(vhds.baothanhhoa.vn) - Sau 60 năm, kể từ ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23-10-1961 – 23-10-2021), biết bao con người, nhân chứng, bao câu chuyện đã khắc ghi một giai đoạn lịch sử, những chuyến đi biển của những con tàu Không số. Một con đường vận tải bí mật, bất ngờ, có ưu thế về thời gian, hiệu quả và khả năng vận chuyển sâu vào các chiến trường miền Nam.

Trung tá Lê Duy Mai kể chuyện trên tàu Không số

Sau 60 năm, kể từ ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23-10-1961 – 23-10-2021), biết bao con người, nhân chứng, bao câu chuyện đã khắc ghi một giai đoạn lịch sử, những chuyến đi biển của những con tàu Không số. Một con đường vận tải bí mật, bất ngờ, có ưu thế về thời gian, hiệu quả và khả năng vận chuyển sâu vào các chiến trường miền Nam.

Trung tá Lê Duy Mai kể chuyện trên tàu Không sốTrung tá Lê Duy Mai.

Trung tá Lê Duy Mai (tổ dân phố Hồng Phong, phường Hải Ninh, thị xã Nghi Sơn), nguyên là thợ máy tàu C235, Lữ đoàn 125, Đoàn tàu Không số xúc động nhớ lại tuổi trẻ của mình. Vừa tròn 20 tuổi, sau khi tốt nghiệp Khoa Cơ điện, Trường Trung cấp Hàng hải Việt Nam, năm 1963, ông được điều về Xí nghiệp Quốc doanh đánh cá Lạch Bạng, huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn). Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, khát vọng được cống hiến cho sự nghiệp giải phóng nước nhà, tháng 2-1964, ông nhập ngũ trở thành người lính hải quân và được biên chế về Lữ đoàn 125.

Để giữ bí mật cho đơn vị, từ khi nhập ngũ cho đến khi xuất ngũ không riêng gì ông, mà bất cứ ai tham gia Lữ đoàn 125 đều không được nhắc tên đơn vị trong bất cứ hoàn cảnh nào. Vì thế, năm 2011, nhân kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển, những câu chuyện vinh quang về con đường huyền thoại này mới hoàn toàn được công khai. Lúc ấy, mọi người trong gia đình mới biết ông đã từng tham gia Đoàn tàu Không số. Thiệt thòi không chỉ là sự giữ im lặng với người thân mà trong hồ sơ lý lịch của ông cũng không có dòng nào kê khai về giai đoạn này. Ông nghẹn ngào: “Sống và được trở về với gia đình là điều may mắn rồi. Bao đồng đội của tôi đã hy sinh nằm lại biển cả”.

Không lâu sau nhập ngũ, tháng 9-1964, ông Mai đi tàu 67 vào Bến Tre, rồi tiếp tục đi tàu 132 vào Trà Vinh. Riêng tàu C235, ông đi 2 chuyến. Chuyến đầu do tình hình địch ở bến, tàu khởi hành đã được 18 hải lý thì được lệnh quay lại. Chuyến thứ 2, đã diễn ra hơn 50 năm nhưng ông vẫn rành rõ nhớ từng chi tiết. Đó là đầu năm 1968, để tiếp tế vũ khí đạn dược cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, ông cùng đồng đội được lệnh lên đường vận chuyển vũ khí chi viện cho miền Nam. Để đưa được con tàu chở 16 tấn vũ khí vào bến Hòn Nèo (xã Ninh Vân, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) là cả một thách thức vô cùng khó khăn và táo bạo. Khó khăn không chỉ bởi quãng đường di chuyển mà còn bởi bến Hòn Nèo nằm ở khoảng giữa hai cụm núi trọc nhô ra biển, cô độc giữa đồng bằng, có nhiều đá ngầm, luồng hẹp nên rất khó cập bến, ngụy trang và bốc xếp. Tại đây, Mỹ, Ngụy đã xây dựng một quân cảng dành riêng cho quân Nam Triều Tiên đóng giữ.

Ông Mai kể: “18h30 phút ngày 6-2-1968, tàu C235 gồm 21 cán bộ, chiến sĩ do thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh và chính trị viên Nguyễn Tương rời cảng ở căn cứ A2 đi Hòn Nèo. 4 ngày lênh đênh trên biển, ngày 10-2, khi còn cách bờ 38 hải lý, tàu chúng tôi bị tàu chiến và máy bay địch bám theo. Mặc dù đã nghi binh đánh lừa nhưng quân địch vẫn bám theo. 12h ngày 11-2, tàu buộc phải quay về A3 (đóng tại Hải Khẩu, Trung Quốc), để sơn màu khác và thay biển số mới. Đêm 21-2 đoàn tàu tiếp tục rời bến. Đến ngày 29-2 tàu ở ngang vùng biển Nha Trang, 18 giờ, một máy bay trinh sát của địch bay ngang qua, chúng tôi vẫn tiếp tục hành trình theo tuyến đi và chuyển hướng vào bờ. Lúc 22h30 phút tàu cách bờ biển khoảng 19 hải lý. Phát hiện ra tàu của ta, địch tổ chức bao vây. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh ra lệnh anh em chúng tôi tắt hết đèn và tiếp tục hành trình vào bến. Cùng lúc, các tàu địch cũng tắt tất cả các loại đèn, lặng lẽ phục kích đợi tàu ta đi vào. Lợi dụng tình thế, anh Vinh chỉ huy tàu luồn lách qua đội hình địch và vào được bến phía xã Ninh Phước. Thuyền trưởng Phan Vinh ra lệnh đánh tín hiệu xin thả hàng. Trong tình thế cấp bách, khoảng 0h30 phút ngày 1-3 dù chưa gặp được người của ta, nhưng tàu vẫn quyết định thả các bao hàng xuống nước. Nếu không thả hàng thì khi tình huống nguy cấp, buộc phải nổ bộc phá tàu, toàn bộ 16 tấn hàng trên tàu cũng phát nổ và hư hỏng.

