(vhds.baothanhhoa.vn) - Từ những đứa trẻ được xem là ngoan, khi bước vào tuổi dậy thì, trẻ bắt đầu thể hiện tính tự chủ của bản thân. Tuy nhiên, cũng như những giai đoạn phát triển khác, đây là một thử thách dành cho cha mẹ trong việc nắm bắt tâm lý con trẻ và đưa ra những giải pháp phù hợp để có thể hạn chế nguy cơ xảy ra hậu quả đáng tiếc.

“Nổi loạn” tuổi dậy thì

Từ những đứa trẻ được xem là ngoan, khi bước vào tuổi dậy thì, trẻ bắt đầu thể hiện tính tự chủ của bản thân. Tuy nhiên, cũng như những giai đoạn phát triển khác, đây là một thử thách dành cho cha mẹ trong việc nắm bắt tâm lý con trẻ và đưa ra những giải pháp phù hợp để có thể hạn chế nguy cơ xảy ra hậu quả đáng tiếc.

“Nổi loạn” tuổi dậy thì

Nhiều trẻ vị thành niên bị rối loạn tâm lý khiến cha mẹ khủng hoảng theo. (Ảnh minh họa)

“Cú sốc” của các bậc cha mẹ

Vừa là một người mẹ, vừa là cô giáo, dù đã bao nhiêu năm dạy dỗ "cái lũ nhất quỷ nhì ma” nhưng chị Nguyễn Thị Mai (phường Đông Hương, TP Thanh Hóa) cũng không khỏi phiền lòng khi cô con gái ngoan ngoãn, hiền lành chỉ biết ăn, học, nghe lời bố mẹ bỗng dưng thích ăn diện, nói dối mẹ để đi chơi hay tham gia những buổi tiệc tùng.

“Con từng là đứa bé ngoan, kể cả việc mặc quần áo thì mẹ mua gì biết mặc đấy, không bao giờ đòi hỏi. Nhưng hơn 1 năm trở lại đây, con bé bắt đầu đổi tính nết, đòi tự ý đi mua quần áo, những chiếc áo ngắn cũn, quần thì rách chỗ nọ, bạc chỗ kia… Nó thường hay trốn học thêm để đi chơi. Có lần tôi phát hiện nó trốn học về hỏi nó chối bay, chối biến, đến khi bảo đưa nó đến nhà cô giáo thì nó mới chịu nhận. Con cái tự dưng thay đổi tâm tính, đánh mắng, khuyên bảo nhiều nhưng đâu lại vào đấy. Giờ không biết phải làm sao?” - chị Mai than thở.

Cũng như con gái chị Mai, sinh ra trong một gia đình khá giả nên N.Đ.H, học sinh lớp 9 ở một trường THCS trên địa bàn TP Thanh Hóa luôn được bố mẹ nuông chiều, muốn gì được nấy nên đến tuổi dậy thì H. bắt đầu tập tành mặc quần áo bụi bặm, thay đổi kiểu tóc theo mốt, bỏ học thêm để đi tụ tập chơi game, bi-a, đua xe… Vì mải mê kinh doanh, buôn bán lại tin tưởng vào con trai nên bố mẹ H. không để ý, mãi đến khi công an gọi bố H. lên xác nhận con trai vi phạm pháp luật vì tụ tập đua xe thì mới giật mình vì sự thay đổi của H.

“Có lúc tôi từng nghĩ, đứa con trai mà 17 năm trước tôi dứt ruột đẻ ra, giờ không phải là con của mình. Dẫu biết tuổi này con đang ẩm ương, nhưng không ngờ sự ẩm ương lại đi quá xa như vậy” - tâm sự của phụ huynh Hoàng Linh (phường Đông Vệ). Với chị Linh, thời gian hơn một năm trở lại đây là những tháng ngày phải “đau đầu” với đứa con trai đang ở tuổi ăn, tuổi lớn. Từ hình ảnh một cậu nhóc ngoan ngoãn, sống tình cảm, bố mẹ phàn nàn thì cũng chỉ “cười xòa cho xong”, sau khi bước chân vào cấp 3, con trai chị Linh “lột xác” thành một đứa trẻ ngang bướng, đua đòi.

