(vhds.baothanhhoa.vn) - Chúng tôi đến nhà chị Trương Thị Số (sinh năm 1981) ở thôn Đa Phạm, xã Hải Lộc (Hậu Lộc) vào ngày mưa tầm mưa tã. Căn nhà mái bằng đang làm dở, chưa kịp vôi ve, trống huơ trống hoác. Chị Số già hơn nhiều so với cái tuổi 40.

Sống chung với biển cả: Phụ nữ vùng biển và giấc mơ giản dị

Chúng tôi đến nhà chị Trương Thị Số (sinh năm 1981) ở thôn Đa Phạm, xã Hải Lộc (Hậu Lộc) vào ngày mưa tầm mưa tã. Căn nhà mái bằng đang làm dở, chưa kịp vôi ve, trống huơ trống hoác. Chị Số già hơn nhiều so với cái tuổi 40.

Sống chung với biển cả: Phụ nữ vùng biển và giấc mơ giản dịChị Trương Thị Số ở thôn Đa Phạm, xã Hải Lộc (Hậu Lộc) chỉ mong nuôi được những đứa con đang tuổi ăn tuổi học.

“Cái tên nó vận vào, số tôi khổ là đúng rồi, người lấy tôi cũng khổ”, và chị quệt tay áo lau nước mắt kể: “Từ nhỏ, nhà khó khăn nên chồng tôi đi trông thuyền từ khi 7-8 tuổi. Lấy nhau về, đêm nào anh ấy đi biển là đêm ấy tôi ngủ không yên. Nhiều khi lo đâu đâu, gọi điện trách chồng. Nhưng rồi anh ấy giải thích: Chỉ khi làm trong bờ thì mới có sóng điện thoại, còn làm xa gọi không được đâu. Thấy chồng vất vả đêm hôm nơi sóng to biển lớn, tôi đã từng khuyên: Thôi, mình tìm cái nghề gì khác đi”.

Chồng chị cũng nghe theo để vợ con yên tâm. Nhưng khi lên bờ làm đủ nghề mà thu nhập không đủ để nuôi 4 đứa con, anh ấy lại đi ra biển làm thuê, ít nhất cũng được 8 triệu/tháng.

Chị nhớ rất rõ: “Đêm ấy là đêm 14-2-2020, sóng và gió biển to, tôi sốt ruột và bồn chồn lắm. Sáng ra, nghe được tin chồng mất ngoài biển tôi đổ sụp. Sau này, được mọi người kể lại: 4 anh em thay phiên nhau thức trông tàu. Đến phiên, anh Duẩn, chồng tôi chẳng may trượt chân rớt xuống biển”. Biển cả mênh mông, mọi người say ngủ, chồng chị ra đi không bao giờ trở về. Chị kể tiếp: “Tất cả cơ quan ban ngành, anh em nhiều ngày đêm tìm chồng tôi. Nhưng tôi ngẫm: Chồng mình vắn số, bắt người ta đi tìm mãi thì khổ họ. Nhiều người khuyên tôi yêu cầu chủ tàu bồi thường, nhưng con người sống phải có tình người còn để tích đức cho 4 đứa con nữa”.

Chị Số ở lại gánh 4 đứa con, đứa lớn lớp 12, đứa út lớp 3. Một năm rưỡi nay, chị quần quật đi làm thuê, bán thủy sản, chắp cói (làm cói) nhưng thu nhập quá thấp. May nhờ được vay vốn, chị mua chiếc xe máy để đi thu mua hải sản, chở thuê cho người ta. Mỗi tháng trung bình thu nhập khoảng 3 triệu đồng. “Đời người còn dài lắm, tôi phải nuôi con ăn học để chúng không phải lăn ra biển kiếm con tôm, con tép mà không biết nay sống mai chết”, chị Số bộc bạch.

Chị Trần Thị Sinh ở thôn Tân Hải, cùng xã Hải Lộc cũng chung hoàn cảnh với chị Số. Nhưng chị may mắn hơn là được nhìn thấy thi thể người chống xấu số. 3 đứa con một tay chị phải lo toan. Gần 3 năm sau sự việc tang thương ấy, chị cũng phải nguôi ngoai để gánh vác gia đình.

