(vhds.baothanhhoa.vn) - Ví như kẻ giết người thầm lặng, mỗi năm tai nạn đuối nước cướp đi sinh mệnh của hàng nghìn trẻ em trên khắp cả nước, trở thành nỗi ám ảnh của toàn xã hội. Để phòng, chống tai nạn đuối nước, đã có những mô hình, cách làm hay, sáng tạo được các tổ chức, cá nhân triển khai.

Phòng, chống đuối nước ở trẻ em: Nhân rộng những mô hình hiệu quả

Ví như kẻ giết người thầm lặng, mỗi năm tai nạn đuối nước cướp đi sinh mệnh của hàng nghìn trẻ em trên khắp cả nước, trở thành nỗi ám ảnh của toàn xã hội. Để phòng, chống tai nạn đuối nước, đã có những mô hình, cách làm hay, sáng tạo được các tổ chức, cá nhân triển khai.

Phòng, chống đuối nước ở trẻ em: Nhân rộng những mô hình hiệu quả

Dạy bơi cho trẻ và trang bị kỹ năng an toàn trong môi trường nước là điều quan trọng giúp trẻ phòng, chống tai nạn đuối nước.

Thầy giáo thể dục dạy bơi miễn phí cho học sinh

Là giáo viên dạy thể dục của Trường THCS Quý Lộc (Yên Định), đồng thời cũng là một huấn luyện viên bơi lội, thầy giáo Phạm Văn Vũ vẫn chưa quên nỗi ám ảnh mất người thân vì tai nạn đuối nước. Bởi vậy, khi có điều kiện, thầy Vũ đã đầu tư xây dựng bể bơi ngay trong khuôn viên của gia đình ở quê nhà - thôn Phúc Tân, xã Cẩm Tân (Cẩm Thủy), dạy bơi miễn phí cho học sinh trên địa bàn huyện, với mong muốn các em nhỏ không chỉ biết bơi, có kỹ năng an toàn trong môi trường nước mà còn cứu người bị đuối nước.

Theo đó, bắt đầu từ năm 2019, lớp dạy bơi miễn phí của thầy giáo Phạm Văn Vũ đi vào hoạt động. Điều kiện để được tham gia lớp học bơi miễn phí là những học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo; học sinh đạt giải, có thành tích học tập xuất sắc. Vì điều kiện khoảng cách địa lý, nên trẻ em học bơi tại bể bơi Vũ Hoàng của gia đình thầy Vũ chủ yếu đến từ các xã: Cẩm Tân, Cẩm Phú, Cẩm Ngọc, Cẩm Vân và Trường THPT Cẩm Thủy 2.

Đều đặn, trước khi năm học kết thúc, thầy Phạm Văn Vũ lại làm tờ trình gửi đến các nhà trường, để từ đó lập danh sách học sinh đủ điều kiện tham gia lớp học bơi miễn phí, mỗi trường 20 em. Sau 3 năm mở lớp dạy bơi miễn phí, đến nay thầy giáo Phạm Văn Vũ đã dạy bơi thành công cho khoảng 500 em nhỏ.

Chia sẻ về kinh nghiệm dạy bơi của mình, thầy Vũ cho biết: “Nếu được hướng dẫn khoa học, bài bản và tận tình, mỗi em nhỏ cần từ 8 - 12 buổi là biết bơi thành thạo. Để việc dạy bơi đạt kết quả, những lớp học sẽ được chia nhỏ với nhiều ca trong ngày. Thông thường, lớp dạy bơi miễn phí sẽ kết thúc vào tháng 8 hàng năm, trước thềm năm học mới. Hy vọng, việc dạy bơi miễn phí ở bể bơi Vũ Hoàng sẽ góp phần vào việc phòng, chống tai nạn đuối nước ở trẻ em”.

“Màu áo xanh” với sáng kiến phòng, chống đuối nước

Do có sông Chu và hệ thống kênh mương chảy qua nhiều xã, thị trấn trên địa bàn, khiến nguy cơ đuối nước, đặc biệt vào mỗi dịp hè rất dễ xảy ra ở huyện Thọ Xuân. Vì vậy, năm 2019, Huyện đoàn Thọ Xuân đã thực hiện thí điểm mô hình “Lốp xe cứu hộ” ở xã Xuân Tân (nay là xã Trường Xuân). Bằng việc tận dụng lốp xe đạp, xe máy đã qua sử dụng kết lại với nhau, sau đó buộc vào các cột mốc dọc bờ kênh Bắc giúp cho thanh, thiếu niên và người dân khi xuống kênh có điểm tựa để lên bờ. Điều này phần nào ứng phó được tình trạng hai bên bờ kênh dốc, trơn trượt, khoảng cách các bậc lên xuống xa nhau.

