(vhds.baothanhhoa.vn) - Một số địa phương ở Thanh Hóa đã gỡ khó vấn đề tiêu thụ nông sản, nhất là đối với vùng giãn cách. Nhiều câu chuyện ấm lòng đã xuất hiện trong bối cảnh đặc biệt này...

Tiêu thụ nông sản trong mùa dịch: Chuyện gỡ khó

Một số địa phương ở Thanh Hóa đã gỡ khó vấn đề tiêu thụ nông sản, nhất là đối với vùng giãn cách. Nhiều câu chuyện ấm lòng đã xuất hiện trong bối cảnh đặc biệt này...

Tiêu thụ nông sản trong mùa dịch: Chuyện gỡ khóNgười dân xã Phú Nhuận thu hoạch hoa thiên lý.

Khi trưởng thôn làm “shipper”...

“Hành trang” là một chiếc xe máy hoặc chiếc xe kéo, các trưởng thôn đưa rau, củ, quả đến từng hộ trong thôn, trong xã... Đó là hình ảnh của các trưởng thôn ở xã Nga Yên (Nga Sơn) trong những ngày giãn cách xã hội trên địa bàn toàn huyện theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Nga Yên là xã vùng màu của huyện Nga Sơn với cây trồng chủ đạo là dưa leo và dưa vàng, tổng diện tích trên 15ha. Thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg từ ngày 1-9-2021, khó khăn lớn nhất của Nga Yên là có gần 2ha dưa vàng và 6ha dưa leo đang vào vụ thu hoạch. Ngoài ra còn có 5,5ha rau, củ. Để hỗ trợ người nông dân, Đảng ủy, UBND xã Nga Yên giao cho Hợp tác xã (HTX) sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn Nga Yên thu mua rau màu và tìm đầu ra. “Hỗ trợ HTX là các trưởng thôn và thôn đội trưởng của 3/3 thôn. Họ có trách nhiệm đến các hộ sản xuất để thu gom rau, củ, quả mang về HTX. Sau đó tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ với vai trò shipper đi giao hàng cho người dân trong xã”, bà Quỳnh Mai, Giám đốc HTX sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn Nga Yên cho biết.

Nhớ lại khoảng thời gian ngắn đi giao hàng, ông Mai Trung Thông, Trưởng thôn Yên Lộc, dí dỏm nói: “Ngoài việc kiểm tra, theo dõi các hộ dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, cứ có đơn hàng là chúng tôi sẵn sàng đi ngay”.

Tiêu thụ nông sản trong mùa dịch: Chuyện gỡ khóÔng Mai Trung Thông, Trưởng thôn Yên Lộc, xã Nga Yên chuẩn bị đi giao hàng cho người dân.

Xe máy để chở vài chục ki-lô-gam rau, dưa. Hàng để trước gác ba ga, hàng để sau chỗ ngồi, lúc hàng nhiều hơn thì dùng xe kéo. Cứ thế, mặc nắng mưa, sớm, trưa hay chiều tối, ông Thông và những “đồng nghiệp” luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao. Ông Phạm Trí Doanh, Trưởng thôn Yên Ninh, cho biết: “Trong lúc này, giúp được gì cho bà con thì chúng tôi sẽ mang hết khả năng, trách nhiệm để làm. Đưa hàng đến hộ dân, ai cũng trả tiền công nhưng anh em không lấy”.

Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội toàn huyện Nga Sơn theo Chỉ thị 16 CT-TTg, nhờ sự “cộng tác” đắc lực của trưởng thôn, thôn đội trưởng, đã góp phần giải quyết lượng rau màu đến kỳ thu hoạch của nông dân xã Nga Yên. Ông Phạm Bá Bốn, Chủ tịch UBND xã Nga Yên, cho biết. “Quan điểm của xã là bằng mọi cách phải tiêu thụ rau màu cho bà con. Chúng tôi phát động thành phong trào để chia sẻ với người sản xuất. Cán bộ, đảng viên là những người đăng ký ủng hộ đầu tiên, sau đó đến các hộ gia đình... Giao hàng trên địa bàn xã, chúng tôi chọn trưởng thôn, thôn đội trưởng, vì đây là những người đã tiêm 2 mũi vắc-xin COVID-19 và đã được test định kỳ”.

Cũng theo ông Phạm Bá Bốn, để “giải cứu” rau màu cho nông dân, xã gặp rất nhiều khó khăn. Vì thời điểm đó, một số địa phương cũng đang thực hiện giãn cách xã hội.

Cho đến ngày 10-9, sau nhiều cố gắng, nỗ lực, bằng nhiều hình thức từ “giải cứu” trong nội bộ xã, sau đó vận chuyển hàng tới một số xã trong huyện, Nga Yên cơ bản đã tiêu thụ xong rau màu cho nông dân. Tuy nhiên, theo ông Bốn, giá dưa vàng “thời COVID-19” chỉ bằng một nửa so với trước dịch.

Vùng giãn cách cung cấp hàng cho vùng giãn cách

Đến ngày 8-9, 10/12 thôn ở xã Phú Nhuận (Như Thanh) kết thúc thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Nằm trong vùng giãn cách, Phú Nhuận cũng gặp khó trong việc tiêu thụ nông sản, chủ yếu là rau màu. Ngoài cung cấp tại chỗ cho Nhân dân trong xã thì Phú Nhuận vẫn dư thừa một lượng rau, củ, quả. Ông Ngô Xuân Thân, Chủ tịch UBND xã Phú Nhuận, cho biết: “Sản lượng không còn nhiều, chỉ gần 1 tấn. Tuy nhiên, vì đã vào vụ thu hoạch nên vấn đề đặt ra là giải quyết cho bà con càng sớm càng tốt”. Trong khi đó, thị trấn Bến Sung đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg. Khó khăn với người dân ở đây là thiếu rau xanh, đặc biệt đối với các gia đình đang thực hiện cách ly.

Trước tình hình trên, UBND huyện Như Thanh đã giao cho Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp chịu trách nhiệm nắm bắt thông tin về các xã gặp khó trong việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. “Đợt dịch lần này, trên địa bàn huyện có khó khăn một chút về tiêu thụ ngô, rau cải và hoa thiên lý. Đối với xã Phú Nhuận, sản lượng cũng ít nên sẽ cung cấp cho toàn bộ thị trấn. Hàng ngày, hai cán bộ của trung tâm đi lấy danh sách người dân thị trấn đăng ký mua rau. Đồng thời, các hộ sản xuất ở Phú Nhuận sẽ đem sản phẩm đến các chốt. Từ các chốt, cán bộ nhận hàng và đi giao cho từng hộ ở thị trấn”, ông Vũ Hữu Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Như Thanh chia sẻ.

Trong vùng giãn cách, việc tiêu thụ nông sản đến kỳ thu hoạch được xem là “bài toán” khó. Ông Ngô Xuân Thân, Chủ tịch UBND xã Phú Nhuận trải lòng: "Để vùng thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg cung cấp rau màu cho vùng giãn cách theo Chỉ thị 15/CT-TTg, đó là nhờ sự linh hoạt của chính quyền và tinh thần trách nhiệm của cán bộ cơ sở ”.

Hoàng Việt Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]