(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong một lần tâm sự với tôi, ông nói: “Trong đời công tác, mình có hai lần được về quê. Lần thứ nhất là năm 1988, khi đang làm Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú thì được Bộ Chính trị điều về làm Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa. Lần thứ hai là khi về hưu được đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội đồng hương Thanh Hóa tại Hà Nội”, đó là ông Lê Huy Ngọ, một người con của xứ Thanh, sinh năm 1938, ở vùng biển tại xã Tĩnh Hải, huyện Tĩnh Gia (nay là phường Tĩnh Hải, thị xã Nghi Sơn).

Ông Lê Huy Ngọ và hai lần về quê

Trong một lần tâm sự với tôi, ông nói: “Trong đời công tác, mình có hai lần được về quê. Lần thứ nhất là năm 1988, khi đang làm Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú thì được Bộ Chính trị điều về làm Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa. Lần thứ hai là khi về hưu được đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội đồng hương Thanh Hóa tại Hà Nội”, đó là ông Lê Huy Ngọ, một người con của xứ Thanh, sinh năm 1938, ở vùng biển tại xã Tĩnh Hải, huyện Tĩnh Gia (nay là phường Tĩnh Hải, thị xã Nghi Sơn).

Ông Lê Huy Ngọ và hai lần về quê

Ông Lê Huy Ngọ.

Sinh ra trong một gia đình nghèo, có tới 6 người con, bố mất sớm, mẹ phải tần tảo nuôi con, tuy vậy ông luôn luôn là một học sinh giỏi. Học xong phổ thông, ông ra Hà Nội đưa nước mắm thuê cho một người cùng làng có xưởng nước mắm ở phố Cát Linh để kiếm sống và hàng tháng gửi tiền về cho mẹ. Một hôm ông đưa nước mắm lên Chèm để bán tình cờ nhìn thấy tấm bảng xi măng nhỏ có dòng chữ “Trường Trung cấp Nông Lâm Trung ương” và ông đã quyết định thi vào trường này. Ông xa quê Thanh từ đó.

Ông nguyên là Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú (1986 - 1988), Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa (1988 - 1991), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (1997 - 2004), Trưởng ban Phòng chống Bão lụt Trung ương (1997 - 2007).

Ông Lê Huy Ngọ nghỉ hưu năm 2007, sau đó một thời gian ngắn ông nhận lời đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội đồng hương Thanh Hóa tại Hà Nội, cho đến nay (7-2022). Ông coi việc nhận lời đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội đồng hương Thanh Hóa tại Hà Nội là lần về quê thứ hai, sau lần về Thanh Hóa nhận nhiệm vụ Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa (1988). Ông nói với tôi: “Mình về Thanh Hóa hồi đó đúng thời gian Đảng bộ đang thực hiện Thông báo 74 của Ban Bí thư về củng cố và xây dựng Đảng, trong hoàn cảnh khó khăn về tổ chức và một bộ phận Nhân dân thiếu đói. Cho nên công việc đầu tiên là phải ngay lập tức lo cái ăn cho dân. Bằng những biện pháp có thể tại chỗ, lại được Trung ương hỗ trợ theo đề nghị của mình, khó khăn nói trên đã dần dần được khắc phục. Còn công tác tổ chức phải có thời gian để sắp xếp tổ chức cán bộ, chương trình công tác, đổi mới phương thức lãnh đạo - dân chủ, công khai, chân thành, phải bình tĩnh, khách quan mới xử lý được”.

Là Chủ tịch Hội đồng hương Thanh Hóa tại Hà Nội, ông lo toan, trăn trở nhiều điều. Làm sao để kết nối người Thanh Hóa tại Hà Nội với nhau, kết nối họ với quê hương. Thanh Hóa là một tỉnh có số người công tác, làm ăn, sinh sống, học tập tại Hà Nội đông vào bậc nhất. Theo ông, hoạt động của hội đồng hương phải trên tinh thần tự nguyện, đoàn kết. Tổ chức đồng hương tỉnh nhưng phải quan tâm đến việc tổ chức theo ngành và giới, theo huyện và xã. Và đã có sáu ban liên lạc đồng hương theo ngành và giới như vậy được thành lập: Hội đồng hương Văn nghệ sĩ Thanh Hóa tại Hà Nội, Hội đồng hương sinh viên trí thức Thanh Hóa tại Hà Nội, Hội các doanh nhân người Thanh Hóa tại Hà Nội, Hội các cụ lão thành cách mạng người Thanh Hóa tại Hà Nội, Hội Cựu chiến binh và Hội Công an người Thanh Hóa tại Hà Nội.

Ông Lê Huy Ngọ nhấn mạnh: Hội đồng hương tỉnh cần phải đặc biệt quan tâm đến hoạt động của các hội đồng hương huyện và xã. Tỉnh là tầm vĩ mô, còn huyện và xã mới là “dân hương”, nơi thực sự gần gũi bà con.

