(vhds.baothanhhoa.vn) - Quê tôi ở một huyện miền núi, đồng bào chủ yếu là dân tộc Mường sinh sống. Bao năm nay tiếng kẻng đối với bà con quê tôi như âm thanh quen thuộc trong đời sống. Những người con sinh ra, lớn lên và rời quê như thế hệ trẻ chúng tôi sẽ chẳng bao giờ quên được âm thanh “keng, keng…” ấy. Âm thanh nhắc nhớ, vang vọng, trở thành quy ước ăn sâu vào nếp sống của bà con.

Tiếng kẻng làng

Quê tôi ở một huyện miền núi, đồng bào chủ yếu là dân tộc Mường sinh sống. Bao năm nay tiếng kẻng đối với bà con quê tôi như âm thanh quen thuộc trong đời sống. Những người con sinh ra, lớn lên và rời quê như thế hệ trẻ chúng tôi sẽ chẳng bao giờ quên được âm thanh “keng, keng…” ấy. Âm thanh nhắc nhớ, vang vọng, trở thành quy ước ăn sâu vào nếp sống của bà con.

Tiếng kẻng làng

Chiếc kẻng ấy cũng thật đặc biệt. Chiếc kẻng được bà con tận dụng từ quả bom không nổ do thực dân Pháp ném xuống làng tôi từ những năm 1953, sau đó được tháo kíp nổ. Theo các cụ trong làng kể lại, hồi đấy vào tháng 10, sau khi có một đoàn nhà báo từ Hà Nội về trú lại quê tôi, sau khi rời đi thì Pháp đã huy động máy bay càn quét và thả 11 quả bom xuống làng. May mắn không có ai bị thương trong trận bom ấy. Duy một quả bom không nổ chính là quả bom mà đến nay vẫn còn tồn tại và trở thành chiếc kẻng thân quen của làng.

Chiếc kẻng ấy được di dời qua nhiều địa điểm, hiện nay được treo bên hông nhà văn hóa thôn. Qua năm tháng, chiếc kẻng rỉ sắt, chuyển màu nâu sẫm, như minh chứng thời gian tồn tại của nó ở làng.

Hồi còn nhỏ, vào mỗi dịp nghỉ hè, khi cánh đồng sau gặt trơ gốc rạ, trâu bò nhởn nhơ ngoài đồng là thời gian lũ trẻ con chúng tôi háo hức nhất với trò chơi ô ăn quan, đánh cù, đánh khăng rồi chơi trò trốn tìm ở nhà văn hóa. Chiếc kẻng treo bên hông nhà văn hóa khiến đứa nào cũng tò mò, muốn dùng đá, dùng gậy gõ vào chiếc kẻng để nghe âm thanh vang lên quen thuộc. Nhưng tuyệt nhiên, không đứa nào dám gõ, chỉ dám ôm và đo xem chiếc kẻng rộng, cao bao nhiêu, rồi xuýt xoa. Bởi đó là quy ước của làng, chỉ người có uy tín trong thôn mới được gõ kẻng. Tiếng kẻng chỉ vang lên khi có việc quan trọng của làng.

Tiếng kẻng đã trở thành quy ước ăn sâu vào nếp sống của dân làng. Tùy vào mỗi công việc cần thông báo cho cả làng, từ việc nhà đến việc nước mà cách đánh kẻng sẽ khác nhau. Đối với làng khi tập hợp dân, tiếng kẻng sẽ vang lên mạnh mẽ như thúc giục; khi trong làng có việc gấp như có trộm, hỏa hoạn, tiếng kẻng gấp gáp như bước chân người chạy; khi có người qua đời, kẻng làng sẽ chậm rãi nối dài để bà con cùng đưa tiễn người đã khuất về với thế giới… Cứ như thế, tiếng kẻng đã bao đời gắn kết dân làng lại với nhau. Sau này tiếng kẻng còn gióng lên mỗi đầu tối nhắc học sinh đã đến giờ ngồi vào bàn học bài. Tiếng kẻng vào lúc 10 giờ đêm còn báo hiệu giới nghiêm, tất cả công dân của làng không được ra ngoài đường sau tiếng kẻng nếu như không có việc khẩn cấp. Quy định ấy được bà con trong làng ghi nhớ.

Cuộc sống đổi thay phương tiện như loa phóng thanh, điện thoại di động… xuất hiện ở khắp nơi nhưng chiếc kẻng làng vẫn còn đó để đảm nhiệm “sứ mệnh” của mình, giúp sinh hoạt của dân làng đi vào nền nếp và đảm bảo an ninh - trật tự ở địa phương. Âm thanh quen thuộc của tiếng kẻng qua bao đời đã trở thành một phần gắn bó với cộng đồng làng.

Đi xa, mỗi lần về thăm quê nghe tiếng gió luồn qua ô cửa, tiếng kẻng vang lên, bao kỷ niệm lại ùa về.

Thảo Nguyên


Thảo Nguyên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]