(vhds.baothanhhoa.vn) - Làm thế nào để bảo vệ hạnh phúc khi vợ hoặc chồng đi làm ăn xa. Xoay quanh vấn đề này, PV Báo Thanh Hóa Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với các ông (bà): Bùi Thị Mai Hoan, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa; Lê Xuân Tuyên, Chánh án Tòa án Nhân dân huyện Nông Cống; Bùi Văn Thực, Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn Đồng Thanh, xã Thượng Ninh (Như Xuân).

Sau những chuyến ly hương...: Yêu thương, chia sẻ và tôn trọng

Làm thế nào để bảo vệ hạnh phúc khi vợ hoặc chồng đi làm ăn xa. Xoay quanh vấn đề này, PV Báo Thanh Hóa Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với các ông (bà): Bùi Thị Mai Hoan, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa; Lê Xuân Tuyên, Chánh án Tòa án Nhân dân huyện Nông Cống; Bùi Văn Thực, Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn Đồng Thanh, xã Thượng Ninh (Như Xuân).

Các cặp vợ chồng cần nhận thức vai trò, vị trí, trách nhiệm của mình

Sau những chuyến ly hương...: Yêu thương, chia sẻ và tôn trọng

PV: Hôn nhân là cơ sở, là "viên gạch" đầu tiên xây dựng nên một gia đình. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ ly hôn trên địa bàn tỉnh ngày càng gia tăng do nhiều nguyên nhân, trong đó có phần ảnh hưởng từ việc đi làm ăn xa. Bà có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?

Bà Bùi Thị Mai Hoan: Theo số liệu thống kê của Tòa án Nhân dân tỉnh Thanh Hóa cho thấy, chỉ tính riêng trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, tòa án Nhân dân hai cấp đã thụ lý gần 10.000 vụ, việc hôn nhân và gia đình, chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số vụ, việc dân sự mà ngành thụ lý giải quyết. Đáng chú ý, trong tổng số vụ, việc hôn nhân và gia đình đã giải quyết thì các cặp vợ chồng trẻ trong độ từ 18 đến 30 tuổi ly hôn là đa số và hầu hết đều là các trường hợp có con chưa thành niên.

Qua công tác thụ lý giải quyết cho thấy, tỷ lệ người vợ đứng đơn ly hôn cao hơn so với người chồng. Nguyên nhân xuất phát từ nhiều nhóm lý do khác nhau về mặt tình cảm, đời sống gia đình, kinh tế, xã hội và pháp lý, trong đó có phần ảnh hưởng từ việc đi làm ăn xa vì kinh tế khó khăn, nhiều người dân ở các vùng nông thôn trong tỉnh phải ly hương.

Hiện nay, theo thống kê toàn tỉnh có 170.325 phụ nữ đi làm ăn xa, chủ yếu ở các tỉnh trong nước, với mục đích mưu sinh, do kinh tế khó khăn. Và thực tế nhiều lao động nông thôn từ việc đi làm ăn xa đã giúp gia đình có thu nhập ổn định, góp phần xóa đói nghèo. Tuy nhiên bên cạnh những mặt tích cực, thì việc lao động đi làm ăn xa đã để lại nhiều hệ lụy. Khác với ở nhà, họ sẽ có sự so sánh và muốn thay đổi. Khi đó, vợ chồng không có điều kiện sống chung, một hay các bên có cơ hội tiếp xúc với nhiều người khác giới hoặc do bị dụ dỗ, lôi kéo nên vợ, chồng phát sinh mâu thuẫn dẫn đến ly hôn.

Bên cạnh đó, do hiểu biết về Luật Hôn nhân và gia đình nên quan niệm về hôn nhân ngày nay không còn bó buộc đối với phụ nữ. Họ được đi làm và có thu nhập, không còn cam chịu, đây là điều kiện để phụ nữ tự quyết định cuộc sống của họ.

PV: Giải pháp giảm tình trạng ly hôn là gì, thưa bà?

Bà Bùi Thị Mai Hoan: Để giảm tình trạng ly hôn thực sự là bài toán khó, cần có sự vào cuộc của từng cá nhân và toàn xã hội.

Trước hết, để xây dựng gia đình bền vững, hạnh phúc, các cặp vợ chồng cần nhận thức vai trò, vị trí, trách nhiệm của mình, phải biết chia sẻ, tôn trọng… Mỗi người nên tự biết điều chỉnh, bỏ cái tôi, khi có mâu thuẫn, xung đột xảy ra cần bình tĩnh, khéo léo giải quyết các vấn đề. Nói không với những tệ nạn xã hội. Trước khi kết hôn cần trang bị kiến thức, kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình, có nghề nghiệp và thu nhập ổn định.

