(vhds.baothanhhoa.vn) - Được tiền thì mất tình cảm. Đấy là sự thật ở không ít gia đình có vợ hoặc chồng đi làm ăn xa. Ly hương đôi khi cũng đồng nghĩa với ly thân thậm chí ly hôn.

Sau những chuyến ly hương...: Đến những mái nhà không bình yên

Được tiền thì mất tình cảm. Đấy là sự thật ở không ít gia đình có vợ hoặc chồng đi làm ăn xa. Ly hương đôi khi cũng đồng nghĩa với ly thân thậm chí ly hôn.

Sau những chuyến ly hương...: Đến những mái nhà không bình yênTừ khi con dâu đi làm ăn xa không trở về, chỉ còn bà G chăm sóc cháu nội.

Tin liên quan:
  • Sau những chuyến ly hương...: Đến những mái nhà không bình yên
    Sau những chuyến ly hương...: Từ Thôn “tỷ phú”…

    Gọi thôn “tỷ phú” thì hơi quá nhưng quả thực, đã có sự giàu có vì thôn ấy có nhiều người đi làm ăn xa. Nhờ những chuyến ly hương, nhiều hộ thoát nghèo, nhà cao tầng mọc lên san sát, có nhà còn tậu thêm xe hơi hoặc “tích trữ” vài ba miếng đất…

Ông Lê Ngọc Tuấn, Bí thư chi bộ kiêm tổ trưởng tổ dân phố Thấng Sơn, thị trấn Yên Cát (Như Xuân) bỗng trầm tư khi nhắc đến câu chuyện ly hương vui ít, buồn nhiều. Buồn vì chỉ từ năm 2020 đến nay, khu phố Thấng Sơn đã có tới 7 gia đình ly hôn, chuyện hiếm gặp ở khu phố này. Ông Tuấn nhớ lại: “Trước đây, ít lắm, 5 - 6 năm mới có 1 vụ ly hôn nhưng không hiểu sao 2 năm trở lại đây càng nhiều, đều xuất phát từ việc đi làm ăn ở các tỉnh ngoài, cứ vợ hoặc chồng đi rồi quay về làm thủ tục ly hôn”.

Cùng trên địa bàn thị trấn Yên Cát, Yên Thắng cũng là 1 trong những khu phố có số vụ ly hôn cao nhất, nhì ở thị trấn. 2 năm nay, khu phố có 6 cặp vợ chồng đi làm ăn xa ly dị. Ông Lê Văn Huyện, Bí thư chi bộ kiêm tổ trưởng tổ dân phố Yên Thắng ngậm ngùi: “Mấy cặp ly hôn toàn gia đình trẻ, giờ chủ yếu đàn ông ở lại nuôi con”.

Cách đây 4 tháng, anh N.V.T và vợ là L.T.K, người của thôn Yên Thắng chính thức đường ai nấy đi. “Vợ tôi làm ở tỉnh ngoài. Thời gian đầu, 2 tháng về quê 1 lần nhưng sau đó thưa dần, tiền cũng không gửi về nữa. Sau này về, cô ấy đòi ly hôn. Có thể, cô ấy đã có mối quan hệ mới nhưng tôi thì vẫn muốn níu giữ cuộc hôn nhân này để các con có mẹ, tuy nhiên sự việc đã rẽ sang một hướng khác…”, anh T cho biết.

Lần giở lại số vụ ly hôn trong 2 năm trở lại đây ở huyện Như Xuân, thị trấn Yên Cát và xã Thượng Ninh là 2 trong những địa phương có số vụ ly hôn nhiều nhất huyện với tổng 58 vụ, trong đó chủ yếu liên quan đến các trường hợp đi làm ăn xa. Ở xã Thượng Ninh, một số thôn như Xuân Thượng, Đồng Thanh cũng xảy ra nhiều vụ ly hôn mà trong đó có những câu chuyện hết sức buồn như trường hợp của bà N.T.G ở thôn Xuân Thượng. Gia đình bà G thuộc hộ nghèo. Năm nay, bà G đã hơn 70 tuổi. Trong căn nhà đơn sơ, bà sống cùng đứa cháu nội 4 tuổi. Cách đây hơn 3 năm, con dâu đi làm ăn xa đồng thời cắt đứt quan hệ với con trai bà. Từ đó, con dâu không trở về. Còn người con trai, hiện đi tỉnh ngoài làm ăn, thỉnh thoảng mới gửi tiền về cho hai bà cháu.

Xã Yên Mỹ (Nông Cống) cũng là một trong những địa phương có số vụ ly hôn tương đối nhiều của huyện này. Từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn có 30 vụ ly hôn, trong đó khoảng 70% số vụ liên quan đi làm ăn xa. Cán bộ tư pháp xã Yên Mỹ, anh Phạm Ngọc Thùy cho biết: “Đa số vụ ly hôn, các cặp vợ chồng tuổi đời còn trẻ. Lấy nhau một thời gian, đi làm ăn xa rồi làm đơn ra tòa”.

Ở Yên Mỹ, các thôn Trung Phú, Phú Hưng hay Trung Tâm, một vài năm trở lại đây cũng gia tăng các vụ ly hôn. Ở những thôn này, nếu như so với số lao động đi làm ăn xa và số vụ ly hôn thì tỷ lệ ly hôn là thấp nhưng nếu so với các nguyên nhân dẫn đến ly hôn vì yếu tố đi làm ăn xa lại cao hơn. Gặp gỡ nhiều cán bộ thôn, họ đều buông tiếng thở dài, bởi thực tế trước đây, khi chưa có phong trào đi làm ăn xa, tỷ lệ ly hôn không nhiều. Nhưng sau những chuyến ly hương bỗng kéo theo hệ lụy. Tôi nhớ đến chia sẻ của bà Bùi Thị Lý, Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn Trung Tâm: “Nếu hai vợ chồng cùng làm ăn xa thì con cái để ở nhà cho ông bà trông, do đó sẽ không tránh khỏi những thiệt thòi cho con trẻ. Và ly hương đồng nghĩa đi để thay đổi cuộc sống, những mong sự đủ đầy hơn nhưng đôi khi tiền kiếm được rồi mà tình cảm lại không còn…”.

Ngày càng gia tăng các vụ ly hôn với rất nhiều nguyên nhân, trong đó ảnh hưởng từ yếu tố đi làm ăn xa khá nhiều. Thực tế, ly hương để thay đổi một cuộc sống, mơ ước một sự đủ đầy hơn, để biến ước mơ thành sự thật. Nhà ngói thay bằng nhà cao tầng. Hộ nghèo đã thoát nghèo với hành trình ly hương. Nhưng sau những chuyến ly hương, không tránh khỏi những câu chuyện buồn, đã có những mái nhà không bình yên…

Bài và ảnh: Bằng Ngân



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]