(vhds.baothanhhoa.vn) - Cũng như nhiều thú chơi khác của người Việt, cây cảnh là thú chơi hấp dẫn, mê say và có số đông người tham gia. Thú chơi này có từ xa xưa, trong cung vua phủ chúa, tư gia của các đấng quân vương. Không chắc được thú chơi này có từ cung đình mà ra đời sống xã hội, hay từ đời sống xã hội bình dân đi vào chốn cung đình. Chỉ biết đây là thú chơi tao nhã, hữu ích.

Thú chơi cây cảnh

Cũng như nhiều thú chơi khác của người Việt, cây cảnh là thú chơi hấp dẫn, mê say và có số đông người tham gia. Thú chơi này có từ xa xưa, trong cung vua phủ chúa, tư gia của các đấng quân vương. Không chắc được thú chơi này có từ cung đình mà ra đời sống xã hội, hay từ đời sống xã hội bình dân đi vào chốn cung đình. Chỉ biết đây là thú chơi tao nhã, hữu ích.

Thú chơi cây cảnhTriển lãm cây cảnh nghệ thuật tại Bảo tàng Hoàng Long, TP Thanh Hóa. Ảnh: TƯ LIỆU

Thú chơi cây cảnh có sức cuốn hút nhiều người vì nó gần gũi với thiên nhiên. Chơi cây thường phải là người có đam mê, có năng khiếu mỹ thuật và hiểu biết kỹ thuật cắt tỉa, ươm, giâm, gieo trồng. Một nghề đặc biệt không phải ai cũng làm được. Nhiều làng nghề đã trở nên nổi tiếng như Nam Điền (Nam Định), Quảng Bá, Nghi Tàm (Hà Nội), Hợp Lý (Triệu Sơn, Thanh Hóa)…

Có mỹ thuật, có kỹ thuật, thậm chí có tiềm lực kinh tế thôi chưa đủ, quan trọng nhất là niềm say mê gắn bó. Có được cây cảnh đẹp, bắt mắt, hay đáng đồng tiền bát gạo cũng phải mất 5 đến 7 năm. Trong 5 năm đó người chơi phải chăm sóc, uốn nắn cắt tỉa đúng thế, cầu kỳ tựa như chăm con trẻ. Rất nhiều yếu tố kỹ thuật phải học hỏi trong sách vở của người xưa, rồi kinh nghiệm bạn chơi. Đôi khi để có được cây độc lạ thì phải mày mò sáng tạo, nghĩ suy mới đưa ra quyết định thế chuẩn cho cây. Tạo cho cây cảnh có xù xì, chi cành nhánh hợp lý, rồi nét rêu mốc của thời gian, ngoài yếu tố tự nhiên của cây, ta phải biết cách sáng tạo nhằm rút ngắn thời gian để còn đua với bạn, với đời và làm thương mại.

Khó nhất của người chơi cây cảnh là tạo ra cây cảnh, chậu cảnh đảm bảo các yếu tố: cổ thụ, dáng thế cành nhánh tay bông chuẩn, chậu và phối cảnh phù hợp để hòa phối trong một ý nghĩa nhất định. Nghĩa là tư tưởng, ý tưởng, chủ đề và vấn đề đời sống được chuyển vào cây cảnh, chậu cảnh nhờ sự phối hợp, sắp đặt, uốn chỉnh phải toát lên được chủ đề nổi trội. Thế long giáng, long ẩn, long thăng, phượng vũ, ngũ phúc… phải ứng với loài cây quý như tùng, nguyệt quế, sanh, đa, đề, hay si. Thế song thụ hay mẫu tử tiên ông, văn nhân hiền triết thì phải chọn được cây có dáng vẻ hòa hợp với chủ đề, uốn tỉa chỉ là sự thêm thắt, dụng công để nói lên sự khăng khít, hòa hợp. Thế phụ tử thì cây chủ phải vững vàng, cây con phải có tỷ lệ hòa hợp nhỏ nhắn, quấn quýt nương tựa vào cây lớn. Lá cành phải đan hòa ríu rít vừa âu yếm vừa gửi trao tin cậy...

Tính tượng hình trong cây cảnh phải rất sống động, rất nghệ thuật thì mới trở thành cây có giá trị cao. Tất cả các yếu tố của cây từ gốc, rễ đến thân, cành, lá phải cùng cộng hưởng để tôn lên chủ đề. Người chơi cây và tạo thế cho cây phải gửi hồn mình vào cây, phải nghĩ suy trăn trở từ ý niệm thẩm mỹ để gia công qua cách tạo dáng vẻ, tạo khoang khoáy, tạo cành kết tán mới nên một hổ phục rồng chầu hay phượng vũ, hạc thư.

Cây cảnh càng già lại càng quý, đạt được dáng cổ thụ, thế ổn định, sức sống bền vững mạnh mẽ thì đắt như bạc vàng châu báu. Nhiều người không kiến giải được vì sao có những cây giá trị lên tới tiền tỷ thậm chí cả vài trăm tỷ đồng. Chưa nói đến độ độc đáo, quý hiếm, toàn bích duy nhất không lặp lại trong thế giới mênh mông rộng lớn. Những cây bạc tỷ đó còn gắn với tên tuổi của nghệ nhân hàng đầu, của bàn tay vàng, của biết bao giấy chứng nhận, bằng chứng nhận qua các kỳ liên hoan hay các Festival cây cảnh...

Trong tế giới hiện đại, bên cạnh vẻ đẹp của kiến trúc luôn hiện hữu thì để có được một cây cảnh đẹp, quý hiếm về chủng loài thật khó biết bao. Những cây cảnh đó có giá trị tôn lên vẻ đẹp hoành tráng của biệt thự, của lâu đài hay của tòa nhà. Vì thế, người chơi cây cảnh phải mê cái đẹp, phải biết nâng tầm cây như một công trình nghệ thuật để mọi người khi nhắc đến đều khát khao được thưởng lãm.

Bài và ảnh: Nguyễn Hữu Ngôn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]