(vhds.baothanhhoa.vn) - Tôi tình cờ gặp chị Nguyễn Thị Thủy tại Công viên văn hóa du lịch tâm linh Hòn Bò - Lạch Trường, xã Hoằng Trường. Khác với vẻ ngoài mộc mạc, chị gây ấn tượng với người xung quanh bởi sự hiểu biết sâu sắc và “dẫn” hay như một hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp.

Nữ cán bộ văn hóa xã biển âm thầm “gieo” lối sống xanh

Tôi tình cờ gặp chị Nguyễn Thị Thủy tại Công viên văn hóa du lịch tâm linh Hòn Bò - Lạch Trường, xã Hoằng Trường. Khác với vẻ ngoài mộc mạc, chị gây ấn tượng với người xung quanh bởi sự hiểu biết sâu sắc và “dẫn” hay như một hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp.

Nữ cán bộ văn hóa xã biển âm thầm “gieo” lối sống xanh

Đoàn khách du lịch đến từ huyện Đại Từ (Thái Nguyên) nghe chị Nguyễn Thị Thủy giới thiệu về nét đẹp Công viên văn hóa tâm linh Hòn Bò - Lạch Trường.

Một đoàn khách du lịch đến từ Thái Nguyên về khu du lịch Hải Tiến nghỉ ngơi lên đây tham quan. Thấy đoàn khách phương xa dường như đang “lúng túng”, chị Thủy nhanh chóng tiến lại gần, hỏi thăm và giới thiệu cho khách về nơi mình đang đứng: Công viên văn hóa du lịch tâm linh Hòn Bò- Lạch Trường gồm nhiều hạng mục. Trong đó có công trình mang dấu ấn lịch sử là Đài chiến thắng trận đầu của hải quân và Nhân dân Thanh Hóa đã làm nên chiến thắng trận đầu của Hải quân Nhân dân Việt Nam. Trong trận chiến ngày 5-8-1964 đã có 54 chiến sĩ hải quân hy sinh tại cửa biển Lạch Trường; công trình mang dấu ấn tôn giáo là chùa Bụt. Các công trình mang dấu ấn văn hóa tín ngưỡng tâm linh là phủ Mẫu thờ công chúa Bảo Anh, đền thờ Đức thánh cả Tô Hiến Thành và nơi thờ bộ xương cá voi. Ngoài ra công viên còn có cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, hữu tình với bãi đá Râu Rồng, núi Hòn Bò nằm ngay nơi cửa biển Lạch Trường có trữ lượng thạch anh lớn mang lại nguồn năng lượng tích cực; xa xa là đảo Nẹ anh hùng... Một người hỏi chị: “Cô là hướng dẫn viên du lịch ở đây à? Chúng tôi là những cựu chiến binh đến từ huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, đến đây tham quan vì nghe nói nơi này rất đẹp. Nhờ cô mà chúng tôi còn biết rằng, nơi đây không chỉ đẹp mà còn chứa đựng nhiều dấu ấn văn hóa lịch sử vô cùng ý nghĩa”. “Dạ không, cháu là công chức văn hóa - xã hội địa phương, ngày cuối tuần ghé qua đây chơi, thấy các bác không phải người địa phương nên muốn giới thiệu kỹ một chút về nơi này thôi ạ. Cháu chúc các bác có một chuyến du lịch tham quan ý nghĩa”. Chị vừa nói vừa nhẹ nhàng rời chân đi, để lại ấn tượng đẹp về một người xứ Thanh thân thiện, mến khách.

Thì ra, chị là công chức văn hóa - xã hội địa phương. Lúc ấy, tôi bất chợt nghĩ: Giá như cán bộ văn hóa cơ sở nào cũng có được sự nhiệt tình, hiểu biết sâu sắc về lịch sử, nét đẹp văn hóa nơi mình sinh sống, làm việc như chị thì tốt biết bao.

Đến lúc hẹn gặp chị, tôi lại càng trân quý người cán bộ văn hóa cơ sở ấy. Chị nói, chị cũng như nhiều người làm văn hóa ở cơ sở, luôn cố gắng làm tốt công việc của mình. Rất hiếm những ngày chị rời công sở trước 5 giờ 30 chiều. Ngoài công tác chuyên môn theo trách nhiệm của một công chức văn hóa - xã hội theo quy định, chị kiêm nhiệm công tác truyền thanh, viết bài tuyên truyền về các hoạt động của địa phương như phòng chống đuối nước, phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông... mỗi ngày, chương trình truyền thanh của xã đều được chị xây dựng - “sản xuất” với thời lượng từ 25 đến 35 phút. Hoằng Trường là xã biển, dân số đông, trình độ dân trí chưa đồng đều nên công tác tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của xã vô cùng quan trọng.

Một điều đặc biệt, dù không phải là người địa phương (chị sống ở xã Hoằng Yến, làm việc tại xã Hoằng Trường) nhưng khi cùng chị đi một vòng quanh xã, tôi thực sự ấn tượng bởi sự quý mến mà người dân địa phương dành cho chị. Hỏi về “bí quyết” này, chị chân thành: “Mình cứ yêu mến, nhiệt tình, xởi lởi với người dân thì người dân sẽ quý lại mình. Nếu thôn có việc mà phải xuống chỉ đạo thì chị luôn thực hiện, cùng nói, cùng làm, cùng lao động với dân. Khi người dân thấy mình nói được, làm được thì họ sẽ tự khắc vào làm cùng, không cần phải nói nhiều”.

