(vhds.baothanhhoa.vn) - Xung quanh câu chuyện làng nghề, nghề truyền thống, làng nghề truyền thống sau công nhận, phóng viên (PV) báo Thanh Hóa Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với các ông: Đỗ Trọng Vĩnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); Hoàng Trọng Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa; Trần Văn Khánh, Bí thư Đảng ủy thị trấn Vĩnh Lộc (Vĩnh Lộc).

Phát triển làng nghề gắn với thực hiện Chương trình OCOP

Xung quanh câu chuyện làng nghề, nghề truyền thống, làng nghề truyền thống sau công nhận, phóng viên (PV) báo Thanh Hóa Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với các ông: Đỗ Trọng Vĩnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); Hoàng Trọng Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa; Trần Văn Khánh, Bí thư Đảng ủy thị trấn Vĩnh Lộc (Vĩnh Lộc).

Ông Đỗ Trọng Vĩnh: OCOP là "trợ lực” quan trọng

Phát triển làng nghề gắn với thực hiện Chương trình OCOP

PV: Thực tế, đã có những làng nghề, làng nghề truyền thống, nghề truyền thống sau khi được công nhận không thể phát huy giá trị. Nguyên nhân vì đâu, thưa ông?

Ông Đỗ Trọng Vĩnh: Có rất nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu ở 3 nguyên nhân chính. Thứ nhất thị trường tiêu thụ không ổn định, không cạnh tranh được với những sản phẩm cùng loại được sản xuất bằng công nghệ hiện đại. Thứ hai, đa phần các cơ sở ngành nghề nằm xen kẽ trong các khu dân cư, quy mô hộ gia đình là chính, thiếu vốn, thiếu lao động có tay nghề cao, sản xuất thủ công là chủ yếu. Bên cạnh đó, do thiếu thông tin nên việc mở rộng tiêu thụ thị trường còn chậm. Thứ ba, số lượng lao động ở các làng nghề, làng nghề truyền thống đang có xu hướng giảm do nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp. Thu nhập lao động tại các làng nghề này mặc dù tăng so với trước đây, song vẫn thấp hơn thu nhập của lao động tại các doanh nghiệp.

PV: Sản phẩm làng nghề truyền thống không chỉ là niềm tự hào của một địa phương, của người làng nghề mà có những sản phẩm còn là vinh dự của một quốc gia. Vấn đề đặt ra, làm thế nào để vừa bảo tồn, vừa phát huy giá trị sản phẩm làng nghề, thưa ông?

Ông Đỗ Trọng Vĩnh: Theo tôi, để vừa bảo tồn vừa phát huy giá trị sản phẩm làng nghề cần có một số giải pháp cụ thể. Một là tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng trong bảo tồn, phát huy nghề truyền thống, làng nghề truyền thống… Hai là, phát triển làng nghề, nghề truyền thống, làng nghề truyền thống gắn với thực hiện Chương trình OCOP “Mỗi xã một sản phẩm”. Phải hiểu, OCOP là "trợ lực" quan trọng, góp phần vào việc bảo tồn, phát huy giá trị ngành nghề nông thôn. Ba là, phát triển làng nghề phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Việc du nhập nghề mới cần nghiên cứu kỹ lưỡng các mô hình đã thực hiện ở các tỉnh, học tập về nguyên tắc chứ không dập khuôn máy móc. Bốn là, đầu tư, hỗ trợ các làng nghề, nghề truyền thống, làng nghề truyền thống. Cụ thể cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện cơ sở hạ tầng làng nghề gắn với du lịch và xây dựng nông thôn mới; rà soát đất đai, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để quy hoạch phát triển các vùng nguyên liệu tập trung ổn định để đảm bảo nguồn nguyên liệu sản xuất ngành nghề… Thứ năm là tăng cường công tác kiểm tra, bảo vệ môi trường làng nghề. Hỗ trợ đầu tư nâng cấp các hệ thống xử lý môi trường tại cơ sở trong làng nghề…

Ông Hoàng Trọng Cường: Lo lắng chỉ vài ba thế hệ sau làng nghề sẽ thất truyền

Phát triển làng nghề gắn với thực hiện Chương trình OCOP

PV: Thực tế, làng nghề truyền thống dệt nhiễu Hồng Đô đang dần bị mai một. Là người con sinh ra và lớn lên ở làng nghề, hẳn ông có rất nhiều trăn trở?

