(vhds.baothanhhoa.vn) - Thọ Xuân không chỉ được biết đến là mảnh đất địa linh nhân kiệt mà còn có nhiều nghề, làng nghề truyền thống có tuổi đời hàng trăm năm. Các làng nghề truyền thống này hiện đang được phát huy, tạo việc làm, góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân địa phương.

Thọ Xuân: Nhiều làng nghề truyền thống tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân

Thọ Xuân không chỉ được biết đến là mảnh đất địa linh nhân kiệt mà còn có nhiều nghề, làng nghề truyền thống có tuổi đời hàng trăm năm. Các làng nghề truyền thống này hiện đang được phát huy, tạo việc làm, góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân địa phương.

Thọ Xuân: Nhiều làng nghề truyền thống tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dânTranh thủ thời gian nhàn rỗi, người dân xã Thọ Lộc làm nghề nón để tăng thêm thu nhập.

Đến xã Thọ Lộc, địa phương có nghề làm nón lá truyền thống, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi thấy “người người làm nón, nhà nhà làm nón”. Chị Nguyễn Thị Minh, ở thôn 4, cho biết: “Tôi học và biết làm nón từ khi còn học lớp 4. Hơn 40 năm làm nghề nón, tôi thấy nghề thu nhập không cao nhưng có thể tranh thủ thời gian nhàn rỗi. Từ lứa tuổi học sinh đến người già ai cũng có thể làm được. Chính vì vậy, ngoài làm ruộng, bán hàng tạp hóa, cả 2 vợ chồng tôi đều tham gia làm nón, kiếm thêm thu nhập từ 100-150 nghìn đồng/ngày. Ngoài khâu nón, hàng tháng, tôi còn đứng ra thu gom nón của bà con với giá thu mua tùy loại. Nón đẹp nhất - nón đầm có giá 50 nghìn đồng, còn lại có giá từ 20 nghìn đồng đến 40 nghìn đồng/chiếc. Thu gom xong, tôi nhập cho khách hàng ở các tỉnh phía Nam, tập trung nhiều ở khu vực Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng)”.

Thọ Xuân: Nhiều làng nghề truyền thống tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dânNghề làm miến đang thu hút đông đảo người dân xã Phú Xuân tham gia.

Làm nghề nón đến nay đã hơn 60 năm, bà Lê Thị Kiên 75 tuổi, ở thôn 3, chia sẻ: “Cả 2 ông bà đều làm nón. Nhờ có nghề này, vợ chồng tôi mỗi ngày kiếm được hơn 100 nghìn đồng. Ở tuổi như vợ chồng tôi, kiếm được số tiền này là rất đáng quý mà nghề làm nón mang lại".

Nói về lịch sử cũng như hiệu quả của nghề làm nón lá, Chủ tịch UBND xã Thọ Lộc, ông Nguyễn Đức Hạnh cho biết: Nghề làm nón lá trên địa bàn được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hiện nghề này thu hút gần 400 hộ, với trên 1.500 lao động tham gia, tập trung chủ yếu ở các thôn 3 và thôn 4 với thu nhập trung bình từ 2-3 triệu đồng/người/tháng. Ngoài thu nhập làm ruộng, bà con tận dụng thời gian nhàn rỗi, và người ngoài độ tuổi lao động cũng có thể làm được. Do vậy, nghề làm nón lá đã góp phần đáng kể nâng cao mức thu nhập của người dân trong xã”.

Chủ tịch UBND xã Phú Xuân, ông Vũ Đình Nam cho biết: Nghề làm miến gạo tập trung ở thôn Phú Cường với 56 hộ/280 hộ tham gia; mỗi hộ có từ 4-6 lao động. Quan trọng hơn là với gần 17 tấn miến/ngày của các hộ làm ra đều có đầu ra ổn định.