Không chỉ là một cán bộ văn hóa nhiệt tâm. Chị Nguyễn Thị Thủy còn là một tấm gương điển hình trong “sản xuất xanh, tiêu dùng sạch” bảo vệ môi trường. Suốt nhiều năm qua, từ những kiến thức sách vở và tham khảo trên mạng internet, chị Thủy tự mình làm ra sản phẩm thuần tự nhiên như nước rửa bát, nước gội đầu. Đặc biệt, chị còn tự mình sản xuất “thuốc trừ sâu thiên nhiên và men vi sinh bản địa” mang lại nhiều công dụng và an toàn. Theo đó, chỉ với nguyên liệu đơn giản như đường (hoặc mật mía), cám gạo, bã đậu, vỏ đu đủ, sữa chua, men tiêu hóa... sau thời gian lên men đã cho ra một chế phẩm thuần tự nhiên với tên khoa học IMO4 hay còn gọi là men vi sinh bản địa. Men vi sinh bản địa nếu để khô có thể trộn với trấu để xử lý mùi hôi của phân gia súc, gia cầm; cho gà, vịt, lợn... ăn để làm sạch đường tiêu hóa, tẩy giun sán; hoặc pha với nước để xử lý rác thải nhà bếp như vỏ tôm, cua, cá, rau... tạo thành phân hữu cơ tưới cho cây trồng.

Nữ cán bộ văn hóa xã biển âm thầm “gieo” lối sống xanh

Men vi sinh bản địa do chị Nguyễn Thị Thủy làm ra không chỉ phục vụ cho gia đình mà còn dành tặng cho người dân.

Những chế phẩm làm ra, chị Thủy tặng cho nhiều người dân trên địa bàn xã Hoằng Trường sử dụng, đồng thời hướng dẫn cách ủ men vi sinh bản địa để mỗi gia đình tự làm. Chia sẻ về điều này, chị Nguyễn Thị Thủy cho biết: “Hoằng Trường là xã biển, có đông người dân làm nghề khai thác, đánh bắt thủy hải sản, việc sử dụng nguồn thực phẩm thủy hải sản vì thế cũng nhiều hơn nơi khác dẫn đến các loại rác thải (vỏ tôm, cua, xương cá...) khá nhiều. Người dân thường có thói quen cho vào thùng rác bỏ đi, dù đã có xe môi trường thu gom song vẫn gây mùi hôi, đặc biệt là vào những ngày trời nắng nóng. Với men vi sinh bản địa dưới dạng nước cho vào thùng rác, người dân có thể để rác thải nhà bếp (rau thừa, vỏ tôm, cua, cá...) vào đó cả tuần thậm chí cả tháng cũng không bốc mùi hôi thối. Sau đó, khi men vi sinh bản địa khiến cho rác hữu cơ “tan” thành nước, dùng nước đó tưới cho cây rất tốt. Chưa kể, nếu không dùng làm phân mà đổ nước đó ra môi trường cũng không gây mùi hôi thối... Men vi sinh bản địa rất dễ làm, dễ sử dụng nhưng đến nay vẫn chưa nhiều người có thói quen sử dụng nhằm bảo vệ môi trường”.

Tôi hỏi, lý do gì khiến một công chức văn hóa - xã hội như chị dốc lòng làm nhiều công việc như vậy? Làm nhiều việc cùng lúc như vậy, có phải rất vất vả? Chị Nguyễn Thị Thủy tươi cười: “Chị làm vì trách nhiệm. Tự chị nhận thấy đó là trách nhiệm của mình. Nếu để người dân xả bỏ rác thải tùy tiện, môi trường ô nhiễm, ảnh hưởng đến cảnh quan, chị thấy mình có trách nhiệm; công tác tuyên truyền chưa tốt, người dân chưa hiểu hết các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như các vấn đề của địa phương, có trách nhiệm của chị. Khi du khách về với Hoằng Trường, muốn tìm hiểu về các giá trị văn hóa, lịch sử của vùng đất này, là một cán bộ văn hóa, nếu mình không hiểu biết để tự tin giới thiệu thì còn gì xấu hổ hơn... Với chị, khi xác định được trách nhiệm của mình trong công việc, niềm vui tự khắc sẽ đến. Và làm việc có niềm vui, mọi thứ sẽ nhẹ nhàng, đơn giản hơn. Chị học theo Bác, từ những điều đơn giản nhất”.

Với những nỗ lực cống hiến trong công việc, chị Nguyễn Thị Thủy đã 2 lần được Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng giấy khen. Ông Lê Thanh Cảnh, Chủ tịch UBND xã Hoằng Trường cho biết: “Nguyễn Thị Thủy là nữ công chức nhiệt tình, trách nhiệm với công việc chuyên môn cũng như với mọi nhiệm vụ được giao. Thủy cũng là tấm gương trong việc “gieo” lối sống xanh, sạch, lành mạnh cho người dân, được người dân tin tưởng, quý mến”.

Bài và ảnh: Khánh Lộc


Bài và ảnh: Khánh Lộc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]