(vhds.baothanhhoa.vn) - Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những giải pháp tạo việc làm tại chỗ, giúp người dân nâng cao thu nhập và phát triển các ngành nghề nông thôn. Xác định được vai trò quan trọng đó, huyện Nông Cống đã bám sát nhu cầu thực tế, tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề, hướng nghiệp cho người dân, từng bước nâng cao chất lượng lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Nông Cống: Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những giải pháp tạo việc làm tại chỗ, giúp người dân nâng cao thu nhập và phát triển các ngành nghề nông thôn. Xác định được vai trò quan trọng đó, huyện Nông Cống đã bám sát nhu cầu thực tế, tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề, hướng nghiệp cho người dân, từng bước nâng cao chất lượng lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Nông Cống: Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làmNgười lao động làm việc tại HTX tiểu thủ công nghiệp Thăng Bình.

Theo số liệu thống kê của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Nông Cống, toàn huyện có khoảng 120.000 người trong độ tuổi lao động (chiếm 61% dân số). Để giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với các hội đoàn thể và các địa phương khảo sát, nắm bắt nhu cầu học nghề của người lao động, đặc biệt là những hộ nghèo, hộ cận nghèo. Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo nghề gắn với nhu cầu thực tế.

Cùng với bám sát nhu cầu của người dân, công tác đào tạo nghề trên địa bàn huyện được triển khai trên cơ sở bám sát vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện và từng địa phương. Huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn đưa chỉ tiêu tạo việc làm, đào tạo nghề cho người dân trở thành một nội dung quan trọng trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các công ty, doanh nghiệp, HTX và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức các lớp đào tạo nghề mới, nâng cao tay nghề cho lao động nông thôn. Chỉ tính từ đầu năm 2023 đến nay, toàn huyện đã mở 20 lớp đào tạo nghề về may, cơ khí, tiểu thủ công nghiệp cho hơn 1.050 lao động.

Để tăng cơ hội tìm kiếm việc làm cho người lao động, huyện đã quan tâm phát triển doanh nghiệp, khuyến khích các địa phương phát triển tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề truyền thống, thành lập các HTX tiểu thủ công nghiệp nhằm thu hút lao động nông nhàn tại địa phương. Hiện, trên địa bàn huyện có 385 doanh nghiệp đang hoạt động, tạo việc làm cho khoảng 20.000 lao động, trong đó có 2 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực may mặc, giày xuất khẩu, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 13.000 lao động. 8 HTX, 9 làng nghề/làng nghề truyền thống/nghề truyền thống tạo việc làm cho hơn 4.400 lao động. Trong đó, 3 làng nghề nón lá làng Yên Lai, Tuy Hòa (xã Trường Giang), Thành Liên (xã Trường Sơn) tạo việc làm cho 3.650 lao động. 8 HTX tạo việc làm ổn định 3.239 lao động tại 28 xã, thị trấn: HTX Tân Thọ tạo việc làm thường xuyên cho 485 lao động; các HTX Thăng Thọ, Tân Phúc, Minh Thọ, Tượng Văn, Tượng Sơn... hợp tác cùng công ty Ngọc Sơn và công ty Quốc Đại tạo việc làm ổn định cho 2.834 lao động.

HTX tiểu thủ công nghiệp Thăng Bình được thành lập từ năm 2022 trên cơ sở tổ sản xuất tiểu thủ công nghiệp được hình thành tại xã từ năm 2009. Đến nay, HTX tạo việc làm cho 186 lao động với thu nhập trung bình 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng; người tay nghề cao là hơn 12 triệu đồng/người/tháng. Các thành viên tham gia đều được đào tạo nghề mới và đào tạo nghề nâng cao. Cô Nguyễn Thị Thiết, 57 tuổi, người lao động tại HTX, cho biết: Bản thân làm nghề này đã gần 10 năm. Trong quá trình làm tại đây cô thường xuyên được tham gia các lớp đào tạo nghề. Mỗi lần có mẫu mới là HTX cùng công ty tổ chức đào tạo nghề cho lao động, mỗi đợt đào tạo khoảng 15 - 30 ngày, sau đó người lao động phải tự rèn luyện tay nghề để đáp ứng được nhu cầu công việc.

Cùng với tạo việc làm tại địa phương, huyện Nông Cống đã phối hợp với các công ty xuất khẩu lao động, trung tâm dịch vụ tư vấn giới thiệu việc làm cho người dân. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người dân và người sử dụng lao động. Nhờ phối hợp triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nên công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm trên địa bàn huyện đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 79,3%; tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt 95% với thu nhập trung bình 4 triệu đồng/tháng/người.

Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, thì công tác đào tạo nghề theo Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đang gặp không ít khó khăn. Đồng chí Lại Duy Tuấn, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Nông Cống, cho biết: Hiện nay, tỷ lệ người nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện chủ yếu là những hộ không có nhân lực lao động. Trong khi chính sách hỗ trợ chưa tương xứng, thời gian đào tạo chưa hợp lý nên những hộ nghèo, cận nghèo không thiết tha đối vối chương trình đào tạo nghề. Dự kiến, từ nay đến hết năm, huyện sẽ thành lập các dự án hỗ trợ bò sinh sản; phối hợp mở lớp tập huấn/dạy nghề chăn nuôi cho lao động là đối tượng nghèo, cận nghèo. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho Nhân dân về công tác đào tạo nghề; tập trung công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau bậc học THCS; tăng cường liên kết giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp, HTX; đẩy mạnh xã hội hóa dạy nghề, kêu gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập cơ sở dạy nghề, qua đó nâng cao hiệu quả đào tạo nghề, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn.

Bài và ảnh: Thùy Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]