(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong lịch sử dân tộc, người phụ nữ Việt với đức hy sinh vẫn thường lựa chọn “lui” về hậu phương để người đàn ông vững vàng gây dựng cơ nghiệp. Tuy nhiên, trong suốt chiều dài dựng nước và giữ nước của dân tộc, đã có những phụ nữ xứ Thanh “ghi” tên mình vào sử sách, trở thành “tượng đài” bất tử trong lòng Nhân dân.

Nữ nhân lưu danh sử sách

Trong lịch sử dân tộc, người phụ nữ Việt với đức hy sinh vẫn thường lựa chọn “lui” về hậu phương để người đàn ông vững vàng gây dựng cơ nghiệp. Tuy nhiên, trong suốt chiều dài dựng nước và giữ nước của dân tộc, đã có những phụ nữ xứ Thanh “ghi” tên mình vào sử sách, trở thành “tượng đài” bất tử trong lòng Nhân dân.

Nữ nhân lưu danh sử sáchĐoàn các đối tác quốc tế và Trung ương Hội LHPN Việt Nam dâng hương tại Khu Di tích đền Bà Triệu, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc.

Nhắc đến nữ nhân anh hùng trong lịch sử dân tộc Việt, không thể không nhớ về Bà Triệu - nữ tướng xứ Thanh viết nên “nốt thăng” hào hùng về tinh thần chống giặc ngoại xâm kiên cường, bất khuất. Để rồi, từ nhân vật lịch sử, Bà Triệu đã “vươn” tầm trở thành “huyền thoại” trong lòng Nhân dân.

Sinh ra ở vùng núi Quan Yên (Quân Yên) xứ Thanh, người con gái họ Triệu đã sớm bộc lộ khí chất của bậc nữ tướng. Phải chăng vì thế, vượt qua tính cách “nữ nhi” thường tình, ở độ tuổi đẹp nhất của người con gái, Bà Triệu đã khảng khái: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình trường ở biển Đông, lấy lại giang sơn, dựng nền độc lập, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người”. Và để thực hiện khát vọng đánh đuổi giặc Ngô xâm lược, năm 248, từ căn cứ núi Nưa, nữ tướng Triệu Trinh Nương cùng anh trai Triệu Quốc Đạt đã khởi binh, chiêu mộ tướng sĩ, ngày đêm luyện tập. Khi lực đã đủ mạnh, hai anh em họ Triệu cùng dẫn quân xuống thành Tư Phố, đánh thẳng vào căn cứ của kẻ xâm lược trên đất Cửu Chân. Khởi nghĩa đang diễn ra thì thủ lĩnh Triệu Quốc Đạt chẳng may qua đời. Nữ tướng Triệu Trinh Nương lúc này đã tiếp nối anh trai để trở thành thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa. Từ Tư Phố tiến ra phía Bắc, nghĩa quân Bà Triệu dựng phòng tuyến ở Bồ Điền (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc ngày nay) để ngăn viện binh giặc, chiến đấu những trận quyết tử với kẻ thù.

Theo sử liệu, trước sức mạnh của cuộc khởi nghĩa Bà Triệu ở vùng đất Cửu Chân (nay là Thanh Hóa) nhà Ngô ở phương Bắc không khỏi lo sợ. Một mặt, chúng tăng cường viện binh để đàn áp, mặt khác, chúng tìm cách mua chuộc, lung lay ý chí Bà Triệu. Chúng phong bà là “Lệ Hải Bà Vương” (Nữ vương xinh đẹp ở vùng biển), rồi cho vàng bạc, châu báu... Nhưng tất cả cũng không thể làm thay đổi khát vọng “lấy lại giang sơn, dựng nền độc lập” của nữ chủ tướng xứ Thanh.

Tương truyền, trước mỗi lần xung trận, Bà Triệu thường mặc áo giáp vàng, cài trâm vàng, đi guốc ngà, cưỡi voi vô cùng uy dũng, chỉ một tiếng thét xung trận cũng khiến giặc khiếp sợ. Bởi vậy mới có câu: “Hoành qua đương hổ dị. Đối diện Bà vương nan” (múa giáo đánh hổ dễ, đối mặt vua Bà thì thực khó).

Vì chênh lệch tương quan lực lượng quá lớn, cuộc khởi nghĩa Bà Triệu không thể đi đến thắng lợi cuối cùng, vị vua Bà chọn cách tuẫn tiết trên đỉnh núi Tùng để giữ trọn khí tiết. Nhận xét về Bà Triệu, sách Khâm định Việt sử Thông giám cương mục thời Nguyễn ngợi ca: “Con gái nước ta có nhiều người hùng dũng lạ thường. Bà Triệu Ẩu thật xứng đáng là người sánh vai được với Hai Bà Trưng. Xem thế thì há có phải chỉ Trung Quốc mới có đàn bà danh tiếng như chuyện Thành Phu Nhân và Nương Tử Quân mà Bắc sử đã chép đâu”.

