(vhds.baothanhhoa.vn) - Chuyến hồi hương bất đắc dĩ này cũng là dịp để người lao động có những hoạch định cụ thể hơn.

Việc làm cho người lao động trở về từ vùng dịch: Trên mảnh đất quê nhà

Chuyến hồi hương bất đắc dĩ này cũng là dịp để người lao động có những hoạch định cụ thể hơn.

Việc làm cho người lao động trở về từ vùng dịch: Trên mảnh đất quê nhàSau khi hoàn thành việc cách ly, chị Phạm Thị Huyền nộp hồ sơ và được đi làm tại Công ty TNHH Dream F ViNa.

Phía sau cuộc hành trình...

Ảnh hưởng dịch, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp bị ngưng trệ, các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, dẫn đến người lao động bị mất việc làm kéo dài, đời sống sinh hoạt không còn đảm bảo nên đã có những chuyến hồi hương... “bất đắc dĩ”.

Nếu so với 330.000 lao động đi làm việc ở tỉnh ngoài thì 185.700 người (với trên 6.500 trẻ em) đã trở về, là một con số không hề nhỏ (số liệu đến ngày 7-10-2021). Và chắc chắn không dừng lại ở đây, dự kiến số lao động người Thanh Hóa về quê sẽ ngày càng tăng.

“Về quê, rồi tính tiếp”. Đấy là câu nói mà chúng tôi được nghe nhiều nhất của những người lao động về từ vùng dịch.

Vậy nên, sau chuyến hồi hương này sẽ có những chuyến khứ hồi khi dịch đã tạm lắng xuống. Nhưng đây cũng là cơ hội để người lao động được làm việc ngay trên mảnh đất quê nhà.

Cuộc sống mới

Sau khi từ các tỉnh phía Nam trở về và hoàn thành xong việc cách ly, chị Phạm Thị Huyền ở thôn Quần Nham 1, xã Đồng Lợi (Triệu Sơn) đã nộp hồ sơ đi làm thợ may tại Công ty TNHH Dream F ViNa, đóng trên địa bàn xã. Sau gần 3 tháng làm việc ở đây, chị cho biết: “Tôi quyết định ở lại quê để bắt đầu cuộc sống mới. Trong Nam, mức lương của tôi từ 7-7,5 triệu đồng/tháng, nếu trừ tiền thuê nhà, xăng xe..., số tiền còn lại không nhiều. Về đây, mức lương cũng như vậy nhưng nhà không phải thuê, lại được gần gia đình, có điều kiện chăm sóc con cái tốt hơn...”.

Trước khi trở về quê nhà ở thôn Vạn Thành, xã Thăng Long (Nông Cống), anh Lê Văn Vỹ từng làm thợ xây ở Hà Nội với thu nhập dao động từ 15-17 triệu đồng/ tháng. Nhưng trong chuyến hồi hương này, anh cũng quyết định về quê lập nghiệp.

Với vốn vay giải quyết việc làm cho lao động về từ vùng dịch là 70 triệu đồng, anh Vỹ đã mua 50 cây cau giống và 50 cây mít Thái về trồng ngay trên vườn nhà. Anh nói: “Tôi cũng đã suy nghĩ rất nhiều khi đi đến quyết định này. Làm xa, thu nhập cao nhưng nếu ngồi tính toán lại thì điều kiện để phát triển kinh tế ở quê biết đâu sẽ tốt hơn. Tôi từng tốt nghiệp trung cấp nông nghiệp, đất nhà có gần 3.000m2. Trên diện tích này, cách đây 3 năm, tôi đã trồng keo và trồng thử 10 cây mít Thái. Vụ đầu tiên thu hoạch mít mới đây, tôi thấy có nhiều khả quan. Đấy cũng là một trong những lý do để tôi ở lại quê nhà. Dự định sang năm, tôi sẽ mở trang trại chăn nuôi lợn”.

Sự lựa chọn nào cũng có nguyên do, quan trọng là thấy phù hợp để đưa ra những quyết định đúng. Với chị Phạm Thị Vui, xã Yên Thọ (Như Thanh) chuyến hồi hương như một định mệnh. Chồng chị đã mất vì tai nạn giao thông khi đang trên đường trở về quê. Trong tâm tư, chị sẽ không thể có chuyến khứ hồi. “Nếu anh còn sống, khi dịch tạm lắng xuống, có thể chúng tôi sẽ tiếp tục vào Nam. Nhưng giờ còn một mình, tôi sẽ ở lại quê trông cháu, làm ruộng...”. Chị Vui nghẹn ngào.

Chuyến hồi hương bất đắc dĩ này cũng là dịp để người lao động có những hoạch định cụ thể hơn. Cũng dễ hiểu, khi qua những đợt rà soát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động, vẫn còn nhiều người quan điểm chưa rõ ràng, vì họ cũng chưa có sự lựa chọn dứt khoát, nhất là khi dịch vẫn còn diễn biến phức tạp...

Ở lại hay tiếp tục đi, đó là sự trăn trở, lo lắng cho ngày mai, vì miếng cơm, manh áo... Thực tế, đã có những sự trở về mà ở đó cuộc sống mới bắt đầu ngay trên mảnh đất quê nhà, để ly nông bất ly hương...

Bài và ảnh: Vi An



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]