(vhds.baothanhhoa.vn) - Không có sách bút, phấn bảng, chỉ có sự tận tụy, không quản ngày đêm, mưa nắng để đưa những “chuyến đò” qua sông. Đó là hình ảnh của những giáo viên dạy thực hành lái ô tô ở các trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe.

Tận tụy nghề dạy học lái xe

Không có sách bút, phấn bảng, chỉ có sự tận tụy, không quản ngày đêm, mưa nắng để đưa những “chuyến đò” qua sông. Đó là hình ảnh của những giáo viên dạy thực hành lái ô tô ở các trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe.

Buồn - vui trên những cuộc hành trình

Sau nhiều lần đắn đo, cuối cùng tôi quyết định nộp hồ sơ học lái ô tô ở Trường Cao đẳng nghề Kinh tế - Công nghệ VICET. Trải qua 10 ngày học lý thuyết, nhóm chúng tôi gồm 5 người đều là nữ được phân công học thực hành với thầy Ngô Huyền Thoại.

Tận tụy nghề dạy học lái xe

Thầy Ngô Huyền Thoại trong một buổi dạy học viên cách ghép xe ngang, ghép xe dọc ở sân trường.

Thời gian đầu làm quen với xe trong sân trường cũng là những ngày thời tiết khắc nghiệt nhất. Thế nhưng như đã quen với điều đó, thầy vẫn từ tốn dạy chúng tôi rất tỷ mỷ từng làn sơn, vạch kẻ… đến nỗi nhiều hôm còn quên cả giờ giải lao theo quy định. Vất vả nhất có lẽ là những buổi dạy về cách ghép xe ngang, ghép xe dọc vì thầy đều phải ra khỏi xe để hướng dẫn và quan sát cho tường tận. Bất kể nắng mưa, để học viên nhớ bài, thầy vẫn không ngại xuống xe để giải thích thế nào là chạm vạch, thế nào là khoảng cách an toàn tối thiểu…

Tận tụy nghề dạy học lái xe

Không chỉ dạy về kỹ thuật lái xe, thầy còn rèn luyện cho học viên lòng can đảm và bản lĩnh vượt qua tình huống khó trên đường.

Khi đã thuần thục hơn, chúng tôi bước vào thời gian học lái xe đường trường. Tôi nhớ buổi đầu tiên các bạn trong nhóm ai cũng háo hức nên vừa lên xe đã đi với tốc độ khá nhanh khiến cho thầy phải liên tục nhắc nhở, thậm chí có lần còn phải vươn người ra để bẻ lái gấp mới tránh được một “pha” va chạm. Đến lượt mình cầm lái, tôi hồi hộp và căng thẳng, toàn thân co rúm lại. Đi được một đoạn với tốc độ 20 km/giờ thì có lúc tôi bỗng đạp chết phanh, lại cũng có lúc bẻ lái lấn sang cả làn đường bên phải vì có cảm giác như sắp bị chiếc xe đi ngược chiều tông thẳng. Luống cuống và run rẩy, tôi định bỏ cuộc thì thầy động viên: “Mình đang đi đúng làn đường nên em không phải sợ. Đường thẳng, cứ mạnh dạn cho thêm ga để đi, chân thầy vẫn luôn đặt ở phanh phụ đây rồi".

Nghe lời thầy, tôi cố gắng lấy lại bình tĩnh rồi dò dẫm nhấn nhẹ vào ga và tập cách “ngó lơ” các xe đi ngược chiều phía trước. Quả nhiên nỗi sợ hãi dần tan biến, tôi thấy tự tin hơn vì biết rằng bên cạnh đã có thầy.

Cho những bài học quý

Nhóm chúng tôi học xe số tự động nên chỉ có hơn hai tháng để thực hành lái xe. Vì thời gian không có nhiều nên thầy luôn nhắc chúng tôi phải đi sớm để tranh thủ học được nhiều nhất có thể. Thế mà có hôm, mấy chị em ai cũng đến muộn làm thầy phải chờ đợi rất lâu. Tối ấy về, thầy liền nhắn trên nhóm zalo: “Mời các chậy đẹp sáng mai đi học đúng giờ ạ. Ai loạng quạng đi muộn là đứng ở sân trường mà khóc nhá”.