“Nếu như trước đây, tôi nói gì con đều vâng lời, hoặc có vấn đề gì không đồng tình thì hai mẹ con cũng nói chuyện với nhau rất nhỏ nhẹ. Tuy nhiên, bây giờ thì khác. Mẹ nói một câu, con cãi một câu. Chưa hết, mặc dù mới bước vào năm học nhưng tôi đã bị mời lên nói chuyện vì thầy chủ nhiệm phát hiện con tụ tập cùng một vài người bạn hút trộm thuốc lá trong nhà vệ sinh. Thầy còn phê bình kết quả học tập của con giảm sút dữ dội, cả ngày chỉ mải mê bày ra những trò chọc phá vô bổ thay vì chuyên tâm vào bài vở” - chị Linh kể lại.

Trước sự thay đổi của cậu con trai, gia đình chị thường xuyên xảy ra những trận cãi vã. Bữa cơm đôi khi cũng “chan đầy nước mắt” bởi con phạm lỗi, bố mẹ không kiềm chế được mà la mắng; còn cậu con trai thì tức tối bỏ vào phòng.

Anh Đỗ Ngọc Cương (TP Thanh Hóa) cũng rơi vào trường hợp tương tự. Vốn là một đứa trẻ mang cá tính mạnh, bước vào tuổi dậy thì, con gái anh Cương càng trở nên ương bướng, nổi loạn tới mức bố mẹ, gia đình phải chịu những cú “sốc liên hoàn”. “Hai năm trước, khi đang học lớp 7, con bé “mở màn” sự thay đổi của mình bằng việc trở nên ương bướng và chưng diện. Thời gian tiếp theo, tôi và vợ phải khốn khổ khi con yêu đương, thường xuyên trốn học thêm để đi la cà cùng bạn bè”, anh Cương chia sẻ. Vợ chồng anh đã rơi vào hết cảm xúc này đến cảm xúc khác, từ bất ngờ, hoang mang rồi đến tuyệt vọng. “Ngày trước, tôi tự nhủ mình cần bĩnh tĩnh để thuyết phục con. Tuy nhiên, càng ngày con càng trở nên “quá chướng”. Dạo gần đây, con đi suốt từ sáng tới tối mới chịu về. Khi con bước vào nhà, vợ chồng tôi “chết đứng” khi thấy màu tóc đen của con đã chuyển thành màu bạch kim. Hỏi thì con bảo thế này mới hợp mốt. Không kiềm chế nổi bản thân, tôi đánh con và yêu cầu đi nhuộm lại ngay màu tóc đen ban đầu. Chẳng nói một lời, con lau nước mắt, bỏ về phòng riêng và nhịn ăn. Tôi bất lực vì đẻ con ra mà không thể dạy. Cảm giác như trên hành trình dậy thì của con, cả tôi và con đang dần lạc hướng...”.

“Nổi loạn” tuổi dậy thì

Dậy thì là lứa tuổi có những thay đổi về tâm sinh lý, dễ tổn thương nên cần sự quan tâm nhiều hơn của gia đình.

