(vhds.baothanhhoa.vn) - Sách Đại Nam nhất thống chí ghi: “Quế sản ở ba châu, Thường Xuân, Lang Chánh, Quan Hóa, nhưng Quế ở xã Trịnh Vạn, châu Thường Xuân tốt hơn...”.

Quế Thường Xuân

Sách Đại Nam nhất thống chí ghi: “Quế sản ở ba châu, Thường Xuân, Lang Chánh, Quan Hóa, nhưng Quế ở xã Trịnh Vạn, châu Thường Xuân tốt hơn...”.

Quế Thường Xuân

(Ảnh minh hoạ).

Sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú cũng khẳng định: “Quế nước ta chỉ quế Thanh Hóa là tốt nhất”.

Sách Tỉnh Thanh Hóa (La Province de Thanh Hoa) của học giả B. Le Breton nguyên là đốc học Thanh Hóa soạn, ấn hành năm 1918 đã dành hẳn một trang nói về sản vật quế Thanh, càng cho thấy giá trị và vị trí của cây quế. Sách ghi: “Ngày xưa, nhà nước An Nam phải đưa quế sang cống nước Tàu, bởi vậy cho nên hễ dân tìm được quế thì phải nộp một ít cho nhà vua. Bây giờ tuy rằng lệ cống đã bỏ đi rồi, nhưng nhà nước An Nam vẫn lấy một ít quế Thanh.

Hễ ai tìm được một cây quế thì phải đi trình ngay với quan Châu sở tại. Quan Châu trình với quan Đại lý Bái Thượng và quan tỉnh.

Quan trên đặt một hội đồng có người đại diện quan Công sứ, quan Tổng đốc và quan Châu đến xét chỗ cây quế tìm được và để bóc. Bóc xong thì người ta ủ vào thúng rồi đem ra cân và đóng dấu vào các thanh quế. Dấu ấy ở tại tòa Đại lý Bái Thượng.

Các thanh quế thì phải bóc theo thể lệ nhà nước đã đặt ra".

Chính vì giá trị của cây quế, vì sự quý hiếm nên được nhà nước lúc ấy rất coi trọng. Ông đốc học đã miêu tả rất kỹ:

“Lúc quế đã khô rồi thì phải đưa nộp quan tỉnh. Các quan hội đồng lại mà định giá, mua những thứ tốt nhất để gửi về bộ, còn bao nhiêu thì giả lại cho quan Châu. Dân sự lúc bấy giờ có thể được bán thứ quế loại ra ấy. Tiền bán được thì theo lệ Mường, phải chia cho người tìm được cây quế, người bóc quế, người giữ cây, quan Châu và dân sự. Ngày tháng Chạp năm 1907 lúc phiên chợ tỉnh Nghệ, quan Công sứ có nói rằng một người tìm được một cây quế bán được bốn nghìn đồng bạc.

Quế tìm được ở rừng mỗi ngày một hiếm, vì mỗi lúc bóc quế thì phải hủy đi một cây, cho nên ở Trung kỳ, nhất là ở Quảng Nam có nhiều chỗ trồng quế. Quế người An Nam trồng thì gọi quế vườn, quế người Mọi trồng ở các rẫy thì gọi là quế Mọi. Ở tỉnh Thanh thì không có quế vườn”.

Quế ở Thanh là quế tự nhiên tìm được ở trong rừng. Câu ca dao: Em như cây quế giữa rừng/ Thơm cay ai biết ngát lừng ai hay” cũng phần nào nói lên sự quý hiếm của cây quế. Các nhà y học còn khẳng định khả năng diệu kỳ của cây quế, quế chữa trị được nhiều bệnh. Những đặc tính của cây quế chỉ được phát huy khi cây quế mọc ở nơi thoáng đãng với điều kiện tự nhiên thích hợp. Quế Thanh được xếp vào danh mục những cây thuốc quý ở Việt Nam.

Thu hoạch quế cũng phải đúng quy cách, kỳ công, nâng niu như với vật báu. Người thợ bóc quế khéo léo thành những thanh dài, phân riêng từng loại quế thân, quế chi, quế gốc, quế rễ. Theo kinh nghiệm của người khai thác quế, phiến quế thượng hạng là phiến quế ở phần thân quế cách gốc chừng 1m, nơi đón được ánh nắng mặt trời nhiều nhất.

Cùng với những sản vật quý hiếm của rừng xứ Thanh, cây quế đang được tỉnh Thanh Hoá quan tâm quy hoạch, phát triển phù hợp với tiềm năng đất đai, khí hậu.

Nguyễn Hữu Ngôn


Nguyễn Hữu Ngôn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]