(vhds.baothanhhoa.vn) - Hoằng Lộc là xã duy nhất vừa là làng, vừa là xã ở huyện Hoằng Hóa. Năm 2001, xã được công nhận là Làng văn hóa cấp tỉnh: Làng văn hóa Hoằng Bột. Và, cũng trong năm 2001, được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Làng có công với nước. Năm 2016, xã được đón nhận quyết định công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới (NTM), giai đoạn 2011-2016. Theo Quyết định số 5531/QĐ-UBND ngày 28-12-2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Hoằng Lộc được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2020. Mới đây, ngày 24-11-2021, Đoàn thẩm tra, đánh giá xã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu huyện Hoằng Hóa đã tổ chức hội nghị đánh giá các tiêu chí NTM kiểu mẫu đối với xã Hoằng Lộc.

Từ làng văn hóa Hoằng Bột đến xây dựng xã kiểu mẫu Hoằng Lộc

Hoằng Lộc là xã duy nhất vừa là làng, vừa là xã ở huyện Hoằng Hóa. Năm 2001, xã được công nhận là Làng văn hóa cấp tỉnh: Làng văn hóa Hoằng Bột. Và, cũng trong năm 2001, được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Làng có công với nước. Năm 2016, xã được đón nhận quyết định công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới (NTM), giai đoạn 2011-2016. Theo Quyết định số 5531/QĐ-UBND ngày 28-12-2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Hoằng Lộc được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2020. Mới đây, ngày 24-11-2021, Đoàn thẩm tra, đánh giá xã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu huyện Hoằng Hóa đã tổ chức hội nghị đánh giá các tiêu chí NTM kiểu mẫu đối với xã Hoằng Lộc.

Từ làng văn hóa Hoằng Bột đến xây dựng xã kiểu mẫu Hoằng LộcẢnh: Hà Hiếu

Tọa lạc ở phía Đông Nam huyện Hoằng Hóa, xã Hoằng Lộc là một trong những làng cổ của xứ Thanh: làng cổ Hoằng Bột. Làng được hình thành và phát triển từ thời kỳ Văn hóa Đông Sơn. Thời xưa, làng có tên là Kẻ Vụt. Đến thế kỷ thứ X, đổi tên thành Đường Bột trang. Thời Lê Sơ đổi thành Bột Đà trang, gồm 2 làng là Bột Thượng và Bột Hạ, về sau Bột Hạ được đổi tên thành Bột Thái. Tuy mỗi làng đều có tên riêng nhưng cùng thờ Thành hoàng làng là tướng Nguyễn Tuyên; phong tục, tập quán giống nhau; ranh giới hai làng có nhiều chỗ xen kẽ nhau, gần gũi nên người ta vẫn gọi chung là làng Bột hay Lưỡng Bột. Năm Minh Mệnh thứ 2 (1821), hai làng Bột Thượng và Bột Thái lại được sáp nhập thành xã Hoằng Đạo. Cuối thế kỷ XIX, xã Hoằng Đạo lại được tách thành hai xã Hoằng Nghĩa và xã Bột Hưng, thuộc tổng Hành Vỹ. Hai cái tên xã Hoằng Nghĩa và xã Bột Hưng tồn tại cho đến Cách mạng Tháng Tám 1945 rồi được sáp nhập cùng các xã Thịnh Hòa, Đoan Vỹ, Bình Yên thành xã Hưng Thịnh. Đúng vào ngày Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (6-1-1946), Hoằng Nghĩa và Bột Hưng được tách ra để thành lập xã Hoằng Bột. Tháng 4-1947, xã Hoằng Bột sáp nhập cùng các xã Bái Trung, Đại Bái lập thành xã Hoằng Lộc. Hoằng Bột chỉ còn là một thôn của xã Hoằng Lộc. Cuối năm 1953, xã lớn Hoằng Lộc được chia thành bốn xã: Hoằng Lộc, Hoằng Thành, Hoằng Trạch, Hoằng Đại. Và, làng Hoằng Bột vinh dự được mang tên là xã Hoằng Lộc ổn định đến nay. Trước kia xã có 24 xóm, sau sáp nhập lại thành 12 thôn, đến năm 2018 sáp nhập lại thành 7 thôn, gồm: thôn Đình Bảng, Đông Phú, Đông Tiến, Phúc Lộc, Tiến Thành, Thành Nam, Đồng Thịnh. Với 1.617 hộ, 5.265 nhân khẩu sinh sống và làm ăn trên tổng diện tích tự nhiên là 253,99 ha; số người trong độ tuổi lao động là 2.862 người, trong đó, số lao động có việc làm thường xuyên là 2.743 chiếm tỷ lệ 95,84%; trong đó, lao động trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ chiếm đa số.

