(vhds.baothanhhoa.vn) - Tôi và chị cán bộ phụ nữ xã Hải Hà (thị xã Nghi Sơn) cùng đi xe máy lên núi Khe Đá Mài ở thôn Hà Tây của xã tìm chị L.T.L. Trời ngày hôm qua mưa, đường khó đi hơn. Còn hôm nay, thời tiết chỉ 10 độ C, lúc lên đến nơi, chị Liên mặc một manh áo mỏng, đeo găng tay, chân đi ủng đang đãi sĩ (sắt).

Phụ nữ lầm lỡ và câu chuyện tái hòa nhập cộng đồng: Ngày về...

Tôi và chị cán bộ phụ nữ xã Hải Hà (thị xã Nghi Sơn) cùng đi xe máy lên núi Khe Đá Mài ở thôn Hà Tây của xã tìm chị L.T.L. Trời ngày hôm qua mưa, đường khó đi hơn. Còn hôm nay, thời tiết chỉ 10 độ C, lúc lên đến nơi, chị Liên mặc một manh áo mỏng, đeo găng tay, chân đi ủng đang đãi sĩ (sắt).

Phụ nữ lầm lỡ và câu chuyện tái hòa nhập cộng đồng: Ngày về...Giữa thời tiết 10 độ C, chị L.T.L lên núi Khe Đá Mài đãi sĩ.

“Cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng phải cố gắng thôi”

Chị L.T.L, sinh năm 1976, từng phạm tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, án phạt 21 tháng tù giam, chấp hành án tại Trại tạm giam Công an tỉnh Thanh Hóa. Do cải tạo tốt, chị được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù 6 tháng. Ngày 1-9-2021, chị tái hòa nhập cộng đồng.

Trở về địa phương khi không còn khoác áo phạm nhân, nhưng chị L.T.L vẫn còn mặc cảm của người đã từng vào tù. Thời gian đầu khi trở về, chị sống kín đáo hơn, không giao tiếp nhiều với bà con, hàng xóm. Cảm thông và thấu hiểu được điều này, chính quyền địa phương cùng các đoàn thể, đặc biệt là hội phụ nữ xã đã đến nhà động viên, chia sẻ, tạo điều kiện để chị sớm trở lại bắt nhịp với đời thường.

Trước đó, khi chưa phạm tội, chị L làm nghề buôn bán sắt vụn. Trong một lần mua hàng, chị đã mua phải đồ ăn trộm đó là những tấm hàng rào sắt của một nhà máy. Sau khi ra tù, chị bỏ nghề. Được sự hỗ trợ của hội phụ nữ xã, chị vay 50 triệu đồng mua 4 con bò. “Tôi vẫn nghĩ, khi ở tù về sẽ khó được đón nhận nhưng thật mừng, mọi người đã không quay lưng mà còn giúp đỡ cho vay vốn để tôi tái hòa nhập cộng đồng, góp phần ổn định cuộc sống. Đó là sự may mắn lớn đối với người đã từng là phạm nhân như tôi”, chị nói.

Hôm chúng tôi đi tìm gặp chị L ở núi Khe Đá Mài, đứa con trai út 5 tuổi cũng theo mẹ lên núi. Một tháng chị lên đây khoảng 4 - 5 lần cùng với một số lao động khác. Tại đây, có một bãi tập kết rác của thôn và chị đãi sĩ cũng từ bãi rác này, mỗi lần được 2 - 3 tạ, bán khoảng 180 nghìn/tạ. Dù không được thường xuyên nhưng công việc này cũng góp phần tạo thu nhập cho gia đình chị. “Vừa chăn nuôi bò, tôi vừa đi bán kẹo bông gòn, bỏng ngô, thỉnh thoảng lên Khe Đá Mài đãi sĩ. Chồng tôi là lao động tự do. Gia đình tôi có 7 người con, đứa lớn đã lập gia đình. Cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng phải cố gắng thôi...”, chị chia sẻ.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Hoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Hà: Trên địa bàn xã có một số phụ nữ đã từng là phạm nhân. Phần lớn họ được vay vốn sản xuất, buôn bán từ hội nông dân hoặc hội phụ nữ. Tuy nhiên, cũng có người do sức khỏe không đảm bảo nên chỉ ở nhà nội trợ...

Rời xa chuyện cũ lo cho ngày mới

Sau khi chấp hành xong án phạt 2 năm tù vì phạm tội môi giới mại dâm, năm 2019, chị N.T.N ở phường Đông Sơn (TP Thanh Hóa) trở về địa phương. Tuy nhiên, gần 2 năm sau đó, người phụ nữ này mới “đứng dậy” được để bắt đầu cuộc sống mới. Hiện chị đang làm quản lý một nhà hàng trên địa bàn phường Đông Sơn.

Nói về lý do gần 2 năm “ở ẩn” của bản thân sau khi ra tù, khuôn mặt chị N thoáng nét trầm tư. Trong suốt gần 2 năm này, chị chỉ quanh quẩn ở nhà nội trợ, chăm con. Chị nhớ lại: “Ở tù về, công việc kinh doanh nhà nghỉ dừng, không làm nữa, kinh tế lúc đó gặp nhiều khó khăn. Tôi mặc cảm vì những việc đã làm, hơn nữa tôi từng là phạm nhân nên không dám đi đâu hay trò chuyện cùng ai. Thời gian này, bà con hàng xóm ai cũng đến động viên, thăm hỏi. Họ mong tôi hãy có những ý nghĩ tích cực, có một công việc ổn định để lo cho các con ăn học. Dù vậy, thì cũng gần 2 năm sau tôi mới bắt đầu công việc mới, đi làm quản lý nhà hàng cho một người cháu”.

Phụ nữ lầm lỡ và câu chuyện tái hòa nhập cộng đồng: Ngày về...

Trở về đời thường, chị N đi làm quản lý nhà hàng ăn uống cho một người thân trong gia đình.

Ở nhà hàng này, chị N vừa quán xuyến công việc, quản lý sổ sách, giấy tờ... Đi làm, chị lấy lại được tinh thần. Chuyện ngày cũ, chị gạt sang một bên để lo cho ngày mới, sống một cuộc sống ý nghĩa hơn. Thượng úy Phạm Thị Huệ, Công an phường Đông Sơn, phụ trách địa bàn nơi chị N sinh sống, cho biết: “Quản lý phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng cũng đặt ra nhiều vấn đề khó với chúng tôi, phải thường xuyên sâu sát, nắm bắt tình hình, nhưng đồng thời phải luôn khích lệ, động viên để họ hướng thiện, không đi lại con đường cũ. Chị N là một trong những người sau khi về địa phương chấp hành rất nghiêm túc các quy định của phố, phường và có ý chí phấn đấu, vươn lên, xóa bỏ mặc cảm để ổn định cuộc sống”.

Ai cũng có thể mắc sai lầm, khuyết điểm, nhưng điều quan trọng là biết nỗ lực vượt qua mặc cảm để sống tiếp bằng tất cả nghị lực và trách nhiệm của bản thân với người thân và cộng đồng.

Bài và ảnh: Anh Hoàng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]