(vhds.baothanhhoa.vn) - Cách đây 58 năm, khi đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc nhằm ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn miền Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đan Phượng (nay thuộc thành phố Hà Nội) đã gửi thư lên Ban Chấp hành Đảng bộ Hà Đông lúc đó quyết tâm vận động phụ nữ trên địa bàn huyện thực hiện tốt 3 nhiệm vụ chính: Đảm nhiệm sản xuất thay chồng con đi chiến đấu; Đảm nhiệm gia đình để chồng con yên tâm công tác; Đảm nhiệm sẵn sàng chiến đấu khi cần thiết.

Sáng mãi tinh thần “Ba đảm đang”

Cách đây 58 năm, khi đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc nhằm ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn miền Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đan Phượng (nay thuộc thành phố Hà Nội) đã gửi thư lên Ban Chấp hành Đảng bộ Hà Đông lúc đó quyết tâm vận động phụ nữ trên địa bàn huyện thực hiện tốt 3 nhiệm vụ chính: Đảm nhiệm sản xuất thay chồng con đi chiến đấu; Đảm nhiệm gia đình để chồng con yên tâm công tác; Đảm nhiệm sẵn sàng chiến đấu khi cần thiết.

Sáng mãi tinh thần “Ba đảm đang”Đăng ký thực hiện phong trào "Ba đảm đang". Nguồn: Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam

Phong trào do phụ nữ Đan Phượng phát động đã được Báo Nhân Dân đưa tin trên trang nhất vào ngày 18/3/1965, để rồi vinh dự được cả nước biết đến với tên gọi thân thương: “Quê hương người gái đảm”. Khởi nguồn từ phong trào của phụ nữ Đan Phượng, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã phát động phụ nữ cả nước thi đua thực hiện “3 đảm nhiệm”, sau đó được Chủ tịch Hồ Chí Minh đổi tên thành “Ba đảm đang”:

Ðảm đang sản xuất, công tác, thay thế nam giới đi chiến đấu;

Ðảm đang gia đình, khuyến khích chồng con đi chiến đấu;

Ðảm đang phục vụ chiến đấu khi cần thiết.

Với các nội dung đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, phong trào đã nhanh chóng phát triển thành cao trào cách mạng sôi nổi, rộng lớn, huy động sức mạnh tổng hợp của hàng triệu phụ nữ từ nông thôn đến thành thị, từ miền ngược đến miền xuôi, góp phần đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, khẳng định vai trò hết sức quan trọng của người phụ nữ Việt Nam trong thế kỷ XX. Đến tháng 5/1965, sau hơn 2 tháng kể từ khi phát động, toàn miền bắc đã có 1 triệu 70 vạn phụ nữ đăng ký “Ba đảm đang” lập thành tích xuất sắc.

Sáng mãi tinh thần “Ba đảm đang”Đồng chí Lê Đức Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thăm, động viên phụ nữ tham gia ngày phụ nữ sáng tạo năm 2022. Ảnh: P.V

Với vai trò người vợ, người mẹ, các chị đảm đang chăm lo việc gia đình, dạy dỗ các con trưởng thành, tận tình chăm sóc cha mẹ già và vẹn nghĩa thủy chung, trở thành nguồn động viên, cổ vũ to lớn, tiếp thêm sức mạnh cho người chiến sĩ vững tay súng nơi chiến trường. Chúng ta tự hào thời kỳ “Ba đảm đang” đã có 42 nữ anh hùng, 9 đơn vị nữ anh hùng được tôn vinh; 1.718 chị em được thưởng Huy hiệu Bác Hồ; hơn 5.000 chị em là Chiến sĩ thi đua toàn quốc; gần 4 triệu hội viên đạt danh hiệu phụ nữ “Ba đảm đang”.

