(vhds.baothanhhoa.vn) - Đến hẹn lại lên, mỗi khi mùa mưa bão về, người dân sinh sống ở vùng “rốn lũ” của huyện Thạch Thành lại nơm nớp nỗi lo ngập lụt. Nước lũ dâng cao, không chỉ cuộc sống, sinh hoạt bị đảo lộn mà việc đi học của con em, đi làm của người dân gặp không ít khó khăn, phiền toái.

Vơi bớt nỗi lo ngập lụt nơi “rốn lũ” Thạch Thành

Đến hẹn lại lên, mỗi khi mùa mưa bão về, người dân sinh sống ở vùng “rốn lũ” của huyện Thạch Thành lại nơm nớp nỗi lo ngập lụt. Nước lũ dâng cao, không chỉ cuộc sống, sinh hoạt bị đảo lộn mà việc đi học của con em, đi làm của người dân gặp không ít khó khăn, phiền toái.

Vơi bớt nỗi lo ngập lụt nơi “rốn lũ” Thạch ThànhNgười dân vùng “rốn lũ” xã Thạch Định (Thạch Thành) chuẩn bị thuyền mủng làm phương tiện di chuyển phòng ngập lụt.

Thạch Thành hiện có 37,258 km đê, dòng sông Bưởi chảy qua, chia tách huyện thành 2 khu vực: khu vực bên Thạch và bên Thành. Nếu mưa to ở thượng nguồn kết hợp với mưa to tại chỗ dẫn đến ngập ứ. Theo thống kê, năm 2007 do mực nước sông Bưởi dâng quá cao đã làm vỡ 14 đoạn đê tả sông Bưởi, gây ngập lụt nghiêm trọng 22/28 xã, thị trấn. Năm 2017, áp thấp nhiệt đới gây mưa to và lũ lớn trên sông Bưởi trên mức báo động III, cao hơn đỉnh lũ lịch sử năm 2007 là 0.39m, làm ngập lụt toàn bộ xã Thạch Định và 165 thôn, gây ngập úng các tuyến đường trọng điểm của huyện, chia cắt cục bộ các khu dân cư, sạt lở nhiều công trình, làm ngập nhiều nhà dân, nhiều diện tích lúa, hoa màu bị mất trắng. Năm 2018, mực nước sông Bưởi lên cao, gây tràn 3km đê bao xã Thạch Định, gây ngập úng nhiều nhà cửa, công trình, đường giao thông, nhiều diện tích cây trồng bị thiệt hại. Trong năm 2017, sau trận lũ lịch sử, huyện Thạch Thành đã tiến hành tu sửa khẩn cấp hệ thống đê bao Thạch Định bị hư hỏng do lũ và tiến hành xây dựng kè chống sạt lở bờ sông tại các vị trí xung yếu để đảm bảo an toàn đê điều trong mùa mưa lũ các năm tiếp theo.

Ông Trương Công Bình, Bí thư kiêm trưởng thôn Định Hưng (xã Thạch Định) cho biết: Thôn hiện có 159 hộ với 602 khẩu, do phần lớn sinh sống gần khu vực đê sông Bưởi, nguy cơ ngập lụt thường trực, nên nỗi lo càng lớn dần hơn mỗi khi bà con nghe tin đài báo mưa bão. Trong ký ức của người dân nơi đây chắc hẳn không bao giờ quên về trận lũ lịch sử ở các năm 2007, 2017 khiến toàn bộ hoa màu, tài sản, vật nuôi bị nhấn chìm trong biển nước. Từ người già đến trẻ nhỏ lo sợ vỡ đê, sợ không có nơi trú ẩn, sợ rồi qua cơn lũ sẽ lấy gì ăn, lấy gì để đến trường... Là vùng phân lũ, chậm lũ của huyện, có dòng sông Bưởi bao quanh chiếm 3/4 chiều dài của xã, hàng năm cứ đến mùa mưa bão, áp thấp nhiệt đới gây mưa, người dân lại tất bật, chủ động các phương án đối phó, nhằm hạn chế rủi ro thiên tai gây ra. Ở thôn Định Hưng nói riêng và các thôn khác của xã Thạch Định nói chung, gia đình nào cũng chuẩn bị một chiếc thuyền mủng, phao cứu hộ, thùng phuy... đề phòng khi nước lũ dâng cao, có phương tiện di chuyển. Mấy năm nay, một số hộ khi làm nhà, họ thường xây móng cao, rồi làm thêm gác mái để tránh lũ.

