(vhds.baothanhhoa.vn) - Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho lao động yếu thế đã giúp họ từng bước vươn lên ổn định cuộc sống, góp phần hiệu quả vào công tác giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội.

Tạo sinh kế cho lao động yếu thế

Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho lao động yếu thế đã giúp họ từng bước vươn lên ổn định cuộc sống, góp phần hiệu quả vào công tác giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội.

Tạo sinh kế cho lao động yếu thếHTX Thủ công mỹ nghệ Tân Thọ tạo việc làm cho nhiều lao động là người yếu thế trong xã hội.

Với mục tiêu xây dựng “điểm tựa tinh thần” của người khiếm thị, thời gian qua Hội Người mù TP Thanh Hóa đã tích cực tuyên truyền, động viên và kết nạp người khiếm thị đủ tiêu chuẩn tham gia vào tổ chức hội, giúp họ nâng cao tinh thần, tự tin hòa nhập cộng đồng. Hiện hội có 228 hội viên, phần lớn họ gặp khó khăn từ đi lại, sinh hoạt hàng ngày đến việc phát triển kinh tế. Vì vậy, hàng năm, ngoài việc quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên bằng việc trích quỹ phúc lợi để thăm hỏi, động viên hội viên có hoàn cảnh khó khăn, ốm đau, bệnh tật, tặng quà nhân ngày lễ, tết, hội chú trọng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận nguồn vốn từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm để phát triển kinh tế.

Ông Trần Mạnh Cường, Chủ tịch Hội Người mù TP Thanh Hóa, cho biết: Từ nguồn quỹ quốc gia giải quyết việc làm, hội triển khai được 3 dự án cho 10 lượt hội viên vay, tạo thêm việc làm cho 40 lao động. Nguồn vốn đã giúp nhiều gia đình hội viên từng bước thoát nghèo và vươn lên ở mức khá giả. Tiêu biểu là gia đình các anh, chị: Võ Thanh Hùng, ở phường Phú Sơn; Đỗ Thị Thúy, ở phường Đông Cương; Nguyễn Hữu Huấn và Lê Thị Nhâm, ở phường Long Anh...

Nhằm tạo sinh kế bền vững cho hội viên, Hội Người mù TP Thanh Hóa tiếp tục duy trì hoạt động của cơ sở dạy nghề. Trong năm 2022, từ nguồn kinh phí ngân sách thành phố, hội đã mở 1 lớp học chữ nổi cho 20 học viên; năm 2023 sẽ tổ chức 1 lớp học nghề tẩm quất cổ truyền. Ngoài ra, hội còn mở thêm các loại hình sản xuất dịch vụ khác nhằm khai thác cơ sở vật chất như: duy trì dịch vụ tẩm quất cổ truyền, sản xuất tăm tre các loại và một số dịch vụ khác, góp phần tạo việc làm cho hội viên cũng như tăng doanh thu của hội.

Là điểm tựa đáng tin cậy cho cộng đồng người khuyết tật, người yếu thế, hơn 12 năm qua HTX Thủ công mỹ nghệ Tân Thọ, ở huyện Nông Cống đã tạo sinh kế cho hàng trăm lao động. Hiện tại, HTX tạo việc làm cho gần 500 lao động, chủ yếu là phụ nữ đơn thân, nuôi con nhỏ, người nghèo, người quá tuổi lao động, khuyết tật thuộc địa bàn một số xã ở huyện Nông Cống, Quảng Xương, Đông Sơn với thu nhập bình quân từ 3,5 đến 4 triệu đồng/người/tháng. Theo chị Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc HTX Thủ công mỹ nghệ Tân Thọ, để ra được sản phẩm phải qua nhiều công đoạn khác nhau. Với lao động là người khuyết tật, sức khỏe yếu sẽ được bố trí làm ở những khâu đơn giản, phù hợp. HTX cũng tạo điều kiện để người lao động nhận nguyên liệu về nhà sản xuất. Nắm bắt sản phẩm đồ dùng gia dụng làm bằng mây tre đan thân thiện với môi trường đang được người tiêu dùng hướng đến, lựa chọn nên ngoài việc đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu, HTX không ngừng nghiên cứu, đổi mới mẫu mã. Do đó, nhiều công ty lớn, nhỏ và người tiêu dùng đã tin dùng và tìm đến các sản phẩm của HTX.

Theo thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, trên địa bàn tỉnh hiện có trên 50 HTX, doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật và tiếp nhận gần 1.000 lao động là người khuyết tật vào làm việc, trong đó có gần 20 HTX, cơ sở có chủ là người khuyết tật. Việc dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật có ý nghĩa rất quan trọng, giúp họ ổn định cuộc sống, vượt qua mặc cảm tật nguyền để hòa nhập cộng đồng.

Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, xác định việc hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, xây dựng, phát triển và nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo là một trong những giải pháp then chốt để tạo sinh kế, việc làm bền vững cho người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, người khuyết tật, từ nguồn vốn Trung ương phân bổ, tỉnh đã xây dựng, triển khai thực hiện các dự án, như: hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; đa dạng hóa sinh kế và phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững...

Là một trong những địa phương được thụ hưởng chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện Như Xuân đã phê duyệt 4 dự án với tổng kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ là 1.326 triệu đồng, hỗ trợ cho 76 hộ nghèo, 5 hộ cận nghèo phát triển sản xuất. Thực hiện tiểu dự án hỗ trợ người lao động sinh sống trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, huyện Bá Thước đã có cơ chế hỗ trợ 22 lao động là người dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động với tổng kinh phí hơn 75 triệu đồng. Việc triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án của chương trình đã và đang phát huy tối đa lợi thế các vùng, miền, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng chính sách, người có công, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và những đối tượng yếu thế dễ bị tổn thương khác có cơ hội để phát triển, được tiếp cận những nguồn lực chung, được tham gia và hưởng lợi, góp phần có hiệu quả vào công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.

Bài và ảnh: Mai Phương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]