Từ mốc son lịch sử ấy đến nay, đặc biệt trong giai đoạn đổi mới, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa thường xuyên có các chương trình hoạt động, các cuộc vận động, các phong trào thi đua để tuyên truyền, vận động, cổ vũ, động viên hội viên, phụ nữ tham gia hiệu quả vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với một tinh thần “Ba đảm đang” mới. Phát huy truyền thống “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” của phụ nữ Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, kế thừa tinh thần “Ba đảm đang”, ngày nay cán bộ, hội viên, phụ nữ cả nước nói chung và phụ nữ tỉnh Thanh Hóa nói riêng đã và đang phấn đấu rèn luyện các phẩm chất “tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, đóng góp tích cực, trách nhiệm, nhiệt huyết vào thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Cụ thể, phát huy cao độ vai trò, nội lực, tinh thần làm chủ, tinh thần “Ba đảm đang” của phụ nữ Việt Nam trong giai đoạn mới, trong năm 2022, các cấp hội phụ nữ tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức nhiều hoạt động chăm lo cho hội viên, phụ nữ nghèo, phụ nữ khuyết tật, trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, thực hiện chính sách hậu phương quân đội với tổng trị giá gần 17 tỷ đồng; hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Không chỉ đảm đang trong vai trò ở hậu phương, phát huy truyền thống yêu nước, phụ nữ tỉnh Thanh Hóa cũng đã đóng góp xứng đáng vào việc giữ vững độc lập chủ quyền Tổ quốc; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới; tham gia có hiệu quả công tác phòng chống dịch Covid-19;…

Sáng mãi tinh thần “Ba đảm đang”Các đại biểu dự lễ ra mắt Mạng lưới lãnh đạo nữ tự tin hội nhập tỉnh Thanh Hóa. ẢNh: Lê Hà

Có thể nói tinh thần “Ba đảm đang” luôn được thắp sáng trong phong trào phụ nữ suốt 58 năm qua, là động lực để phụ nữ Việt Nam ở mọi vùng miền, mọi vị trí công việc tham gia hiệu quả vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, với nhiều cơ hội và thách thức đan xen, tạo ra những yêu cầu mới, đặt ra yêu cầu tinh thần “Ba đảm đang” cần được tiếp cận và hiểu thêm với nội hàm mới phù hợp với thời kỳ mới. Phụ nữ ngày nay đảm đang trong sản xuất phải gắn với tri thức, với tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp và ý thức cao về trách nhiệm tham gia sản xuất sạch, bảo đảm an toàn sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng; gắn phát triển kinh tế với phát triển bền vững và bảo vệ môi trường… Đảm đang trong gia đình giờ đây đòi hỏi chị em phải có kiến thức, thông tin, kỹ năng để chủ động tổ chức, động viên, lôi cuốn các thành viên khác tham gia công việc trong gia đình, cùng tạo dựng mối quan hệ thương yêu, gắn bó, tôn trọng, bình đẳng, sẻ chia. Đảm đang trong chiến đấu giờ đây gắn với hình ảnh của hàng vạn phụ nữ trong lực lượng vũ trang đang miệt mài ngày đêm, không quản ngại khó khăn hay thử thách đặc thù nghề nghiệp để vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; đó còn là những chị em nơi biên cương hay hải đảo, đồng bằng hay miền núi, nông thôn hay thành thị, đang tích cực tham gia đóng góp những hành động thiết thực, nhỏ bé vào giữ gìn sự bình yên cho biên giới, biển trời Tổ quốc.

Sáng mãi tinh thần “Ba đảm đang”Bác Hồ với đại biểu dự Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ III, tháng 3 năm 1961. Ảnh: bqllang.gov.vn

58 năm đã trôi qua, tinh thần của phong trào “Ba đảm đang” vẫn luôn là tài sản vô giá, nguồn lực quan trọng tiếp lửa cho các thế hệ phụ nữ. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao tinh thần yêu nước và sự đóng góp to lớn của phụ nữ Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”.

58 năm đã trôi qua, nhưng phong trào phụ nữ “Ba đảm đang” mãi mãi đi vào lịch sử như một mốc son chói lọi, làm rạng rỡ truyền thống phụ nữ Việt Nam, con cháu Bà Trưng, Bà Triệu, góp phần tô thắm lịch sử oanh liệt của dân tộc Việt Nam Anh hùng. Đặc biệt, dưới sự lãnh đạo của Ðảng và Bác Hồ kính yêu, sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy địa phương, phong trào “Ba đảm đang” đã phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, trí tuệ, tài năng của phụ nữ, tạo ra phong trào cách mạng mạnh mẽ, sôi nổi chưa từng thấy.

Hương Giang (tổng hợp)


Hương Giang (tổng hợp)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]