Vơi bớt nỗi lo ngập lụt nơi “rốn lũ” Thạch ThànhĐiểm sạt lở sông Bưởi tại thôn Vọng Thủy, xã Thành Trực (Thạch Thành) được chính quyền cắm biển cảnh báo nguy hiểm.

Được biết, đợt tháng 9 vừa qua, tại các thôn Thạch An, Tiến Thành và Định Hưng (Thạch Định) nhiều vị trí thuộc tuyến bờ sông Bưởi bị sạt lở với tốc độ rất nhanh và có diễn biến hết sức phức tạp, vùng sạt lở ngày càng mở rộng, đe dọa trực tiếp đến khu vực dân cư sinh sống ngoài bãi sông và tuyến đê bao Thạch Định thuộc các thôn Thạch An, Tiến Thành và Định Hưng cùng nhiều hộ dân khu vực lân cận. Tại xã Thành Trực, khu vực bờ tả sông Bưởi đoạn qua thôn Vọng Thủy với chiều dài khoảng 1.400m xuất hiện nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng giáp với khu vực dân cư sinh sống, nhà bia tưởng niệm liệt sĩ, nhà văn hóa xã, cục bộ có vị trí mép sạt sát nhà dân. Đối với các khu vực sạt lở, huyện cũng đã rà soát tiến hành cắm mốc, biển cảnh báo nguy hiểm trong phạm vi sạt lở và thông tin, tuyên truyền cho các hộ dân, đơn vị trong khu vực biết để chủ động phòng tránh.

Anh Bùi Văn Đồng (thôn Đa Đụn, xã Thành Trực) cho biết: Trận lũ lịch sử năm 2007, ngôi nhà của gia đình ngập đến ngang ngực, sau đó vợ chồng anh tiết kiệm, dành dụm và vay mượn thêm ít tiền, đến năm 2013 xây dựng nhà mới trên nền nhà cũ, rồi anh cho nâng cao nền, móng, đồng thời xây thêm một gác mái đề phòng lũ lớn làm nơi tránh trú cho cả nhà. Khi có mưa lớn kéo dài, nguy cơ cao có lũ, gia đình sẽ di chuyển vật nuôi đến nơi có địa hình cao ráo để gửi lương thực, nhu yếu phẩm, còn tài sản khác được đưa lên cao đảm bảo an toàn...

Theo ông Trần Bá Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thành: Toàn huyện có 962 hộ với 3.334 khẩu sinh sống ở bãi sông trên các tuyến sông có đê cấp IV cần phải sơ tán khi có lũ lớn từ mức báo động II - trên mức báo động III; 1.552 hộ dân sinh sống khu vực ven sông không có đê tiềm ẩn nguy cơ bị ngập lụt cần phải sơ tán khi có lũ lớn; 1.013 hộ sinh sống ở vùng trũng thấp, có nguy cơ ngập lụt khi có mưa lớn xảy ra cần phải sơ tán; 456 hộ dân với 1.879 nhân khẩu sinh sống tại các vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét; 276 hộ dân với 1.342 nhân khẩu sinh sống tại các vùng có nguy cơ xảy ra sạt lở đất. Do thường xuyên phải hứng chịu những trận mưa lớn do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, hoàn lưu bão gây ngập lụt tại một số địa phương, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sản xuất của người dân. Hàng năm, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện xây dựng kế hoạch chủ động ứng phó trong mùa mưa bão. Chỉ đạo các xã, thị trấn chủ động rà soát những điểm xung yếu, có nguy cơ sạt lở, bị ngập úng, lũ quét để xây dựng phương án bảo vệ, di dời dân, tài sản, gia súc ra khỏi vùng nguy hiểm khi cần thiết. Tùy theo diễn biến thời tiết, các địa phương chủ động phương án “4 tại chỗ”, mục tiêu là đảm bảo an toàn tối đa cho người dân...

Bài và ảnh: Trung Lê



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]