Thanh Hóa là một trong những tỉnh thành lập hội đồng hương sớm nhất tại Hà Nội (12-12-1995). Chủ tịch Lê Huy Ngọ kể: Hoạt động của Hội đồng hương Thanh Hóa tại Hà Nội có nhiều nội dung. Lúc đầu bà con động viên nhau làm việc, chia sẻ các khó khăn, làm tốt trách nhiệm của người công dân Thanh Hóa và công dân Hà Nội. Đi thăm hỏi bà con tôi nhận ra, không riêng gì ở quê mình còn khó khăn, mà chính người Thanh Hóa ở Hà Nội cũng có nhiều hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tôi nghĩ, người đồng hương hướng về quê hương là đúng quá rồi, nhưng cũng phải quan tâm đến người đồng hương ở đây (Hà Nội) đang gặp khó khăn. Mình chia sẻ được, kịp thời hỗ trợ được thì hay lắm. Theo đề xuất của tôi, “Quỹ chia sẻ những khó khăn đặc biệt với người Thanh Hóa tại Hà Nội” đã được thành lập.

Hội đồng hương Thanh Hóa tại Hà Nội được lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa rất quan tâm đến việc kết nối, xây dựng chương trình hành động. Năm nào tỉnh cũng cử một đoàn lãnh đạo cao cấp nhất do Bí thư Tỉnh ủy dẫn đầu ra tham dự cuộc gặp gỡ đầu xuân của Hội đồng hương, thông báo cho bà con ở Hà Nội những thành tựu của tỉnh nhà trong năm qua, kế hoạch, nhiệm vụ của tỉnh trong năm tới, lắng nghe những đề xuất với tỉnh về những vấn đề mà hội quan tâm. Đặc biệt tỉnh còn cử nhiều văn nghệ sĩ ra phục vụ bà con với những tiết mục hay nhất, tinh túy nhất, công phu nhất của văn nghệ tỉnh nhà. Nhờ vậy các cuộc gặp gỡ đầu xuân diễn ra vô cùng đầm ấm, đậm tình quê hương, đậm đà bản sắc xứ Thanh và thực sự xúc động.

Theo ông Lê Huy Ngọ, những hoạt động hướng về quê hương cần phải gắn liền với các cán bộ cao cấp đã về hưu tại Hà Nội, với đội ngũ trí thức, với các văn nghệ sĩ, nhà báo có tên tuổi. Chia sẻ lớn nhất với địa phương là chia sẻ tri thức, chia sẻ trí tuệ, là khoa học và công nghệ, là văn học nghệ thuật. Cần tập hợp lực lượng này để họ kết nối, hợp tác với quê hương theo khả năng, điều kiện của mình và theo từng quy mô phù hợp với yêu cầu và sự phát triển của tỉnh, góp phần thực hiện khát vọng phát triển, thịnh vượng, xứng đáng với truyền thống và thế mạnh của tỉnh cũng như sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương, của Bộ Chính trị đối với Thanh Hóa.

Là một nhà văn tham gia Ban liên lạc Hội đồng hương Văn nghệ sĩ Thanh Hóa tại Hà Nội, tôi cảm nhận rất rõ sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Chủ tịch Lê Huy Ngọ đối với hoạt động của ban chúng tôi. Năm nào ông cũng đến tham dự và phát biểu tại cuộc gặp gỡ đầu xuân của văn nghệ sĩ, nhà báo Thanh Hóa tại Hà Nội. Ông nói những lời gan ruột, những tình cảm chân thành đối với giới văn nghệ sĩ, nhà báo xứ Thanh và họ đã thật sự xúc động khi nghe những lời phát biểu chí tình, chí lý của ông. Ông rất chịu khó đến tham dự các cuộc họp của ban chúng tôi, để lắng nghe và có những ý kiến chỉ đạo kịp thời. Ông nhiệt tình đến mức, bất kể tuổi già, ông vẫn cùng đi với văn nghệ sĩ, nhà báo Thanh Hóa về thăm quê hương. Ý tưởng của ông về tiêu đề cuốn sách Ngày về xứ Thanh được nhiều người hoan nghênh, cuốn sách đã được ấn hành cùng với sự hỗ trợ của Tỉnh ủy Thanh Hóa.

Năm 2019, bộ sách đồ sộ Với quê Thanh dày 500 trang với sự tham gia của 116 tác giả là người Thanh Hóa đang công tác, sinh sống tại Hà Nội được ấn hành, là một dấu ấn đặc biệt đối với giới văn nghệ sĩ, nhà báo Thanh Hóa tại thủ đô. Đây là một công trình có sự chỉ đạo và hỗ trợ hiệu quả của ông Lê Huy Ngọ. Ông còn gửi cho bộ sách bài viết giàu tâm huyết với tiêu đề Niềm tin, trong đó ông viết: “Quê hương nghĩa nặng tình sâu, những con em Thanh Hóa ở Hà Nội vẫn luôn luôn động viên nhau, mỗi người tùy tâm, tùy hoàn cảnh, tùy điều kiện góp một phần nhỏ bé xây dựng và phát triển quê hương...”.

Chọn tiêu đề Ông Lê Huy Ngọ và hai lần về quê cho bài viết này, tôi chạnh nhớ mấy câu thơ cuối cùng của tôi trong bài thơ Sông Mã sông Chu:

“Trời tỉnh Thanh hôm nay nắng chói chang

Tắm mát hồn tôi sông Chu sông Mã

Người quê tôi dù có đi muôn ngả

Nhớ sông Chu sông Mã lại muốn về”.

Bài và ảnh: Lê Bá Thự


Bài và ảnh: Lê Bá Thự

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]