Đảng bộ xã Hoằng Lộc hiện có 351 đảng viên, sinh hoạt ở 11 chi bộ. Xã có 3 trường học: Trường Mầm non Hoằng Lộc, Trường Tiểu học Lê Mạnh Trinh, Trường THCS Tố Như và 1 trạm y tế.

Từ xưa, làng Hoằng Bột nổi tiếng về truyền thống hiếu học và khoa bảng. Hình thế khu dân cư của làng vuông vức, nên nhiều người tưởng tượng mà nói làng giống một cái nghiên lớn và con đường từ làng Nguyệt Viên, xã Hoằng Quang, chạy xuống, tựa như một cái bút đang chấm vào nghiên mực. Văn bia ở Văn từ huyện Hoằng Hóa đã khắc họa địa thế và vị trí đắc địa của làng Hoằng Bột: "Hình thế có núi Phong Châu làm án, có dòng sông Mã uốn quanh, non sông đúc kết khí thiêng, sinh trưởng nhân tài anh tuấn... kẻ sĩ nhiều người đỗ đạt, danh tiếng lẫy lừng, đứng hàng đầu Châu Ái mà sánh chung cả nước”.

Nhờ có sự học mà Hoằng Bột được cả nước biết đến. Hơn 4 thế kỷ, kể từ năm có vị khai khoa là Nguyễn Nhân Lễ, đỗ Tiến sĩ khoa Tân Sửu, Hồng Đức thứ 12 (1481) đến khoa thi Nho học cuối cùng triều Khải Định (1919), làng có 12 vị được đề danh trên bảng vàng đại khoa, trong đó có 7 vị được khắc tên tại bia đá đặt tại Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội).

Từ 1945 đến nay, làng có 58 người có học vị tiến sĩ, trong đó có 22 vị hàm giáo sư và phó giáo sư, có 2 vị hàm cấp tướng, 30 vị hàm cấp đại tá, 6 nhà giáo ưu tú, 12 doanh nhân tiêu biểu, hàng trăm người có trình độ đại học và trên đại học trong các chuyên ngành.

Làng có 2 vị là lão thành cách mạng là cụ Lê Mạnh Trinh và cụ Lê Trọng Nghi; 2 vị là cán bộ tiền khởi nghĩa là cụ Nguyễn Quốc Bỉnh và cụ Nguyễn Cứ; 1 Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân - liệt sĩ Hoàng Văn Kỷ; 24 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và 214 liệt sĩ.

Làng có 10 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 3 di tích lịch sử quốc gia là: Cụm Di tích lịch sử - kiến trúc Bảng Môn Đình thờ Thành hoàng Nguyễn Tuyên, Di tích lịch sử đền thờ và lăng mộ Bảng nhãn, Thượng thư, Quận công Bùi Khắc Nhất, Di tích lịch sử nhà thờ Nguyễn Quỳnh (mẫu hình nhân vật Trạng Quỳnh).

Từ các vị tiền nhân đã khuất đến những người đang sống trên quê cha đất tổ và những người con của làng đang sống, làm việc trên khắp mọi miền đất nước và một số quốc gia trên thế giới, thế hệ sau kế tiếp thế hệ trước đã, đang xây dựng nên nét đặc sắc của văn hóa làng Hoằng Bột, luôn phát triển hướng tới cái mới, cái đẹp...

Ông Bùi Quang Sáng, Bí thư Đảng ủy xã, cho biết: Trong năm 2021, bên cạnh việc tiếp tục giữ vững các tiêu chí của xã NTM nâng cao, xã Hoằng Lộc đã tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí xã NTM kiểu mẫu.

Trong những ngày cận kề đón Xuân Nhâm Dần 2022, Đảng bộ và Nhân dân xã Hoằng Lộc đang chung sức, đồng lòng cùng toàn dân vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19, vừa chỉnh trang nhà cửa, đường làng, ngõ xóm cho xứng tầm với danh hiệu Làng văn hóa Hoằng Bột, Làng có công với nước, xã đạt tiêu chuẩn NTM và chuẩn bị cho đón mừng xã NTM kiểu mẫu, năm 2021.

Ghi chép của NGUYỄN HUY SÚC



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]