Sau khi đánh giá hiệu quả, mô hình “Lốp xe cứu hộ” đã được nhân rộng trên địa bàn nhiều xã dọc theo kênh Bắc. Giờ đây “Lốp xe cứu hộ” còn được kết hợp với chai, can nhựa đã qua sử dụng treo dưới các thành cầu, khu vực dễ xảy ra đuối nước. Trong trường hợp khẩn cấp, nó không chỉ giúp người gặp nạn tìm được phao mà ngay cả những người cứu hộ cũng có sẵn phương tiện để cứu người đuối nước. Việc đặt “phao cứu hộ” được các đoàn viên khảo sát địa hình kỹ lưỡng, treo ở những nơi nguy cơ cao, để từ đó tăng hiệu quả. Anh Lê Trọng Quý, Phó Bí thư Huyện đoàn Thọ Xuân, cho biết: “Cùng với công tác tuyên truyền, kêu gọi các bạn trẻ học bơi thì những “lốp xe cứu hộ”, “phao cứu hộ” tự chế sẽ giúp giảm thiểu phần nào tai nạn đuối nước. Tuy nhiên, điểm hạn chế là việc ảnh hưởng của mô hình đến dòng chảy của kênh, đặc biệt vào mùa mưa. Chưa kể ý thức kém của một số người dân chỉ vì muốn lấy chai, can nhựa phế thải mà sẵn sàng phá bỏ các phao cứu hộ”.

Phòng, chống đuối nước ở trẻ em: Nhân rộng những mô hình hiệu quả

Biển cảnh báo tai nạn đuối nước ở các khu vực nguy hiểm của Huyện đoàn Thọ Xuân.

Xác định phòng, chống tai nạn đuối nước ở trẻ em là trách nhiệm chung của toàn xã hội, từ tháng 3-2021, Tỉnh đoàn đã triển khai Đề án Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tham gia phòng, chống đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, với mục tiêu giảm thiểu tình trạng tai nạn đuối nước ở thanh thiếu niên, trẻ em. Cùng với công tác tuyên truyền sâu rộng, cảnh báo nguy hiểm của tai nạn đuối nước, Đề án trang bị các vật dụng, thiết bị (phao cứu hộ, biển cảnh báo), lắp đặt các bể bơi di động dạy bơi miễn phí cho trẻ em (trong 5 năm sẽ lắp đặt xong 15 bể bơi cho 15 huyện, thị xã, thành phố) ở các địa phương có nguy cơ cao về tai nạn đuối nước. Tổ chức các hoạt động tập huấn, trang bị kỹ năng, kiến thức phòng, chống, xử lý tình huống khi gặp tai nạn đuối nước cho cán bộ làm công tác đoàn, đội và trẻ em ở cơ sở.

Chị Đặng Thị Hồng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Thanh thiếu nhi - Trường học Tỉnh đoàn, cho biết: “Thực hiện Đề án, Tỉnh đoàn phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để mời các giáo viên thể dục có chứng chỉ dạy bơi đứng lớp. Trong chương trình công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi của 27 huyện, thị, thành đoàn năm 2021 đều phấn đấu mỗi đơn vị tổ chức được ít nhất 1 lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ em”.

Hiệu quả từ những dự án, chương trình

Tai nạn đuối nước được xác định là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các loại tai nạn thương tích trẻ em, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự sống còn và phát triển của trẻ. Những năm qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã tích cực, chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp hiệu quả nhằm phòng, chống đuối nước ở trẻ em. Từ năm 2019 đến nay, sở thực hiện Dự án Phòng, chống đuối nước trẻ em do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Tổ chức Vận động chính sách toàn cầu (Hoa Kỳ) hỗ trợ tổ chức lớp dạy bơi an toàn cho trẻ em tại 20 xã thuộc 6 huyện (Cẩm Thủy, Như Thanh, Triệu Sơn, Hà Trung, Nga Sơn, Nông Cống). Kết quả, trong năm 2019, đã tổ chức được 110 lớp dạy bơi an toàn cho 2.200 trẻ em từ 6 đến 15 tuổi; tổ chức 80 lớp dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho 4.000 trẻ...

Phòng, chống đuối nước ở trẻ em: Nhân rộng những mô hình hiệu quả

Mô hình “Lốp xe cứu hộ” ở các khu vực nguy hiểm của Huyện đoàn Thọ Xuân.

Cùng với Sở LĐ-TB&XH, trong giai đoạn 2016 - 2020, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai Chương trình Bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em với sự phối hợp cùng các ngành: Công an, Giáo dục và Đào tạo. Đã có 1.200 lớp dạy bơi được mở với 224.800 em tham gia học bơi và trang bị kiến thức kỹ năng phòng, chống đuối nước. Tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh biết bơi đạt khoảng 40%.

Phòng, chống tai nạn đuối nước ở trẻ em chưa bao giờ là vấn đề cũ. Bảo vệ trẻ em trước sự tấn công của “thủy thần”, vẫn là câu chuyện mà trách nhiệm không phải của riêng ai.

Bài và ảnh: Bùi Trang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]