Là xã ven biển ở huyện Hậu Lộc, sóng gió mưa bão lũ lụt thường xuyên xảy ra ở Hải Lộc. Nhiều người hẳn còn chưa quên sự kiện năm 1996, cơn áp thấp nhiệt đới đã nhấn chìm hàng chục con tàu ở các xã ven vùng biển này. Năm đó, người Hải Lộc rồng rắn kéo nhau ra biển nhận thi thể người thân, nhiều phụ nữ ôm con khóc ngất. Cả vùng biển nghèo bị bao trùm sự tang thương. Sau đó, nhiều gia đình vực lại nghề, nhiều hộ đã chuyển đổi thành công sang nghề khác an toàn hơn.

Chia sẻ với chúng tôi về nghề biển, chị Lê Thị Đào, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hải Lộc, cho biết: Từ năm 2015 trở về trước, ở đây có hơn 20 tàu đánh cá, nhưng nay chỉ còn 6-7 tàu công suất bé. Thực tế nghề đánh cá rủi ro cao, nên người ta chuyển hướng làm gần bờ, ngắn ngày. Hải Lộc thuộc vùng bãi ngang nên có bãi nuôi trồng hải sản, tạo công ăn việc làm cho khoảng 1.600 hội viên phụ nữ. Ngoài ra, địa phương có 2 cơ sở chuyên thu mua thảm cói, dây quại làm thùng. Nếu có sức khỏe và chăm chỉ, mỗi ngày chị em cũng có thu nhập khoảng 200.000 đồng.

Căn nhà chị Nguyễn Thị Phong (sinh năm 1984) ở thôn 9, xã Quảng Hải (Quảng Xương) khói nhang vẫn tỏa. Chồng chị, anh Đoàn Công Hải đã đi biển mãi không trở về. Chị nói: “Khi còn sống, bảo chồng tôi lên TP Thanh Hóa chắc cũng lạc không biết đường về. Không biết chữ, anh không biết làm việc khác. Vì thế chúng tôi cứ bám biển”.

Anh chị cưới nhau từ năm 2004, chắt chiu, vay mượn tiền để mua bè mảng làm nghề biển, rồi lại vay lãi xây nhà. “Trước chuyến đi này, chồng tôi vừa thay máy mảng, sắm thêm trang thiết bị nghề cá, tổng khoảng 70 triệu đồng. Vừa sắm sửa xong thì chuyến đi ấy gặp nạn", chị Phong kể.

Sống chung với biển cả: Phụ nữ vùng biển và giấc mơ giản dịChị Nguyễn Thị Phong, ở thôn 9, xã Quảng Hải (Quảng Xương) bên người mẹ già và những đứa con thơ.

Chị nói thêm về nghề biển: “Chả có đồng nào trong nhà đâu, cứ được chút ít lại sắm sửa ngư cụ hết. Nhà nào may mắn thì kiếm được ăn, không thì quay trong mớ bòng bong nợ nần”. Rồi chị kể về chính gia đình mình, hai vợ chồng siêng năng làm ăn, nhưng nợ cứ chồng nợ. Hiện gia đình chị đang vay gần 400 triệu. “Mỗi tháng trả 8 triệu, mình tôi sao cáng đáng được?", chị phân trần.

Dẫu khó khăn chồng chất khó khăn, nhưng đã đi biển thì chẳng ai muốn bỏ nghề. Biển mặn chát là vậy, nhưng với những con người quen sóng quen gió, đó chính là cuộc sống của họ, là nguồn sống của cả gia đình, là tương lai họ gửi gắm.

Để phát huy truyền thống tương thân tương ái, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chương trình để giúp đỡ các hội viên gặp khó khăn, hoạn nạn. Theo chia sẻ của bà Hoàng Thị Thương, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Hậu Lộc: Để giúp đỡ phụ nữ nghèo, cận nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi đã tổ chức các hoạt động giúp ngày công, con giống, cho vay không lấy lãi... Kết quả, 9 tháng đầu năm 2021, hội đã giúp 243 hộ gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn trị giá 610.500.000 đồng; Công tác khai thác, quản lý nguồn vốn để hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tiếp tục được đẩy mạnh, đến nay, tổng dư nợ các nguồn vốn đạt 392,420 tỷ đồng cho 13.543 lượt hội viên phụ nữ vay phát triển kinh tế.

Chính nhờ những sự sẻ chia ấy mà các chị em phụ nữ vùng biển đã có thêm động lực vững vàng đứng lên. “Tôi phải cố gắng sống tốt, làm chỗ dựa cho 4 đứa con”, đó là chia sẻ của chị Trương Thị Số.

Và tôi tin, trên đường đời tiếp theo chị sẽ mạnh mẽ hơn nhiều.

CHI ANH


CHI ANH

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]