(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong khi nhiều làng nghề truyền thống đang phải đối mặt với nguy cơ mai một do không tìm được đầu ra cho sản phẩm thì nghề mộc Đạt Tài, xã Hoằng Hà (Hoằng Hóa) vẫn đứng vững và đem lại thu nhập cao cho người làm nghề.

Về làng mộc Đạt Tài nghe chuyện làm giàu từ nghề truyền thống

Trong khi nhiều làng nghề truyền thống đang phải đối mặt với nguy cơ mai một do không tìm được đầu ra cho sản phẩm thì nghề mộc Đạt Tài, xã Hoằng Hà (Hoằng Hóa) vẫn đứng vững và đem lại thu nhập cao cho người làm nghề.

Về làng mộc Đạt Tài nghe chuyện làm giàu từ nghề truyền thống

Anh Đặng Thế Thắng, thôn Đạt Tài 2, xã Hoằng Hà lập nghiệp thành công với nghề mộc truyền thống.

Giữ lửa làng nghề

Xứ Thanh có rất nhiều làng làm nghề mộc, song có lẽ nghề mộc Đạt Tài có truyền thống hơn cả. Những năm qua, từ làng mộc này luôn có những người thợ giỏi tay nghề, đi đến khắp các vùng miền trong và ngoài tỉnh để làm nhà, những công trình đình, chùa, miếu mạo...

Ông Đặng Thế Minh, thôn Đạt Tài 2, xã Hoằng Hà, năm nay đã ngoài 60 tuổi và là người có thâm niên hàng chục năm làm nhà gỗ cho biết: Ông theo học nghề mộc từ khi 16 tuổi. Học và theo nghề mộc, ngoài lòng yêu nghề cần phải tâm huyết. Nếu không hội tụ được 2 yếu tố trên, người thợ nhanh chóng bị đào thải. Khi theo các bậc cha, chú học nghề, ông thường xuyên bị đánh đòn vì các nét chạm trổ, đục, bào... không được như ý. Khắt khe là vậy nhưng vì ham nghề nên ông không nản chí mà gắng sức theo đuổi. Theo ông, việc làm nhà gỗ khó nhất là khâu thiết kế và dựng nhà. Bởi khi nhận làm nhà gỗ, người thợ phải biết thiết kế ngôi nhà như thế nào để hợp với túi tiền cho gia chủ nhưng vẫn đảm bảo được tính thẩm mỹ cao, mang hồn cốt của ngôi nhà cổ. Việc dựng nhà đòi hỏi người thợ phải tỉ mỉ và chính xác từng milimet. Còn đục, chạm... đã có mẫu sẵn. Tuy máy móc hiện đại đã dần thay thế các công cụ thủ công nhưng việc làm nhà gỗ, nhất là khi đục, chạm bức tranh tứ quý “tùng, cúc, trúc, mai”­­, hay chạm các linh vật... đòi hỏi người thợ phải làm bằng tay. Có như vậy, sản phẩm mới đạt độ tinh xảo và có hồn.

Thuộc thế hệ 8X với nhiều hoài bão và ước mơ, nhưng Đặng Thế Thắng, sinh năm 1989, chủ cơ sở mộc Thắng Thu ở thôn Đạt Tài 2 đã gác lại chuyện học hành, chuyên tâm gắn bó với nghề mộc từ rất sớm. Chia sẻ về sự lựa chọn con đường lập nghiệp, anh bộc bạch: “Sinh ra trong làng nghề và gia đình có nhiều đời làm nghề mộc nên khi còn là học sinh THCS, tôi đã tham gia học và làm nghề rồi. Học xong THPT, tôi có vào miền Nam tìm kiếm việc làm, nhưng nhớ nghề truyền thống và quyết định về quê lập nghiệp".