Có lần, một bạn trong nhóm phanh giật cục, thầy nhắc vui rằng: “Em phải phanh thùy mị vào chứ”. Hoặc một bạn học trước quên sau, thầy lại quay sang bảo tôi: “Em xem xe mình có cái búa ở đó không?”. Ấy thế mà cũng có lúc thầy nghiêm khắc lắm, hệt như những người cha vì lo cho tương lai của các con mà không thể cứ mãi nuông chiều.

Tận tụy nghề dạy học lái xe

Nhờ học lái xe với thầy mà chúng tôi hiểu rằng, người lái xe giỏi không phải là người đi nhanh mà là người biết lúc nào cần nhanh, lúc nào cần chậm.

Gần như mỗi lần gặp tình huống khó, thầy đều nhắc nhớ bằng những câu từ rất gần gũi, thân thuộc. Khi thì: “Tiến bám lưng, lùi bám bụng”; “Cua trái đánh lái chậm, cua phải đánh lái nhanh”. Lúc lại: “Vay bao nhiêu, trả bấy nhiêu”; “Qua vai đánh lái”; “Đầu xuôi, đuôi lọt”; “Rẽ trái thì mở rộng vòng cua, rẽ phải thì bám vào tình trạng của đường”… Hoặc cũng có không ít lần, thầy vận dùng thành thạo những câu thành ngữ để nói về nguyên tắc đi đường an toàn. Điển hình như là: “Tài già, dép rọ, kính cong. Tới đoạn đường vòng vẫn phải ngớt ga”; “Nhất chạng vạng, nhì rạng đông”; “Trời mưa thì tránh trắng, trời nắng thì tránh đen”; “Ba giây đèn xanh thì bỏ, ba giây đèn đỏ thì chuẩn bị đi”…

Nhờ phong cách dạy học rất “sư phạm” đó mà nhóm chúng tôi tiến bộ rất nhanh, không để thầy phải nhắc bài nhiều nữa. Một hôm, trong giờ giải lao, tôi tò mò hỏi về mức lương của các giáo viên trong trường thì được thầy cho biết: “Trừ đi bảo hiểm và cố gắng tiết kiệm thì cũng đủ sống cả em ạ”. Rồi như nhớ ra điều gì đó, giọng thầy bỗng nhiên trầm hẳn xuống: “Thầy gắn bó với trường từ những ngày đầu thành lập. Giờ chỉ còn ít năm nữa là về hưu mà bảo hiểm xã hội thì thầy vẫn chưa đóng đủ. Không biết đến lúc đó, nhà trường có tạo điều kiện cho thầy được dạy tiếp không nữa?”

Tận tụy nghề dạy học lái xe

Đi học lái xe nhưng chúng tôi còn học được ở thầy Ngô Huyền Thoại đức tính cẩn trọng, điềm tĩnh và trách nhiệm cao với công việc, với xã hội.

Hóa ra, đằng sau sự hài hước của thầy Ngô Huyền Thoại cũng còn có những nỗi lo riêng. Nhưng trong thời gian học thực hành, tôi phần nào cảm nhận được, thầy gắn bó với nghề không chỉ để được nhận lương mà còn là để được góp phần thực hiện trách nhiệm với xã hội. Vậy nên, có đôi lần thấy đồng nghiệp vi phạm về kỷ luật và đạo đức lái xe, thầy đã thẳng thắn góp ý mà không hề e ngại. Bởi với thầy, nghề nào cũng cần có chữ “tâm”, nghề dạy học lái xe lại càng phải đề cao chữ “tâm” mới có thể đào tạo nên những người lái xe có trách nhiệm với chính mình và cộng đồng.

Mai Vui


Mai Vui

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]