi lại lao xuống biển”. Khi được hỏi “em có sợ mình trở thành nạn nhân không?”. “Có ạ, nhưng chúng em phải thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của người lính đầu tiên và bên cạnh em luôn có đồng đội giúp đỡ”. Được biết, hôm đó Huy đưa được 7 nạn nhân lên bờ an toàn.

Trong lúc đang trò chuyện, thấy hai vị khách nam mặt đỏ bừng, nghi có chất kích thích trong người, thành viên đội lại gần ngăn không cho khách xuống tắm. Sau một hồi giải thích, thuyết phục, cùng với sự trợ giúp của người nhà, hai vị khách đồng ý trở về khách sạn. Cách xử lý khi gặp trường hợp du khách có sử dụng chất kích thích nhưng vẫn muốn tắm là tổ tuần tra trên bờ báo thành viên canh gác bật chế độ “chăm sóc đặc biệt”, để nếu có nguy cơ thì sẽ kịp thời ứng cứu.

Tự hào là người lính cứu hộ

Tổ cứu nạn cứu hộ biển Sầm Sơn gồm 8 thành viên, chia làm 4 kíp, túc trực tại 4 bãi tắm A, B, C, D. Các thành viên tuy tuổi đời còn rất trẻ nhưng ai cũng nhiệt huyết, dũng cảm và có trách nhiệm cao với công việc. Trong đó, người quan sát làm nhiệm vụ theo dõi, cảnh báo, phát hiệu lệnh, tín hiệu khi có du khách bơi quá ranh giới an toàn (cờ phao tiêu) hoặc khi phát hiện du khách gặp sự cố trên biển. Lực lượng chốt trên bờ nhắc nhở du khách không bơi ra vùng nước nguy hiểm, đã sử dụng rượu bia thì không xuống bơi, với du khách đi đường xa nên nghỉ ngơi 30 phút trước khi xuống tắm, nên khởi động kỹ toàn thân đảm bảo an toàn trong môi trường nước. Cùng với lực lượng Cấp cứu biển TP Sầm Sơn, Tổ cứu nạn cứu hộ biển Sầm Sơn đảm bảo an toàn cho du khách và xử lý nhanh những tình huống khẩn cấp trên bãi biển.

Những thanh niên “canh chừng sự sống” trên biển Sầm SơnTổ cứu nạn cứu hộ luôn thường trực đảm bảo an toàn cho du khách trên biển.

Thực hiện nhiệm vụ, mỗi thành viên tự giác rèn luyện sức khỏe tốt, tập luyện kỹ năng bơi lội giỏi để giúp đỡ nạn nhân khi có hiểm nguy. Các thành viên đã được đào tạo bài bản về các phương pháp sơ cứu đuối nước, và điều cần thiết và quan trọng nhất của người cứu hộ là phải dũng cảm, yêu nghề, tổ chức và kỷ luật mới có thể theo nghề được.

Theo các thành viên trong đội, ngày làm việc hạnh phúc nhất là khi cứu sống được nạn nhân đuối nước nhưng vui hơn là một ngày trôi qua không có tình huống đột xuất nào xảy ra. Chỉ một trường hợp đơn giản như tìm trẻ em lạc, thì ngoài việc thông báo trên loa, tất cả thành viên vừa kết hợp tuần tra vừa tìm kiếm, còn thành viên quan sát “căng mắt" tìm trẻ trong biển người mênh mông, nhất là ở khu vực biển.

Được biết từ đầu mùa du lịch tới nay, đội đã giúp đỡ, đưa vào bờ an toàn khoảng 35 du khách gặp nạn. Trong đó có những tình huống nguy cấp thường gặp như chuột rút khi đang bơi, kiệt sức khi bơi xa, gặp sự cố không thể bơi vào bờ… đều được thành viên đội cứu hộ phát hiện, cứu giúp kịp thời. Với họ, cứu người không đơn giản là công việc mà là trách nhiệm, là hạnh phúc khi được đảm bảo an toàn tính mạng cho mọi người.

Đại úy Lê Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ cứu nạn cứu hộ biển Sầm Sơn cho biết: “Dù nguy hiểm, vất vả nhưng tất cả thành viên trong tổ đều yêu nghề và tự hào khi được làm người lính cứu nạn cứu hộ, giúp đỡ và mang bình yên đến cuộc sống của mọi người”.

Bài và ảnh: V.A



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]