(vhds.baothanhhoa.vn) - Những năm qua, huyện Quan Sơn đã nỗ lực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, khuyến khích Nhân dân từng bước xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách Nhà nước, nỗ lực vượt khó vươn lên xóa nghèo bền vững.

Nỗ lực giảm nghèo ở huyện vùng biên Quan Sơn

Những năm qua, huyện Quan Sơn đã nỗ lực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, khuyến khích Nhân dân từng bước xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách Nhà nước, nỗ lực vượt khó vươn lên xóa nghèo bền vững.

Nỗ lực giảm nghèo ở huyện vùng biên Quan SơnMột mô hình trồng rau an toàn ở huyện Quan Sơn.

Gia đình bà Phạm Thị Hồng, bản Ngàm, xã Sơn Điện vốn là hộ nghèo lâu năm. Gia cảnh bà Hồng có hai mẹ con, vì thiếu vốn, thiếu kiến thức trong sản xuất nên đời sống gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2015, nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của địa phương, gia đình bà được vay vốn tín dụng ưu đãi 40 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi, trồng trọt, phục tráng rừng luồng, cho hiệu quả kinh tế cao. “Cuối năm 2019, nhận thấy kinh tế gia đình đã ổn định, tôi quyết tâm viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Dẫu biết trước cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng gia đình tôi không thể trông chờ mãi vào hỗ trợ của Nhà nước được, phải nỗ lực vượt khó sản xuất và làm giàu bằng chính sức lao động của mình”, bà Hồng chia sẻ.

Cũng nhờ sự vận động, động viên của cấp ủy, chính quyền địa phương và được tiếp cận với nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quan Sơn, đời sống gia đình anh Hà Văn Nghiêm ở bản Trung Sơn, xã Sơn Thủy đã từng bước được cải thiện. Anh Nghiêm đã mở cửa hàng tạp hóa, phục tráng lại 4ha rừng luồng, vầu và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế. Năm 2018, anh tình nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Anh Nghiêm cho biết: “Muốn thoát khỏi danh sách hộ nghèo không còn con đường nào khác là chăm chỉ lao động, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Việc hỗ trợ của Nhà nước chỉ là “trợ lực” ban đầu cho hộ nghèo, còn về lâu dài phải tự mình lo cho cuộc sống”.

Trong thời gian qua, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn huyện Quan Sơn như anh Nghiêm, chị Hồng đã không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn để vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương. Cái được lớn nhất trong “công cuộc” giảm nghèo của huyện Quan Sơn là nhận thức của người dân từng bước được nâng lên, không trông chờ, ỷ lại chính sách của Nhà nước. Tìm hiểu thực tế được biết, trong nhiều năm qua, có hàng trăm lá đơn của các hộ dân tình nguyện xin ra khỏi hộ nghèo.

Trao đổi với chúng tôi, bà Lương Thị Hạnh, Bí thư Huyện ủy Quan Sơn, cho biết: Dù là huyện khó khăn của tỉnh, nhưng ở Quan Sơn đất đai khá màu mỡ, khí hậu phù hợp với nhiều cây trồng, vật nuôi - là lợi thế để phát triển nông nghiệp. Bài toán đặt ra cho huyện Quan Sơn là phải giải quyết tận gốc nguyên nhân vì sao tỷ lệ hộ nghèo cao. Vì thế, huyện Quan Sơn đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 05-NQ/HU ngày 26-7-2016 về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác giảm nghèo nhanh và bền vững huyện Quan Sơn, giai đoạn 2016-2020”; Nghị quyết số 11-NQ/HU ngày 10-4-2018 của Ban Thường vụ Huyện ủy Quan Sơn về “Phát huy vai trò gương mẫu đi đầu của đảng viên ở cộng đồng dân cư trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững”… Qua đó, huy động cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở vào cuộc để thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo. Huyện chỉ đạo các phòng chức năng, địa phương xây dựng, nhân rộng mô hình giảm nghèo hiệu quả, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng xã. Triển khai thực hiện hiệu quả một số chính sách của Nhà nước, trợ giúp xã hội đặc thù đối với các đối tượng thuộc hộ nghèo, đối tượng yếu thế có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Hỗ trợ tư liệu sản xuất, kết hợp với vận động Nhân dân đổi mới phương thức tổ chức sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm. Thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định các chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo về giáo dục, y tế, nhà ở, ưu đãi tín dụng, triển khai các chương trình, dự án đầu tư củng cố kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế vùng nông thôn tạo môi trường thuận lợi cho hộ nghèo phát triển kinh tế hộ gia đình.

Với những giải pháp cụ thể, thiết thực, các mục tiêu về giảm nghèo và tăng thu nhập cho người nghèo, mức độ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trên địa bàn huyện Quan Sơn đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nếu như năm 2016, số hộ nghèo của huyện khoảng 3.606 hộ, chiếm 41,87% thì đến năm 2020 còn 741 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 8,14%, thu nhập bình quân đầu người đạt 30,2 triệu đồng/người/năm. Năm 2021, qua rà soát theo tiêu chí mới (các tiêu chí theo chuẩn nghèo mới được điều chỉnh tăng mức độ), tỷ lệ hộ nghèo của huyện là 40,04%.

“Trong thời gian tới, huyện Quan Sơn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo của hộ nghèo, cận nghèo. Đây là nhân tố quyết định thành công của công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, trên cơ sở hỗ trợ của Trung ương và tỉnh, huyện Quan Sơn đẩy mạnh thực hiện công tác giảm nghèo bền vững theo hướng tập trung khai thác các nguồn lực; tăng cường việc hướng dẫn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật; nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả. Đồng thời, tập trung hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho hộ nghèo, cận nghèo; thực hiện công tác giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới và đẩy mạnh xã hội hóa công tác giảm nghèo bền vững”, bà Lương Thị Hạnh, Bí thư Huyện ủy Quan Sơn cho biết thêm.

Bài và ảnh: Xuân Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]