Ông Hoàng Trọng Cường: Thực sự rất tiếc. Lâu nay khi nói đến Hồng Đô là đã hình dung ra ngay đó một làng nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ, dệt nhiễu. Rất tự hào. Nhưng dưới góc độ là một người sinh ra ở làng nghề thì tôi thấy để nghề phát triển rất khó.

Huyện rất muốn khôi phục nhưng quy luật kinh tế thị trường không chống được. Các cơ chế của Nhà nước tạo điều kiện, dừng ở vấn đề quy hoạch làng nghề nhưng cũng không thu hút bởi do yếu tố thị trường. Vì vậy, huyện đang đề xuất với tỉnh là xin chuyển mục đích làng nghề ươm tơ, dệt nhiễu sang làng nghề tổng hợp để đưa thêm một số ngành nghề khác như mộc, hàn, rèn…, tận dụng đất của cụm công nghiệp làng nghề và xử lý vấn đề môi trường một cách tập trung. Tuy nhiên, hiện nay vướng ở chỗ, với tính chất là Làng nghề ươm tơ, dệt nhiễu Hồng Đô, tức chỉ dành cho việc ươm tơ, dệt nhiễu, do chưa khai thông được nên chưa thể đưa các ngành nghề khác vào được.

PV: Nguy cơ thất truyền là điều rất dễ xảy ra. Ông nghĩ sao về điều này?

Ông Hoàng Trọng Cường: Nếu không có tác động, biến động về mặt thị trường hoặc thay đổi về mặt giá trị thì chắc chắn vài ba thế hệ sau sẽ thất truyền vĩnh viễn. Một vài chính sách hỗ trợ có thể hích lên một chút. Nhưng nhiễu không được giá thì làng nghề không thể tồn tại.

Ông Trần Văn Khánh: Ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP

Phát triển làng nghề gắn với thực hiện Chương trình OCOP

PV: Năm 2019, làng nghề chè lam Phủ Quảng được công nhận. Năm 2020, sản phẩm đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh. Đây là niềm tự hào nhưng cũng đặt ra trách nhiệm không nhỏ. Để duy trì và phát triển sản phẩm OCOP, thị trấn Vĩnh Lộc đã có những kế hoạch cụ thể như thế nào, thưa ông?

Ông Trần Văn Khánh: Các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận đã gia tăng giá trị, góp phần giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu. Một số doanh nghiệp, cửa hàng trong và ngoài tỉnh đã đặt hàng, ưu tiên các sản phẩm OCOP của thị trấn Vĩnh Lộc để đưa vào hệ thống phân phối, qua đó góp phần ổn định sản xuất, tăng thu nhập cho các chủ thể.

Để duy trì, phát triển sản phẩm OCOP, Đảng ủy, UBND thị trấn Vĩnh Lộc đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch đồng thời triển khai, thực hiện theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, trong đó ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP các nhóm, ngành hàng có lợi thế của địa phương gắn với phát triển sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch như chế biến thực phẩm nông - lâm - thủy sản, đồ mỹ nghệ...

Để đạt được mục tiêu trên, địa phương đã đưa ra một số giải pháp như quy hoạch, hình thành các vùng sản xuất tập trung, đảm bảo cung ứng nguyên liệu cho sản xuất sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, bố trí nguồn kinh phí địa phương và lồng ghép kinh phí từ các chương trình, dự án khác để hỗ trợ triển khai Chương trình OCOP. Đồng thời tạo điều kiện cho các chủ thể, hộ sản xuất tham gia các hội thảo, hội chợ quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP. Ngoài ra, vận động các chủ thể đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử trong việc giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm…

Vi An (thực hiện)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]