(vhds.baothanhhoa.vn) - Hiện nay, người tiêu dùng (NTD) ngày càng quan tâm tới tiêu dùng thông minh, bền vững, lựa chọn những sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường.

Thúc đẩy tiêu dùng xanh: Xu hướng tất yếu

Hiện nay, người tiêu dùng (NTD) ngày càng quan tâm tới tiêu dùng thông minh, bền vững, lựa chọn những sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường.

Thúc đẩy tiêu dùng xanh: Xu hướng tất yếuKhách hàng chọn mua các sản phẩm hữu cơ tại gian hàng của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh (đường Hạc Thành, TP Thanh Hóa).

Nếu trước đây, lợi ích đối với sức khỏe, giá cả và niềm tin vào nhãn hàng là những quan tâm hàng đầu của NTD khi chọn mua sản phẩm, thì nay có thêm yếu tố xanh, do lo ngại về tác động đến môi trường. Một báo cáo của Công ty Nielsen Việt Nam cho thấy, thân thiện với môi trường đã trở thành một trong 5 yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của NTD Việt Nam hiện nay. Chính vì thế, không bất ngờ khi những sáng kiến “xanh” vừa ra đời, như ống hút tre của Lê Xuân Lâm (xã Tân Thành, huyện Thường Xuân), nước tẩy rửa sinh học làm từ rác thải nông nghiệp của chị Bùi Thị Bích Ngọc (phường Đông Cương, TP Thanh Hóa),... được NTD nhiệt tình đón nhận ngay tại thị trường nội tỉnh. Chị Nguyễn Thu (phường Điện Biên, TP Thanh Hóa) cho biết, gia đình chị đang dần thay thế đồ dùng một lần bằng các sản phẩm tái chế, sử dụng lâu dài. “Việc đi chợ, nếu trước đây đều phải lỉnh kỉnh gần chục túi nilon, thì nay tôi dùng túi vải. Đồ nhựa trong nhà được thay thế bằng đồ thủy tinh, gỗ, sành, sứ... Ngoài ra, đối với thực phẩm, tôi chọn mua tại các cửa hàng thực phẩm an toàn, ưu tiên với nhóm thực phẩm hữu cơ. Tuy giá có cao hơn nhưng yên tâm về chất lượng và có thể truy xuất được nguồn gốc”, chị Thu cho biết.

Khảo sát tại các trung tâm thương mại, siêu thị tại Thanh Hóa cho thấy, nhu cầu NTD đối với các sản phẩm có nguồn gốc “xanh”, tiết kiệm năng lượng, giảm thải ô nhiễm môi trường ngày càng tăng. Ông Lê Văn Liêm, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Thanh Hóa, cho biết “Siêu thị không bày bán những sản phẩm nhựa dùng một lần, khó phân hủy. Cụ thể, từ tháng 5-2019 siêu thị đã ngưng hoàn toàn việc bán ống hút nhựa, thay vào đó là ống hút làm bằng tre, giấy, bã mía... Siêu thị cũng không bán túi nilon khó phân hủy, thay vào đó, toàn bộ túi dùng cho khách hàng mang về là túi sinh học phân hủy. Khuyến khích nhà cung cấp nguồn hàng sử dụng bao bì, đóng gói thành phẩm bằng nguyên vật liệu thân thiện, như gói rau bằng lá chuối, đựng trứng vào giỏ tre... Qua khảo sát, phần lớn khách mua hàng đều có phản hồi tích cực về những giải pháp này của siêu thị, tỷ lệ NTD chọn mua các sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường, đồ điện tiết kiệm năng lượng, sản phẩm may mặc làm từ nguyên liệu tự nhiên... tăng rõ rệt. Mặt khác, xu hướng tiêu dùng xanh đã và đang làm thay đổi tư duy của nhà sản xuất, buộc họ phải hạn chế sản xuất đồ nhựa dùng một lần, tìm kiếm sản phẩm tự nhiên thay thế, hoặc đầu tư công nghệ cho ra sản phẩm ít gây ảnh hưởng đến môi trường hơn”.

Chuyển động cùng xu hướng tiêu dùng xanh, các cửa hàng kinh doanh, buôn bán nhất là về thực phẩm, đồ uống đang mạnh dạn sử dụng nguyên vật liệu theo hướng xanh hóa. Trong đó ống hút, cốc đựng làm bằng tre, giấy... thay cho ống hút nhựa, cốc nhựa, hạn chế sử dụng các loại nước đóng chai có bao bì khó phân hủy, chỉ sử dụng túi giấy thay vì sử dụng túi nilon... Nếu như mấy năm trước, sự thay đổi này thường chỉ thấy ở những quán cà phê ở TP Thanh Hóa với việc sử dụng ống hút tự nhiên thay thế, thì nay ở nhiều đô thị trong tỉnh, các cửa hàng bán đồ ăn nhanh, đồ ăn sáng, cửa hàng thực phẩm an toàn... đều có sử dụng những sản phẩm xanh như túi, cốc, hộp đựng bằng giấy, hoặc khuyến khích khách mang túi vải đi đựng đồ. Không những thế, nhu cầu của người dân dành cho các sản phẩm tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo ngày càng cao.

Một minh chứng rõ ràng cho xu hướng tiêu dùng xanh là việc phát triển mạnh mẽ các cửa hàng thực phẩm an toàn. Theo báo cáo của Sở Công Thương, đến thời điểm này, toàn tỉnh đã xây dựng được 537 cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn. Nhiều huyện, thị, thành phố đạt tỷ lệ cao như: TP Thanh Hóa, Thọ Xuân, Đông Sơn, Vĩnh Lộc... Riêng 9 tháng năm 2021, các huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng hoàn thành 33 cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn. Những cửa hàng này đang là kênh phân phối các sản phẩm xanh trên thị trường, hoặc giới thiệu những sản phẩm tiêu dùng, vật dụng tái chế, thân thiện với môi trường đến NTD. Chị Mai Thị Thảo, quản lý Cửa hàng thực phẩm an toàn Bill Green (số 149, đường Lê Lai, TP Thanh Hóa), cho biết: "Mỗi ngày cửa hàng tiêu thụ khoảng 1 tạ rau, củ, quả các loại và trên 80kg thịt các loại. Chủ yếu trong số đó là nông sản đến từ các vùng rau an toàn, đạt tiêu chuẩn VietGAP trong tỉnh, như HTX rau Hoằng Hợp, Hoằng Thắng, Hoằng Đạt (Hoằng Hóa), Công ty Dịch vụ thương mại nông nghiệp công nghệ cao Thiên Trường 36... Những năm gần đây, do nhu cầu của NTD, cửa hàng cũng tìm kiếm nguồn hàng rau, củ, quả trồng hoàn toàn hữu cơ, thịt gia súc được chăn nuôi bằng thảo dược. Những sản phẩm này đang được cửa hàng duy trì và tăng doanh số bán do sức mua ngày càng tăng”.

Để các sản phẩm xanh có thể thay thế hoàn toàn các sản phẩm tiêu dùng thông thường gây ô nhiễm còn rất nhiều khó khăn, trở ngại. Tuy nhiên, với sự ủng hộ của NTD, sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước và sự cam kết chung tay của các doanh nghiệp (cả sản xuất và phân phối), chắc chắn xu hướng tiêu dùng này sẽ ngày càng lan tỏa và phát triển mạnh mẽ hơn trong thời đại 4.0 hiện nay. Qua đó, góp phần tích cực trong “cuộc chiến” nói không với rác thải nhựa, bảo vệ môi trường sống của chúng ta.

Bài và ảnh: Phan Vân



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]