Bên cạnh đó, cần biểu dương, nhân rộng những tấm gương sáng về đạo lý gia đình, điển hình trong khó khăn vươn lên xây dựng gia đình hòa thuận. Ngoài ra, cần làm tốt công tác an sinh xã hội, tạo điều kiện vay vốn phát triển kinh tế, mở các lớp dạy nghề, tạo việc làm tại chỗ để Nhân dân có thu nhập ổn định, không phải đi làm ăn xa.

Chính quyền và các đoàn thể cơ sở cùng chung tay, góp sức, làm tốt công tác hòa giải ngay từ cơ sở, giải quyết những mâu thuẫn ngay khi mới phát sinh, từ đó hạn chế việc gửi đơn ra tòa. Thực hiện hiệu quả công tác hòa giải, đối thoại tại tòa án, nhằm hàn gắn các gia đình trước nguy cơ tan vỡ.

Sự định hướng, giúp đỡ của 2 bên gia đình nội, ngoại là cần thiết

Sau những chuyến ly hương...: Yêu thương, chia sẻ và tôn trọng

PV: Nông Cống là 1 trong những địa phương có số vụ ly hôn tương đối nhiều. Đối với những trường hợp ly hôn liên quan đến việc đi làm ăn xa, xin ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

Ông Lê Xuân Tuyên: Từ năm 2019 đến nay số lượng án hằng năm Nông Cống thụ lý, giải quyết tăng khoảng từ 15 - 20%. Trong đó, án hôn nhân bình quân dao động 350 vụ/năm. Ly hôn có nhiều nguyên nhân, trong đó tỷ lệ ly hôn do đi làm ăn xa chiếm khoảng 15%. Khi làm ăn xa, người đi, người ở tiếp nhận thông tin của nhau không nhiều, không được chuẩn dẫn đến nghi kỵ lẫn nhau. Khi thiếu niềm tin ở người bạn đời thì đối phương thường có cách nghĩ khác, thậm chí có người khác. Hôn nhân, nếu gần nhau thì tốt hơn. Xa nhau không tránh khỏi những mâu thuẫn.

Năm 2022, chúng tôi hòa giải thành được 36/343 vụ án hôn nhân. Điều mừng nhất đối với các thẩm phán là hòa giải cho các bên đương sự thấu hiểu, thông cảm để quyết định quay về đoàn tụ cùng nhau xây dựng gia đình hạnh phúc. Vì sau ly hôn là gánh nặng cho gia đình và xã hội, con mà thiếu bố hoặc mẹ thì sẽ hạn chế đến sự phát triển toàn diện của trẻ… Để gia đình hạnh phúc, theo tôi trước hết vợ chồng phải có nền tảng về mọi mặt, phải có sự hiểu biết về hôn nhân, gia đình, sự sẻ chia trong công việc và cuộc sống cũng như vợ chồng phải bỏ bớt cái tôi, cùng nhau phấn đấu vì hạnh phúc chung. Một điều nữa là sự quan tâm, tạo điều kiện, định hướng, giúp đỡ của hai bên gia đình nội ngoại, có như vậy hạnh phúc vợ chồng mới được bền lâu...

Cuộc họp nào, tôi cũng tích cực tuyên truyền…

Sau những chuyến ly hương...: Yêu thương, chia sẻ và tôn trọng

PV: Được biết, ông là một cán bộ thôn rất tích cực trong công tác hòa giải các vụ việc ly hôn ở thôn?

Ông Bùi Văn Thực: Thôn Đồng Thanh chúng tôi hiện nay, đa số là có nhà đẹp, đời sống bà con tốt hơn, chủ yếu nhờ đi lao động xuất khẩu và làm việc tại các tỉnh trong nước. Đi làm ăn xa, lợi thì có lợi nhưng cũng có buồn vì ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Chỉ trong 3 năm, thôn đã có 7 vụ ly hôn, nguyên nhân cũng bắt đầu từ đi làm ăn xa.

Việc quan trọng nhất của thôn là tích cực tuyên truyền để chồng hay vợ ở nhà phải có sự gương mẫu, giữ đạo vợ chồng để không làm khổ con cái… Cuộc họp lần nào tôi cũng tích cực tuyên truyền vấn đề này, thành chuyên đề của thôn rồi. Năm nay, chúng tôi cũng hòa giải được 2 vụ, gia đình đã trở về đoàn tụ. Còn các vụ khác, cũng gặp gỡ, động viên nhưng không hàn gắn được.

An Diệp (thực hiện)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]