(vhds.baothanhhoa.vn) - Với sức trẻ, lòng nhiệt huyết, cùng quyết tâm vượt khó, nhiều thanh niên ở khu vực miền Tây xứ Thanh đã xây dựng các mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập cao, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương.

Sức trẻ nơi miền Tây tiên phong xóa đói giảm nghèo

Với sức trẻ, lòng nhiệt huyết, cùng quyết tâm vượt khó, nhiều thanh niên ở khu vực miền Tây xứ Thanh đã xây dựng các mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập cao, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương.

Sức trẻ nơi miền Tây tiên phong xóa đói giảm nghèoAnh Hoàng Văn Tuấn, thôn 14, xã Xuân Du (Như Thanh), ngoài phát triển mô hình đào cảnh, còn trồng 2,5ha nho và rau má.

Sinh ra trong gia đình thuần nông, cuộc sống bộn bề khó khăn, sau khi tốt nghiệp THPT (năm 2006), anh Nguyễn Hữu Nghĩa, phố Đồng Tâm 2, xã Thiết Ống (Bá Thước), gác lại việc học tập đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan. Năm 2009, Nghĩa về nước đi làm công nhân xưởng cán tôn ở huyện Hà Trung và sau đó làm nhân viêp tiếp thị mặt hàng tôn cho một công ty đóng trên địa bàn huyện Ngọc Lặc. Cuối năm 2010, anh trở về quê lập nghiệp. Bằng ý chí, khát vọng vươn lên làm giàu, cộng với sự nhạy bén nắm bắt được nhu cầu thị trường và tranh thủ sự ủng hộ của gia đình, anh Nghĩa đã mở xưởng cán tôn. Nhờ không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo kỹ thuật, thẩm mỹ trên từng sản phẩm và giá cả hợp lý, chỉ sau một thời gian, các mặt hàng do xưởng của anh sản xuất đã có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài huyện. Trên đà thành công, anh tiếp tục mở thêm xưởng ở các huyện: Quan Hóa, Quan Sơn. Hiện các xưởng cán tôn mang lại thu nhập cho gia đình anh Nghĩa khoảng 700 triệu đồng/năm (đã trừ chi phí sản xuất), tạo việc làm cho 15 lao động với mức thu nhập 8 triệu đồng/người/tháng.

Anh Nguyễn Hữu Nghĩa chia sẻ: "Những ngày mới mở xưởng, dù gặp nhiều khó khăn, vất vả, nhưng được sự động viên của người thân, bạn bè, tôi đã nỗ lực vượt qua và bước đầu đạt được những kết quả khả quan. Trong thời gian tới, tôi sẽ đầu tư vốn để mở rộng nhà xưởng, mua sắm thêm các thiết bị máy móc, nâng cao tay nghề, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương. Đồng thời không ngừng tìm hiểu, nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Anh Phạm Văn Thắng, Bí thư Đoàn xã Thiết Ống, cho biết: Anh Nguyễn Hữu Nghĩa là thanh niên năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm và tích cực tham gia các hoạt động đoàn. Anh sẵn sàng dạy nghề cho đoàn viên, thanh niên trong xã, giúp họ có việc làm ổn định. Bên cạnh đó anh Nghĩa còn tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện như: hỗ trợ tiền mặt, vật liệu xây dựng làm nhà cho các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; hỗ trợ các em học sinh nghèo vượt khó, học giỏi; tài trợ kinh phí cho Đoàn Thanh niên xã Thiết Ống tổ chức văn hóa, văn nghệ, Tết Trung thu... Anh Nguyễn Hữu Nghĩa là tấm gương sáng trong phong trào thanh niên khởi nghiệp, để thanh niên trong xã học tập, noi theo.

Cũng như anh Nguyễn Hữu Nghĩa, anh Hoàng Văn Tuấn, thôn 14, xã Xuân Du (Như Thanh) đã nỗ lực vượt khó khởi nghiệp bằng mô hình trồng đào cảnh, mang lại hiệu quả kinh tế và tạo việc làm cho nhiều thanh niên địa phương.

“Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã có niềm đam mê với công việc trồng và chăm sóc cây. Nhận thấy cây đào phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, năm 2012 tôi đã quyết định cải tạo 1,5ha đất của gia đình để trồng. Để đáp ứng thị hiếu của người chơi đào cảnh, tôi đã đi tìm hiểu và học hỏi cách chăm sóc, uốn tỉa, tạo thế cho cây. Lúc đầu gặp rất nhiều khó khăn vì mỗi cây có một thế khác nhau, đòi hỏi sự tỉ mẩn và kỹ thuật cao trong việc uốn nắn. Được sự quan tâm động viên của gia đình, tôi vừa làm vừa rút kinh nghiệm và bước đầu đã đạt được kết quả nhất định".

Hiện mô hình trồng đào của anh Hoàng Văn Tuấn cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động với thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng. Để nâng cao thu nhập và tạo việc làm cho nhiều lao động trong xã, cuối năm 2020 anh Tuấn tiếp tục cải tạo 2,5ha đất để trồng 1.500 gốc nho giống Hàn Quốc và rau má xuất khẩu. Hiện nay, cây rau má đã cho thu hoạch lứa đầu tiên, cây nho đang sinh trưởng tốt, dự kiến thu hoạch vào cuối năm 2022.

Anh Trần Tiến Hưng, Phó Bí thư Huyện đoàn Như Thanh, cho biết: “Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Hoàng Văn Tuấn còn là cán bộ đoàn năng nổ, nhiệt tình, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công. Bên cạnh đó, anh Tuấn còn tạo điều kiện cho một số thanh niên địa phương có việc làm ổn định; hướng dẫn cho nhiều thanh niên là chủ hộ gia đình cách trồng, chăm sóc và uốn đào thế, qua đó khuyến khích thanh niên nỗ lực vượt khó phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập ngay trên mảnh đất của quê hương”.

Mô hình của các anh Nguyễn Hữu Nghĩa, Hoàng Văn Tuấn là hai trong nhiều mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu của thanh niên vùng cao xứ Thanh. Theo báo cáo của Tỉnh đoàn, hiện thanh niên các huyện miền núi đã xây dựng trên 1.300 mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập cao, tạo việc làm cho hơn 2.000 lao động là đoàn viên, thanh niên. Anh Lê Văn Châu, Bí thư Tỉnh đoàn, cho biết: Xác định phong trào thanh niên khởi nghiệp ở miền núi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm góp phần quan trọng trong công cuộc xóa nghèo bền vững, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã chỉ đạo huyện đoàn các huyện miền núi tổ chức rà soát, lập danh sách các hộ đoàn viên thanh niên có nhu cầu thành lập mô hình phát triển kinh tế, phối hợp với phòng giao dịch ngân hàng chính sách các huyện miền núi để đoàn viên thanh niên tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Hiện 11 huyện miền núi có trên 400 tổ tiết kiệm vay vốn thanh niên, với tổng dư nợ vốn vay ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội là hơn 700 tỷ đồng, giúp gần 16.000 hộ thanh niên được vay vốn. Ngoài ra, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã tham mưu trình UBND tỉnh phê duyệt đề án Chương trình tín dụng ưu đãi hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp đến năm 2025 với tổng nguồn vốn là 50 tỷ đồng. Chương trình tín dụng này đã giải ngân được trên 30 tỷ đồng, trong đó, các huyện miền núi được tiếp cận gần 15 tỷ đồng.

“Thời gian tới, Tỉnh đoàn tiếp tục chỉ đạo các cấp bộ đoàn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, xây dựng phong trào khởi nghiệp, khơi dậy ngọn lửa nhiệt huyết, tinh thần sáng tạo, cống hiến của sức trẻ trong thanh niên, nhất là thanh niên vùng cao, vùng dân tộc thiểu số; tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương liên kết với các tổ chức, ngân hàng để thanh niên có cơ hội tiếp cận nguồn vốn, các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, lập nghiệp của thanh niên... Qua đó, góp phần quan trọng trong công cuộc xóa nghèo bền vững ở miền Tây xứ Thanh”, anh Lê Văn Châu cho biết thêm.

Bài và ảnh: Xuân Cường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]