Đã hơn 1.700 năm trôi qua, dân tộc Việt vẫn khắc ghi công lao của vị vua Bà và trong lòng Nhân dân, Bà Triệu đã thực sự bất tử. Ông Nguyễn Văn Tĩnh, Tổ trưởng tổ quản lý Khu Di tích đền Bà Triệu cho biết: “Hàng năm, trong số hàng vạn du khách về dâng hương, chiêm bái tại khu di tích thì có nhiều đoàn khách quốc tế và Trung ương Hội LHPN Việt Nam về đây dâng hương, bày tỏ lòng kính ngưỡng trước vua Bà”.

Không anh dũng như Bà Triệu nơi chiến trận. Có một người mẹ xứ Thanh rất đỗi bình dị đã lặng lẽ cống hiến, hy sinh và dành tất cả những điều tốt đẹp nhất cho cách mạng dân tộc: Mẹ Tơm. Để rồi hôm nay, nhớ về mẹ Tơm, chúng ta nhớ đến hình ảnh một người mẹ Việt Nam tảo tần mà vĩ đại.

Hơn 70 năm về trước, căn nhà tranh vách đất bên bờ biển Hanh Cát - Hanh Cù (nay là xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc) của gia đình bà Nguyễn Thị Quyển (tức mẹ Tơm) đã trở thành nơi làm việc, in ấn tài liệu báo chí cách mạng. Ở đấy, mỗi ngày mẹ Tơm lo lắng từng bữa ăn đạm bạc, cẩn thận giặt từng bộ quần áo và không quên canh gác cho các đồng chí làm việc. Hình ảnh mẹ Tơm được nhà thơ cách mạng Tố Hữu khắc họa đầy chân thực: “… Chợ xa mẹ gánh mớ rau xanh/ Thêm bó truyền đơn gọi đấu tranh/ Bãi cát vàng xưa in bóng mẹ/ Chiều về hòn Nẹ biển reo quanh”.

Đồng chí Lê Tất Đắc - người từng có thời gian sống tại nhà mẹ Tơm trong một bài viết đã nhớ lại: “Mẹ Tơm rất thương chúng tôi, coi như con. Tuy rất nghèo nhưng mỗi lần đi chợ về mẹ cũng cố mua cho chúng tôi được cái bánh đúc hay củ sắn. Chúng tôi quý bà như mẹ đẻ và gọi bà là “mợ” theo tiếng địa phương. Nhưng tranh thủ nói chuyện được với bà cũng rất khó vì bà làm việc suốt ngày và rất quý thời gian làm báo của chúng tôi... Mỗi lần vào thăm chúng tôi, bà chỉ dừng lại trong giây lát, quan sát chúng tôi với nụ cười sung sướng và gật đầu vài cái rồi đi ngay”. Đâu chỉ có vậy, mẹ Tơm - người phụ nữ những tưởng chỉ quen với tảo tần sương gió, còn trở thành một chiến sĩ rải truyền đơn dũng cảm: “Có một lần đồng chí Tố Hữu gợi ý, con muốn đi rải truyền đơn ở chợ Diêm Phố, chợ Mành nhưng thấy khó khăn quá, chỉ sợ lộ. Mẹ Tơm chỉ nói với anh: “Con để mợ đi cho. Mợ có cách, mợ làm được”. Mẹ Tơm nhận làm việc đó rất thanh thản” (Theo sách Địa chí và lịch sử xã Đa Lộc).

Làm cách mạng là đã chấp nhận khó khăn, gian khổ và hy sinh. Dẫu vậy, cũng như bao tấm lòng người mẹ Việt Nam, mẹ Tơm cũng không giấu nổi nỗi đau trước việc hai con của mình bị giặc bắt đi: “Nhưng một đêm mưa ướt bãi cồn/ Chúng về chúng trói cả hai con/ Máu con đỏ cát đường thôn lạnh/ Bóng mẹ ngồi trông vọng nước non” (Mẹ Tơm - Tố Hữu). Những vần thơ chân thực mà lay động, ám ảnh đến nhức lòng.

Đi qua thời gian, vùng quê biển Hanh Cát - Hanh Cù ngày nào giờ đây đã thay da đổi thịt. Và căn nhà xưa bên cồn cát trắng của mẹ Tơm giờ đây cũng đã trở thành khu lưu niệm khang trang, là chốn tìm về của những thế hệ người dân Việt để tưởng nhớ về một người mẹ xứ Thanh bình dị mà vĩ đại.

Bà Triệu, mẹ Tơm chỉ là hai trong số nhiều tấm gương phụ nữ xứ Thanh được lưu danh sử sách, sống mãi trong lòng Nhân dân. Mỗi tấm gương phụ nữ đều là bông hoa đẹp riêng có - tỏa hương dâng đời theo cách riêng, trên tinh thần phát huy truyền thống tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Đánh giá về vai trò, đóng góp của người phụ nữ xứ Thanh từ truyền thống đến hiện đại, bà Ngô Thị Hồng Hảo - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: “Phát huy truyền thống trên quê hương Bà Triệu anh hùng, các tầng lớp phụ nữ trong tỉnh những năm qua đã đoàn kết, năng động, sáng tạo, hăng hái tham gia phong trào thi đua yêu nước, tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc. Từ đó khẳng định vai trò, vị thế trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển chung của tỉnh và phong trào phụ nữ cả nước”.

Bài và ảnh: Trang Bùi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]