Theo anh Thắng, người làm mộc ngày nay phải “đa di năng”, vừa biết về nghề, vừa phải hiểu biết sâu rộng về phong tục tập quán, nét văn hóa của dân tộc qua các kiến trúc gỗ. Tuy nhiên, điều tâm đắc nhất của những người làm thợ mộc vẫn là việc cất dựng những ngôi nhà gỗ mang kiến trúc cổ. Dưới đôi bàn tay tài hoa và trí tưởng tượng bay bổng của người thợ, mỗi tác phẩm tạo dựng lên không chỉ có giá trị sử dụng mà còn có giá trị rất cao về văn hóa, thẩm mỹ. Đồng thời, chứa đựng tâm sức, tình yêu nghề mãnh liệt của mỗi người thợ. Tất cả các điêu khắc, chạm trổ trong ngôi nhà gỗ kiến trúc cổ đều chứa đựng các tích dân gian gắn với ước vọng ấm no, mưa thuận gió hòa, hạnh phúc, sum vầy cho gia chủ.

“Hữu xã tự nhiên hương”, tiếng lành đồn xa, từ khi về quê lập nghiệp năm 2017 đến nay, cơ sở mộc Thắng Thu của anh, mỗi năm nhận thi công từ 8 - 10 nhà cho khách, chủ yếu ở các huyện: Hậu Lộc, Hoằng Hóa và TP Thanh Hóa. Ngoài làm nhà gỗ, anh còn nhận làm nhà thờ, phục dựng đình, chùa và các di tích lịch sử văn hóa trong tỉnh.

Giàu lên từ nghề

Nói về hiệu quả của nghề mộc, ông Nguyễn Viết Thiêm, Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Hà, cho biết: Nghề mộc phát triển tại 3 thôn: Đạt Tài 1, Đạt Tài 2 và Hà Thái, thu hút 178 hộ tham gia. Ngoài giải quyết việc làm cho trên 300 lao động với mức thu nhập bình quân từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng, nghề mộc đem lại doanh thu ước đạt khoảng 73 tỷ đồng/năm, chiếm hơn 70% giá trị sản xuất của xã. Nghề mộc không chỉ giúp cho nhiều hộ gia đình có cuộc sống khá giả mà còn góp phần đưa mức thu nhập bình quân đầu người của xã lên 51 triệu đồng/người/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 1,26% vào cuối năm 2021.

Là một trong số những hộ khá giả nhờ nghề mộc, ông Đặng Thế Minh trải lòng: Làm nghề mộc vất vả nhưng anh cũng như người dân Hoằng Hà vẫn lựa chọn làm kế sinh nhai. Bởi nếu so với nhiều nghề khác như nghề nông, nghề mộc vẫn là nghề cho thu nhập cao hơn gấp nhiều lần. Một người thợ mộc, một ngày sẽ có thu nhập từ 250 - 350 nghìn đồng. Trong khi đó, nếu làm nghề nông thu nhập mỗi tháng không nổi vài trăm nghìn đồng. Chính vì thu nhập ổn định, lại không mất tiền đào tạo vì nghề mộc là nghề cha truyền con nối nên xu hướng của người dân Hoằng Hà và lớp trẻ hiện nay đã bắt đầu quan tâm, để ý chọn nghề mộc để lập thân, lập nghiệp. Anh Đặng Thế Thắng, chủ cơ sở Thắng Thu, cho rằng: Tuy mới lập nghiệp bằng nghề mộc từ 2017 đến nay nhưng với uy tín, chất lượng, cơ sở Thắng Thu của anh không chỉ tạo việc làm thường xuyên cho 8 - 10 lao động với ngày công từ 300 - 350 nghìn đồng/người/ngày, còn đem lại doanh thu cho gia đình hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Qua đi thời gian, qua đi những thăng trầm, nghề mộc Đạt Tài vẫn khẳng định được giá trị trường tồn của mình cho dù trong quá trình sản xuất, để bắt nhịp với cuộc sống hiện đại, người làm nghề đã đầu tư mua thêm máy móc để nâng cao năng suất lao động, song cái nền của giá trị truyền thống với những tiếng đục, tiếng cưa, tiếng bào... vẫn rộn rã mang đậm dấu ấn đặc trưng.

Bài và ảnh: Minh Xuyên


Bài và ảnh: Minh Xuyên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]