(vhds.baothanhhoa.vn) - Với mục tiêu phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, nhiều năm qua các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã không ngừng nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về hoạt động khai thác, kinh doanh khoáng sản trên địa bàn.

Quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản

Với mục tiêu phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, nhiều năm qua các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã không ngừng nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về hoạt động khai thác, kinh doanh khoáng sản trên địa bàn.

Quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sảnVận chuyển cát tại một bãi tập kết cát thuộc địa bàn thị trấn Thiệu Hóa, huyện Thiệu Hóa.

Huyện Thiệu Hóa có 2 con sông chảy qua là sông Chu và sông Mã. Trên tuyến sông Chu có 6 điểm mỏ khai thác cát, sỏi lòng sông được cấp phép hoạt động; trên sông Mã có 2 điểm mỏ được cấp phép. Cùng với đó, toàn huyện có 10 bãi tập kết cát và 4 mỏ khai thác đá được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác và cho thuê đất phục vụ công tác khai thác khoáng sản.

Để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản (TNKS), đặc biệt là hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông, UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo trong hoạt động này. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra khai thác TNKS. Ngoài ra, công tác bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản cũng được huyện quan tâm và chỉ đạo thực hiện đúng quy định. Theo đánh giá của Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Thiệu Hóa, trong năm 2022 các điểm mỏ khai thác, bãi tập kết trên địa bàn huyện đều chấp hành tốt không có phản ánh của người dân cũng như sự cố môi trường xảy ra trong quá trình khai thác.

Tại các huyện khác như Vĩnh Lộc, Triệu Sơn, Hà Trung... công tác quản lý khai thác, sử dụng TNKS cũng được lãnh đạo huyện, ngành chức năng quan tâm thực hiện dưới nhiều hình thức. Đơn cử như Ban Thường vụ Huyện ủy Triệu Sơn ban hành Chỉ thị số 08-CT/HU, ngày 17-9-2021 về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng trong công tác quản lý tài nguyên môi trường trên địa bàn huyện; UBND huyện Triệu Sơn cũng ban hành phương án quản lý, bảo vệ TNKS chưa khai thác trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025. Theo đó, UBND các xã, thị trấn, các phòng, ban chuyên môn trên địa bàn huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý TNKS, các hình thức xử phạt đối với hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép để Nhân dân biết và chấp hành. Nâng cao vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu các xã, thị trấn trong công tác quản lý TNKS; gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong việc quản lý, bảo vệ TNKS. Cùng với đó, huyện yêu cầu các phòng, ngành, đơn vị chức năng thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, quản lý nghiêm các khu vực đã được quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện.

Theo thống kê của ngành chức năng, hiện toàn tỉnh có 330 giấy phép khai thác khoáng sản do UBND tỉnh cấp phép còn hiệu lực, gồm có: Đá làm vật liệu xây dựng thông thường 222 giấy phép với tổng trữ lượng được khai thác khoảng 190 triệu m3, tổng công suất khoảng 8,25 triệu m3/năm; cát làm vật liệu xây dựng thông thường 29 giấy phép với tổng trữ lượng được khai thác khoảng 7,9 triệu m3, tổng công suất 0,757 triệu m3/năm; đất làm vật liệu san lấp 45 giấy phép với tổng trữ lượng được khai thác khoảng 38 triệu m3, công suất khai thác khoảng 4,55 triệu m3/năm; đất san lấp cấp cho dự án đường cao tốc 2 giấy phép với tổng trữ lượng được khai thác khoảng 4,4 triệu m2, công suất khoảng 3,788 triệu m3/năm...

Nhìn chung các đơn vị được cấp phép thực hiện khai thác theo quy hoạch, mang lại hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, qua kiểm tra, giám sát của ngành chức năng cho thấy vẫn còn một số đơn vị khai thác mỏ chưa chấp hành đầy đủ các quy định pháp luật hiện hành, còn nhiều tồn tại, hạn chế như khai thác ra ngoài vị trí mỏ được cấp; khai thác vượt công suất; chưa hoàn thành đầy đủ các thủ tục liên quan môi trường; việc lắp đặt trạm cân còn hạn chế. Quá trình khai thác, vận chuyển làm ảnh hưởng đến môi trường, đường giao thông...

Trước thực trạng đó, ngành chức năng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm sai phạm, từng bước nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước. Trong năm 2022, các phòng, ban chức năng của Sở TN&MT đã thực hiện 23 cuộc kiểm tra đột xuất theo chỉ đạo của UBND tỉnh, các thông tin phản ánh của báo, đài, người dân về tình hình hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Qua công tác thanh, kiểm tra, Sở TN&MT đã phát hiện và xử lý hoặc kiến nghị xử lý kịp thời nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm góp phần ngăn chặn, đẩy lùi các hoạt động khai thác, vận chuyển và kinh doanh khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, từ đầu năm 2023 đến nay sở đã phối hợp với ngành chức năng tiến hành nhiều đợt thanh, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường của nhiều doanh nghiệp. Sau các đợt thanh, kiểm tra, Sở TN&MT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử phạt theo thẩm quyền. Đơn cử như ngày 17-7-2023 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang đã ký Quyết định số 2528/QĐ-XPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Trung Nam số tiền 650 triệu đồng vì khai thác đá vượt công suất 95,6% tại mỏ đá vôi ở xã Tân Trường, thị xã Nghi Sơn. Trước đó, ngày 7-7-2023 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang cũng đã ký Quyết định số 2422/QĐ-XPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Anh Việt Hương vi phạm hành chính khai thác khoáng sản có tổng diện tích vượt ra ngoài ranh giới được phép khai thác (theo bề mặt) vượt 2.011m2 tại mỏ đá xã Xuân Phúc, huyện Như Thanh, với mức phạt 120 triệu đồng...

Vai trò của TNKS đối với phát triển kinh tế - xã hội là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, trước những tồn tại, hạn chế, đặc biệt là vấn đề khai thác khoáng sản trái phép vẫn còn diễn ra làm thất thoát tài nguyên và ảnh hưởng đến môi trường, nhiệm vụ đặt ra cho các cấp, ngành, địa phương trong thời gian tới là tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lĩnh vực này cho đội ngũ cán bộ các cơ quan quản lý Nhà nước và người dân. Đồng thời, triển khai mạnh mẽ, quyết liệt công tác thanh tra, kiểm tra. Kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp khai thác, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản trái phép; khai thác khoáng sản gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, trực tiếp làm hư hỏng hạ tầng kỹ thuật, mất an ninh trật tự gây bức xúc trong Nhân dân...

Bài và ảnh: Phong Sắc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]