Những “bóng đen” vô hình

Lý giải cho sự thay đổi này ở hầu hết các trẻ khi bước vào tuổi dậy thì, theo PGS.TS.BS Nguyễn Kim Việt, giảng viên bộ môn Tâm thần của Trường Đại học Y Hà Nội: Trẻ trong độ tuổi vị thành niên đang ở giai đoạn “người lớn không ra người lớn, trẻ em không ra trẻ em”, các con bắt đầu suy nghĩ độc lập và luôn muốn thể hiện cái “tôi” cá nhân. Trong khi một số em khác lại sợ bị cô lập, tẩy chay vì không đi theo phong cách nổi loạn, khác biệt của tập thể. Chưa kể, môi trường sống, học tập không phù hợp cũng là một yếu tố quan trọng tác động đến hội chứng đua đòi của tuổi mới lớn. Ví dụ, nếu con trẻ cảm giác nội quy nhà trường quá cứng nhắc, nghiêm khắc thì chúng sẽ cảm thấy mệt mỏi và muốn nổi loạn. Thậm chí, những đứa trẻ “cầm đầu” còn được bạn bè tung hô và thán phục. Chính vì thế, nếu không nhận được sự quan tâm và cảm thông của cha mẹ, tự bản thân các em vô tình kéo mình và bạn bè vào vòng sa ngã mà không hay.

Và trên thực tế đã có một số vụ trẻ vị thành niên vướng vào lao lý, như: Ngày 21-4-2022, Tòa án Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã mở phiên xét xử sơ thẩm đối với N.B.T (SN 2003, ở xã Đồng Lương, huyện Lang Chánh), V.T.A (SN 2004, ở thị trấn Lang Chánh, huyện Lang Chánh), Đ.Đ.M (SN 2003, ở xã Trí Nang, huyện Lang Chánh) về tội giết người. Nạn nhân là em P.T.L (SN 2004, lớp trưởng 11A6 Trường THPT Lang Chánh). Chỉ vì mâu thuẫn trong thu tiền ủng hộ từ thiện của lớp mà V.T.A, Đ.B.T và Đ.Đ.M cầm cây gậy bóng chày bằng sắt, chặn trước cổng trường. Khi L. vừa ra khỏi cổng, T. cầm cây gậy đập trúng vào đầu L. khiến L. gục ngay tại chỗ. Khi được chuyển xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cấp cứu, qua thăm khám và giám định thương tích, L. bị chấn thương sọ não và tổn hại 49% sức khỏe. Hay vụ việc đau lòng xảy ra cách đây gần 3 năm tại Công viên Hội An (TP Thanh Hóa). Nguyên nhân cũng từ những mâu thuẫn giữa những học sinh khối lớp 10 của một trường THPT trên địa bàn mà đã khiến một học sinh phải tử vong.

“Làm mát” trái tim nóng của con bằng sự yêu thương đúng mực

Trước những nguyên nhân từ nhiều phía như vậy, các phụ huynh không thể chỉ áp dụng một giải pháp để giúp con thoát khỏi hội chứng đua đòi, nổi loạn được. Hãy xem đó là một hành trình dài với nhiều giải pháp phối hợp với nhau, để các con có thể phát triển và trưởng thành đúng cách.

Làm cha làm mẹ ai cũng muốn con mình là một đứa trẻ ngoan và sau này thành người tử tế. Đôi khi người làm bố, làm mẹ phải đóng “vai ác” để dạy dỗ, sát sao, theo dõi và kiểm soát con, nhất là khi ở cái tuổi các con có sự phát triển về nhân sinh quan, thế giới quan chưa được đầy đủ. Tuy nhiên nhiều cha mẹ không chỉ kiểm soát hành vi, hành động mà kiểm soát luôn cả cảm xúc và sự tự nhận thức của trẻ. Khi trẻ nghĩ rằng cha mẹ đang cố gắng kiểm soát mình quá mức thì trẻ càng thêm bức bối và sẵn sàng vượt rào, thậm chí dọa sẽ lên sân thượng để nhảy xuống tự tử.

Theo Tiến sĩ Tâm lý học Cao Xuân Hải, Phó trưởng Bộ môn Tâm lý học, Khoa Tâm lý - Giáo dục, Trường Đại học Hồng Đức, thì khi con cá tính, bố mẹ càng cần tìm hiểu nhiều hơn về vấn đề tâm lý. Bố mẹ đừng bao giờ nghĩ rằng sự cá tính là biểu hiện của tiêu cực.

