(vhds.baothanhhoa.vn) - Những ngày tháng Tám lịch sử, chúng tôi trở về vùng quê cách mạng Thiệu Toán (Thiệu Hóa) và cảm nhận được cuộc sống nhiều khởi sắc của người dân nơi đây. Vùng quê nghèo năm xưa nay đã thay áo mới…

Tháng Tám về trên quê hương cách mạng Thiệu Toán

Những ngày tháng Tám lịch sử, chúng tôi trở về vùng quê cách mạng Thiệu Toán (Thiệu Hóa) và cảm nhận được cuộc sống nhiều khởi sắc của người dân nơi đây. Vùng quê nghèo năm xưa nay đã thay áo mới…

Tháng Tám về trên quê hương cách mạng Thiệu Toán

Hình ảnh cán bộ hoạt động trước cách mạng được treo trong nhà truyền thống cách mạng xã.

Lật từng trang cuốn lịch sử Đảng bộ xã Thiệu Toán, đồng chí Lê Doãn Mạnh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã tự hào nói với chúng tôi: Vùng quê Thiệu Toán là một “địa chỉ đỏ” của phong trào cách mạng huyện, tỉnh và cả nước. Ngay từ những ngày đầu cách mạng, trên quê hương Thiệu Toán đã có tổ chức Hội Việt Nam Thanh niên cách mạng, do đồng chí Lê Công Thanh sáng lập.

Đầu năm 1935, chi bộ Mao Xá – Cựu ra đời, đánh dấu bước trưởng thành của phong trào cách mạng địa phương. Phong trào đấu tranh ở Thiệu Toán trở thành ngọn cờ để các địa phương trong huyện, trong tỉnh noi theo. Nhiều lần địch đưa quân về Thiệu Toán đàn áp phong trào cách mạng, hàng trăm người bị bắt bớ, tù đầy, có người hy sinh trong nhà tù đế quốc. Nhưng người này bị bắt, người khác lại đứng lên tiếp tục sự nghiệp cách mạng. Nhân dân các làng vẫn một lòng theo Đảng, tiếp tục đấu tranh chống lại cường quyền, áp bức.

Nhiều đồng chí lãnh đạo của huyện, tỉnh, Trung ương như: Tố Hữu, Lê Chủ… đã về đây hoạt động và chỉ đạo phong trào. Nhiều hội nghị của Tỉnh ủy Thanh Hóa, Phủ ủy Thiệu Hóa, Tổng ủy Phong Lai cũng diễn ra tại Thiệu Toán với nhiều quyết sách quan trọng, trong đó có lệnh tổng khởi nghĩa kêu gọi Nhân dân toàn tỉnh đứng lên giành chính quyền trong cách mạng Tháng Tám.

Vào chiều tối ngày 18-8-1945, tự vệ các làng Thiệu Toán cùng tự vệ trong toàn phủ gồm 36 trung đội, chia làm hai cánh tả, hữu tiến đánh phủ lị Thiệu Hóa. Địch ngoan cố chống trả, cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt, nhưng với sự tấn công mạnh mẽ của quân ta, sáng ngày 19-8-1945, quân cách mạng đã hoàn toàn làm chủ phủ lị.

Ngày 20-8-1945, cuộc mít tinh ra mắt Ủy ban Cách mạng lâm thời phủ Thiệu Hóa và lễ truy điệu cho 14 chiến sĩ tự vệ hy sinh được tổ chức. Ngày 23-8-1945, trong ngày vui náo nức nước nhà vừa giành được độc lập, tự vệ các làng của Thiệu Toán đã tham gia trung đội tự vệ của tổng Xuân Lai tập trung tại làng Ngô Xá Hạ về thị xã tham dự lễ ra mắt Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh.

Cách mạng Tháng Tám thành công trên quê hương Thiệu Toán là kết quả của quá trình đấu tranh kiên cường, liên tục, từ ngày nhen nhóm phong trào cách mạng thông qua tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên, đến khi chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, trực tiếp lãnh đạo Nhân dân đấu tranh đến ngày thắng lợi.

Từ một vùng quê thuần túy nông nghiệp, các làng quê của Thiệu Toán trở thành “địa chỉ đỏ” của cách mạng Thanh Hóa, với những địa danh đầy tự hào như: “làng Tự do" Cựu Thôn, “làng bình đẳng” Mao Xá, luôn đi đầu trong đấu tranh cách mạng. Nhiều đồng chí như Tố Hữu, Lê Chủ, Lê Tất Đắc… đã từng về đây hoạt động và chỉ đạo phong trào, được Nhân dân nuôi nấng, chở che.

Đây là nơi tổ chức nhiều cuộc họp của Tỉnh ủy, những đợt tập huấn chính trị, quân sự của phủ và tỉnh. Cũng từ đây, lệnh tổng khởi nghĩa trong toàn tỉnh Thanh Hóa được phát ra, trước khi Thanh Hóa nhận được lệnh tổng khởi nghĩa của Trung ương. Chỉ 15 năm sau ngày Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập (1930-1945) đã có 18 người con ưu tú của quê hương Thiệu Toán được kết nạp vào Đảng…

Tháng Tám về trên quê hương cách mạng Thiệu Toán

Nhiều mô hình kinh tế trang trại mang lại hiệu quả kinh tế cao ở Thiệu Toán.

Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Thiệu Toán luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Trong phát triển kinh tế, Đảng bộ xã đã lãnh đạo Nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả; xây dựng thành công các mô hình kinh tế ở thôn Toán Thành, thôn Toán Thắng...

Bên cạnh đó các ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại trên địa bàn cũng được quan tâm phát triển, do đó, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao với thu nhập bình quân năm 2021 đạt 48,5 triệu đồng/người/năm.

Từ thay đổi về đời sống kinh tế, Nhân dân Thiệu Toán nâng cao ý thức, trách nhiệm, đóng góp công sức, tiền của để xây dựng nông thôn mới. Hàng nghìn m2 đất được các hộ tự nguyện hiến để mở rộng đường, đồng thời đóng góp tiền của, ngày công lao động để xây dựng các công trình khác. Sự nghiệp văn hóa, giáo dục phát triển toàn diện; công tác y tế chăm sóc sức khỏe Nhân dân được nâng cao; quốc phòng - an ninh được giữ vững. Nhiều năm liền, Đảng bộ, các đoàn thể của xã được công nhận trong sạch, vững mạnh, chính quyền đạt đạt danh hiệu vững mạnh.

“Trên cơ sở những kết quả đạt được, địa phương tiếp tục huy động sức dân để hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, nhân rộng các mô hình kinh tế tiêu biểu… Thiệu Toán phấn đấu đến năm 2024 đạt xã nông thôn mới nâng cao, tiến tới nông thôn mới kiểu mẫu trong thời gian tới”, Phó Bí thư Thường trực Lê Doãn Mạnh cho biết thêm.

Thu Thủy

(Trong bài viết có sử dụng tư liệu của cuốn sách Lịch sử Đảng bộ và phong trào cách mạng xã Thiệu Toán)


Thu Thủy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]