(vhds.baothanhhoa.vn) - Hoạt động công tác xã hội (CTXH) trong ngành y tế dù ra đời chưa lâu, nhưng đã góp phần giải quyết những nhu cầu bức thiết trong chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh của người dân trên địa bàn.

Nỗi đau được sẻ chia

Hoạt động công tác xã hội (CTXH) trong ngành y tế dù ra đời chưa lâu, nhưng đã góp phần giải quyết những nhu cầu bức thiết trong chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh của người dân trên địa bàn.

Nỗi đau được sẻ chiaCác nhà hảo tâm trao hỗ trợ cho gia đình bà Ngân Thị Quận.

Nỗi đau bệnh tật hành hạ, vì thiếu kinh phí điều trị, không có người thân chăm sóc... tất cả những điều đó sẽ được nhân viên CTXH san sẻ bằng những hỗ trợ thiết thực.

Được ăn cái tết sum vầy và khỏe mạnh bên con cái, đây là niềm vui mà bà Ngân Thị Quận (xã Thành Sơn, Bá Thước) không ngờ tới. Gia đình thuộc hộ nghèo, chồng già yếu, bản thân bị nhồi máu cơ tim, chỉ định can thiệp mạch vành với chi phí khoảng 30 triệu đồng. Dù đã vay mượn khắp nơi nhưng vẫn không đủ tiền, gia đình rơi vào túng quẫn... Nhưng niềm vui đã đến khi các nhân viên CTXH Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã kết nối được với nhà hảo tâm, hỗ trợ phần chi phí còn thiếu, hoàn thành ca phẫu thuật. “Lúc đó, ông nhà đang định về bán tài sản duy nhất còn lại là con trâu. May sao con trâu vẫn còn để chúng tôi có kế sinh nhai, kéo cày trả nợ. Tôi cám ơn bệnh viện và nhà hảo tâm rất nhiều”, bà Quận nói trong hạnh phúc. Sau khi ra viện, bà và gia đình đã viết những lời cảm ơn sâu sắc, gửi thư đến bệnh viện và nhà hảo tâm.

Còn đối với bệnh nhân N.T.T. (xã Cẩm Yên, Cẩm Thủy) thì những ân tình mà y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã dành cho mình khiến ông không thể nào quên. Gia đình cận nghèo, hai ông bà già đang phải nuôi một con gái tâm thần và hai cháu nhỏ. Bệnh tật khiến kinh tế gia đình ngày càng kiệt quệ. Nhập viện trong tình trạng nặng do nhiễm trùng huyết, suy lục phủ ngũ tạng, sau khi nghe phác đồ và chi phí điều trị, gia đình nhất định xin về. Ngay lập tức phòng CTXH bệnh viện đã kêu gọi nhà hảo tâm tài trợ 1 đơn thuốc ngoài bảo hiểm trị giá khoảng 6 triệu đồng giúp bệnh nhân qua cơn nguy kịch. Đồng thời, hỗ trợ bệnh nhân và người nhà miễn phí ăn uống trong quá trình điều trị. Mặt khác, nhân viên CTXH còn giúp bệnh nhân thụ hưởng chế độ bảo trợ do trước đó bệnh nhân bị mù một mắt trong quá trình lao động nhưng không biết làm chế độ. Ngày ra viện, hai vợ chồng cảm ơn các y, bác sĩ thật nhiều, đặc biệt là nhân viên CTXH đã kịp thời cho ông cơ hội sống lần thứ 2 để có thể tiếp tục làm trụ cột cho gia đình.