Khoảng 2h20 phút phát hiện tàu chúng tôi gần bờ, địch nổ súng bắn đạn cỡ lớn chặn phía trên bờ, dùng các loại súng nhỏ bắn thẳng vào tiêu diệt tàu, đồng thời cho máy bay và tàu chiến vây bắt. Sau một hồi chiến đấu, 5 đồng đội hy sinh và 7 người khác bị thương, trong đó có 2 người bị thương nặng. Dù bị thương ở đầu nhưng thuyền trưởng Phan Vinh vẫn bình tĩnh hô lớn: “Chúng ta sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Chuẩn bị phương án 2"- Đó là cảm tử, phá vòng vây, dùng tốc độ để vượt ra khơi. Nếu không thoát được chúng tôi sẽ cho tàu lao vào quân cảng của địch ở Nha Trang để nổ tàu phá cảng, hoặc lao thẳng vào tàu địch rồi cho nổ bộc phá, tiêu diệt tàu địch. Nhưng do sự cố, tàu chưa kịp quay mũi ra hướng biển thì thuyền trưởng Phan Vinh ra lệnh: “Nổ bộc phá, phá tàu”. Dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng Phan Vinh, ông Hà Minh Thật ở vị trí mũi tàu, Vũ Long An ở khoang giữa và tôi ở khoang cuối chuẩn bị các kíp nổ”.

Ông Mai còn nhớ rất rõ trong cuộc chiến đấu ấy, dẫu phá được tàu nhưng nhiều đồng đội đã hy sinh. 7 người còn sống sót dìu nhau vòng tránh địch lùng sục truy sát; không lương thực, không nước uống, đều kiệt sức. Suốt 13 ngày đêm chúng tôi phải chịu đói khát để tìm bến, tìm người. Trong những lần đi tìm nước uống, một lần đồng chí Thật không trở về, lần khác thì đồng chí Khung cũng không quay lại, rồi đến lượt thuyền phó Đoàn Văn Nhi cũng hy sinh... 4 người may mắn sống sót vì đã tìm được người của bến.

Câu chuyện gần 60 năm trước, nhưng với ông Mai chưa bao giờ và không bao giờ quên được. Gần đây nhất, năm 2019, tại Ninh Vân, ông đã gặp lại đồng đội của mình, cùng hồi tưởng về nhưng năm tháng cam go bên nhau.

Trung tá Lê Duy Mai kể chuyện trên tàu Không sốBức ảnh chụp cùng 4 đồng đội sống sót của tàu C235, được Trung tá Lê Duy Mai gìn giữ.

Ông Mai giới thiệu với chúng tôi bức ảnh chụp 5 người được treo trang trọng trong phòng khách: “Bức ảnh này được ghép từ hai bức ảnh. Bức thứ nhất là con tàu C235, còn ảnh thứ hai chụp 4 đồng đội và tôi sau khi thoát khỏi sự truy sát của địch trở về. Đây là các thủy thủ tàu C235 gồm: Nguyễn Văn Phong, Lê Duy Mai, Vũ Long An, Lâm Quang Tuyến, Hà Minh Thật.

Dù ở tuổi 78 nhưng Trung tá Lê Duy Mai vẫn giữ được vóc dáng săn chắc, khỏe mạnh của một thủy thủ từng vào sinh ra tử. Ông hiện là thành viên Ban Chấp hành Hội Đường Hồ Chí Minh trên biển Việt Nam tỉnh Thanh Hóa. Ông chia sẻ: “Đoàn tàu Không số, đường Hồ Chí Minh trên biển đã được lịch sử nhắc tới, nhưng còn có bao nhiêu con người đã hy sinh trên con đường này, họ gửi thân mình dưới biển khơi, nhưng họ chưa được nhắc đến. Và ngay cả những người ở bến nơi tàu vào, nhờ có họ chăm nuôi, chữa chạy vết thương và tổ chức cho chiến sĩ đi ra, nhưng chưa một lần được nhắc đến”.

Vừa nói vừa cố kìm dòng lệ đang chực lăn nơi khóe mắt, Trung tá Lê Duy Mai khẳng định: “Tất cả sự hy sinh vô bờ bến đó đã viết nên huyền thoại về Đoàn tàu Không số, xâu chuỗi, kết nối, làm nên con đường bất tử - đường Hồ Chí Minh trên biển - một thiên anh hùng ca trong lịch sử cách mạng vẻ vang của dân tộc Việt Nam".

Sự tự hào về những ngày tháng không sợ cái chết, sẵn sàng quên thân mình là động lực để ông Mai luôn sống hào sảng, sống thật tốt thay những đồng đội của mình.

Bài và ảnh: Kiều Huyền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]