Chị Lê Thị Lài, chủ một cơ sở sản xuất miến trong xã cho biết: Mỗi ngày gia đình chị xuất khoảng 3 tạ miến cho các đại lý thu mua. Để làm ra được sợi miến, phải thực hiện qua nhiều công đoạn. Đầu tiên là gạo vo sạch và ngâm từ 3-4 giờ tùy theo điều kiện thời tiết. Khi gạo đã đủ độ mềm, xả hết nước, 4 tiếng sau mới cho gạo vào máy nghiền thành bột rồi sau đó dùng máy ép khô, chạy ra sợi. Miến được ủ đủ 15 tiếng, nếu mùa đông 16-18 tiếng, nếu mùa hè mới mang ra xả nước vò rồi đem phơi. Để có miến ngon, khâu nghiền là quan trọng. Bột phải mịn như bột làm bánh cuốn. Gạo làm miến thường là gạo Q5 hoặc Khang Dân. Nghề làm miến không nặng nhọc nhưng vất vả vì phải thức khuya, dậy sớm.

Có tuổi đời hơn 70 năm, nghề mộc truyền thống ở xã Thuận Minh hiện đang tạo việc làm, tăng thu nhập cho hàng trăm lao động trên địa bàn. Phó Chủ tịch UBND xã, ông Vũ Đình Tâm cho biết: "Trên địa bàn xã đang có 300 hộ tham gia làm nghề mộc, tập trung ở các thôn 1, 3, 4, 5, 6, 10, 12 và thôn Yên Lược. Nghề mộc phát triển không chỉ giúp hộ làm nghề có cuộc sống khá giả mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập cho gần 2 nghìn lao động địa phương, với mức thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng.

Xưởng mộc của anh Hà Công Tiến, ở thôn 4, đang tạo việc làm cho 6 lao động với mức lương từ 6-10 triệu đồng/người/tháng (bao ăn). Xưởng của anh chuyên sản xuất bàn ghế, sập, kệ, giường, tủ, đồ thờ... theo đặt hàng của khách ở các tỉnh, thành: Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đắk Lắk, Gia Lai... Để phục vụ nghề mộc, anh đã đầu tư 2 máy đục trị giá 400 triệu đồng. “Mong muốn của tôi là được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để mở rộng sản xuất, thu hút và tạo nhiều việc làm cho người dân địa phương”.

Thọ Xuân: Nhiều làng nghề truyền thống tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dânXưởng mộc của gia đình anh Hà Công Tiến, ở thôn 4 xã Thuận Minh tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động.

Ông Vũ Đình Tâm cho biết thêm: Khó khăn của địa phương là, tuy nghề mộc đã tồn tại, phát triển ở địa phương trên 70 năm nhưng vẫn chưa được công nhận làng nghề truyền thống. Vì vậy, làng nghề và các sản phẩm của làng nghề chưa được đông đảo người tiêu dùng trong tỉnh, trong nước biết đến nên tiêu thụ sản phẩm khó khăn, ảnh hưởng đến việc mở rộng, sản xuất kinh doanh.

Ông Lê Đình Hảo, Phó trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Thọ Xuân, cho biết: “Huyện đang cố gắng, hoàn thiện các thủ tục pháp lý trình tỉnh công nhận nghề và làng nghề nón lá Thọ Lộc, mộc dân dụng Thuận Minh và nghề làm miến Phú Xuân. Bởi trên thực tế, trong số 11 nghề, làng nghề truyền thống của huyện, mới có 2 làng nghề: bánh gai Tứ Trụ và bánh lá răng bừa Thọ Lập được công nhận làng nghề truyền thống. Các làng nghề còn lại, trong đó có 3 làng nghề kể trên đều đảm bảo được tiêu chí nghề và làng nghề truyền thống như có lịch sử phát triển trên 50 năm; có tối thiểu 20% tổng số hộ tham gia làm nghề; có hoạt động sản xuất kinh doanh tối thiểu 2 năm trở lên và giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động với mức thu nhập ổn định"...

Bài và ảnh: Minh Lý



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]