Tương tự, chị Lưu Thị Phương (xã Yên Thọ, Như Thanh) cũng được nhân viên CTXH Bệnh viện Đa khoa huyện Nông Cống gieo “hy vọng” bằng những giúp đỡ về vật chất và tinh thần. Dù đang còn trẻ nhưng chị Phương bị suy thận nặng, phải lọc máu 3 lần/tuần, kinh tế gia đình cũng theo đó giảm sút. Tết năm 2023, chị được tặng suất quà bằng tiền mặt trị giá 5 triệu đồng. Chị nói trong hạnh phúc: “Đã lâu lắm rồi tôi mới được cầm số tiền lớn như vậy thuộc về mình. Tôi thực sự rất vui, với số tiền đó tôi có thể mua sắm cho con bộ quần áo mới ngày tết để con bằng bạn, bằng bè và mua cho mình thuốc bồi dưỡng sức khỏe mà trước đây không dám mua”. Bên cạnh đó, chị Phương còn thường xuyên nhận được sự sẻ chia, động viên từ nhân viên CTXH bệnh viện để vững vàng trong cuộc chiến bệnh tật.

Nỗi đau được sẻ chiaPhòng CTXH, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa kết nối giúp gia đình ông N.T.T. nhận đơn thuốc miễn phí.

Hàng nghìn bệnh nhân khác trong toàn tỉnh khi đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế vẫn luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của nhân viên CTXH trong bệnh viện. Từ những hỗ trợ nhỏ như tư vấn, hướng dẫn phòng, khoa khám bệnh đến trợ giúp về vướng mắc bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, kinh phí khám, chữa bệnh, tiền thuốc men... Phòng CTXH tại các bệnh viện không chỉ là cánh tay nhân văn nối dài giữa các nhà hảo tâm và bệnh nhân nghèo, giúp các bệnh nhân nghèo có được cơ hội điều trị tốt nhất, thụ hưởng dịch vụ y tế công bằng. Nhân viên CTXH không chỉ là những nhà tâm lý học khi là chỗ dựa tin tưởng, vững chắc cho bệnh nhân san sẻ, tâm sự; mà họ còn là những nhà điều tra tài ba khi phải sàng lọc, thẩm định đúng đối tượng, mang lại sự công bằng cho người bệnh và niềm tin cho các nhà hảo tâm.

Theo chia sẻ của các nhà hảo tâm thì trước đây, muốn làm từ thiện hỗ trợ người bệnh nghèo, hoàn cảnh khó khăn song không biết bắt đầu từ đâu, liên hệ với ai cho hiệu quả. Song từ ngày các bệnh viện triển khai hoạt động CTXH và phát huy vai trò cầu nối giúp kết nối với người bệnh, chúng tôi thấy hoạt động từ thiện của mình hiệu quả, thiết thực và ý nghĩa hơn rất nhiều. Nhà từ thiện, hảo tâm mong rằng các mô hình CTXH trong bệnh viện tiếp tục được nhân rộng, phát huy để có thêm nhiều hơn nữa yêu thương được kết nối, chia sẻ, để có nhiều hơn những người bệnh nghèo, hoàn cảnh khó khăn được chăm sóc, điều trị.

Xây dựng niềm tin với các nhà hảo tâm, hầu hết các bệnh viện đều thực hiện CTXH một cách công khai, minh bạch với đầy đủ cơ sở pháp lý. Họ làm công việc kết nối với trách nhiệm của một lương y, do vậy điều mong muốn lớn nhất của họ là lợi ích cho bệnh nhân và người nhà. Để người bệnh được thụ hưởng các dịch vụ y tế một cách công bằng, để không có bệnh nhân nào bị bỏ lại phía sau.

Đến nay, hầu hết các bệnh viện đều đã thành lập phòng CTXH. Hoạt động CTXH tuy mới nhưng đã phát huy hiệu quả, hoạt động tích cực, nhiều nơi còn xây dựng mô hình hoạt động CTXH đổi mới, sáng tạo với nhiều kết quả nổi bật, điển hình như: tổ chức các chương trình giao lưu văn nghệ để vận động kinh phí xây dựng quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo; phối hợp cùng các tổ chức từ thiện cung cấp bữa ăn miễn phí cho bệnh nhân; xây dựng tủ quần áo ấm tự chọn miễn phí; mở các lớp yoga, thể dục, xây dựng tủ sách thiếu nhi; thực hiện tốt các hoạt động tư vấn, truyền thông, hỗ trợ chính sách, tặng quà động viên bệnh nhân nghèo nhân dịp lễ, tết...

Bài và ảnh: Phan Thị



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]