“Tôi luôn coi những đứa trẻ cá tính là những đứa trẻ thông minh, có nhiều sáng kiến sau khi trưởng thành nếu chúng ta biết định hướng đúng cách. Chính vì thế nên ngay từ bé, khả năng đứa trẻ nhận thức cái tôi và khẳng định cái tôi lớn hơn. Giáo dục những đứa trẻ này bố mẹ phải học hỏi nhiều hơn chứ không phải chỉ theo cách nuôi dạy con truyền thống. Mỗi đứa trẻ có tính cách khác nhau nên không có phương pháp giáo dục nào chung cho tất cả mọi người. Về cơ bản, cha mẹ cần hiểu tâm lý và tìm hiểu để biết trẻ muốn gì, cần gì, có gặp khó khăn, trở ngại nào về học tập hay các mối quan hệ với thầy cô, bạn bè không? Từ đó cha mẹ luôn đồng hành cùng con ở bất kỳ mặt trận nào. Trẻ càng nổi loạn, cha mẹ càng cần hạn chế quát mắng, chửi bới và xúc phạm hay bài xích con, cấm cản bạn bè cũng như các thú vui của con. Quan trọng là cha mẹ hãy thể hiện sự tôn trọng con bằng cách lắng nghe con bày tỏ quan điểm riêng rồi mới nói lên những suy nghĩ của mình”, Tiến sĩ Tâm lý học Cao Xuân Hải đưa ra lời khuyên.

Ngoài ra, theo Tiến sĩ Tâm lý học Cao Xuân Hải, những đứa trẻ dọa tự tử ở góc độ nào đó lại là những đứa trẻ ý thức rất tốt về sự sống và cái chết. Tất nhiên, khi con dọa tự tử, cha mẹ không thể thách thức là “con nhảy lầu đi, hay con tự tử đi”… Cha mẹ cần tỏ ra khiêm nhường, lắng nghe, nhẫn nhịn tại thời điểm đó. Bởi vì đó chính là cách cho đứa trẻ một khoảng thời gian nhìn lại vấn đề của chính mình.

Cha mẹ nên tìm một điểm chung để tiếp cận với con. Tình huống cha mẹ găng lên, nổi nóng sẽ không giải quyết được vấn đề mà chỉ đẩy con ra xa hơn. Sau khi khoảnh khắc con đòi tự tử nguôi ngoai, bố mẹ hãy thành những người bạn, ngồi lại, nói chuyện nhẹ nhàng với con để biết con cần gì, muốn gì và suy nghĩ, cảm xúc của con với mọi việc xảy ra xung quanh, để mỗi khi gặp khó khăn, nơi trẻ tìm đến luôn là gia đình chứ không phải là những mối quan hệ khác ngoài xã hội. Tạo niềm tin cho con và kết hợp với bạn bè, thầy cô giáo và nhà trường để cùng giáo dục con mới là cách tốt nhất cho sự phát triển của trẻ sau này.

“Cũng có những người mẹ sẵn sàng quát “mày chết đi cho khuất mắt tao” nhưng tôi không tán thành việc này. Vì nếu con bạn là những đứa trẻ có vấn đề về sức khỏe tâm thần chứ không còn dừng lại ở việc nổi loạn tuổi dậy thì thì bạn nói như thế khiến đứa trẻ tổn thương nghĩ cha mẹ không cần nó nữa và nó sẵn sàng nhảy lầu. Lúc ấy, hậu quả là khôn lường”, Tiến sĩ Tâm lý học Cao Xuân Hải chia sẻ.

Tuổi dậy thì không phải đứa trẻ nào cũng nổi loạn và cũng không phải sự nổi loạn nào cũng mang tính tiêu cực, đôi khi chỉ là muốn chứng tỏ bản thân đã là một người lớn. Nhưng dù thế nào đi nữa, cha mẹ nên song hành cùng con, cố gắng trở thành một người bạn thực sự của con để con được trưởng thành trong một môi trường hoàn hảo nhất.

Phương Anh


Phương Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]