(vhds.baothanhhoa.vn) - Quyết định 861/QĐ-TTg ra đời với mục đích hoạch định, tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), nâng cao đời sống, bảo đảm an sinh xã hội cho địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) khu vực khó khăn nhằm từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận, quyết định này đang có tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân. Xoay quanh vấn đề này, PV Báo Thanh Hóa Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với các ông: Nguyễn Văn Dĩnh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT); Vũ Nguyên Hiệp, Phó Giám đốc BHXH tỉnh; Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh.

Xã ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn - Khó vẫn còn khó: Chờ đợi và kỳ vọng…

Quyết định 861/QĐ-TTg ra đời với mục đích hoạch định, tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), nâng cao đời sống, bảo đảm an sinh xã hội cho địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) khu vực khó khăn nhằm từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận, quyết định này đang có tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân. Xoay quanh vấn đề này, PV Báo Thanh Hóa Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với các ông: Nguyễn Văn Dĩnh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT); Vũ Nguyên Hiệp, Phó Giám đốc BHXH tỉnh; Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh.

Xã ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn - Khó vẫn còn khó: Chờ đợi và kỳ vọng…

Ông Nguyễn Văn Dĩnh: Cố gắng vượt khó, động viên học sinh đi học đầy đủ…

PV: Không thuộc diện đặc biệt khó khăn (ĐBKK), rất nhiều học sinh ở các trường phổ thông dân tộc bán trú không còn được hưởng một số chính sách giáo dục, đặc biệt các em bị cắt chế độ bán trú. Đây đang được xem là vấn đề hết sức nan giải đối với các địa phương. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?.

Ông Nguyễn Văn Dĩnh: Thực tế, Quyết định 861/QĐ-TTg ra đời đã và đang ảnh hưởng đến chế độ ăn bán trú của học sinh. Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với Sở GD&ĐT cũng đã rà soát lại để báo cáo với tỉnh, xem trong số những học sinh không còn được hưởng chế độ, em nào gặp nhiều khó khăn để thực hiện hỗ trợ chế độ bán trú, hỗ trợ thôi chứ không thể như Nghị định 116 trước đây, tránh việc học sinh bỏ học vì không đủ điều kiện đóng tiền bán trú. Ban Dân tộc tỉnh cũng đã phối hợp với các ban, ngành trình UBND tỉnh đề án "Hỗ trợ các xã ĐBKK vùng đồng bào DTTS&MN (giai đoạn 2016-2020), không thuộc diện ĐBKK, giai đoạn (2021-2025), phát triển KT-XH, giảm nghèo bền vững”. Trong thời gian chờ đợi, các phòng giáo dục, các nhà trường cố gắng vượt khó, động viên học sinh đi học đầy đủ…

Ông Vũ Nguyên Hiệp: Cần phải bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực để hỗ trợ thêm mức đóng BHYT

Xã ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn - Khó vẫn còn khó: Chờ đợi và kỳ vọng…

PV: Thẻ BHYT được coi là vật bất ly thân đối với mỗi công dân khi đi khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, đối với các xã ra khỏi vùng ĐBKK vùng DTTS&MN, người dân sẽ không còn được hưởng chính sách hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT. Đây là vấn đề hết sức khó khăn đối với các huyện miền núi. Vấn đề này sẽ được gỡ khó như thế nào, thưa ông?.

Ông Vũ Nguyên Hiệp: Điều này đã tác động không nhỏ đến đời sống của người dân, nhất là đồng bào DTTS trong công tác khám, chữa bệnh. Do hoàn cảnh khó khăn nên họ không thể tiếp tục tham gia BHYT, dẫn đến tỷ lệ tham gia BHYT trên địa bàn các xã ra khỏi vùng ĐBKK giảm nhiều, ảnh hưởng đến tỷ lệ bao phủ BHYT cũng như công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh nói chung, các huyện thuộc khu vực miền núi nói riêng. Nếu trước năm 2021 tỷ lệ người dân tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh là trên 90%, sau khi Quyết định 861/QĐ-TTg ra đời, đã giảm 8,2%.

Xuất phát từ tình hình thực tế, sau khi rà soát các nhóm đối tượng tham gia BHYT, BHXH tỉnh đã chủ động kiến nghị và thực hiện một số giải pháp nhằm tăng tỷ lệ bao phủ BHYT, đảm bảo quyền lợi khám, chữa bệnh của người dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn, hoàn thành chỉ tiêu bao phủ BHYT được giao.

Theo đó, đã đề nghị Ban Dân tộc báo cáo UBND tỉnh và Hội đồng Dân tộc của Quốc hội kiến nghị Chính phủ xem xét, tiếp tục hỗ trợ kinh phí tham gia BHYT cho những người không được ngân sách Nhà nước đóng BHYT do bị tác động, ảnh hưởng của Quyết định 861/QĐ-TTg; đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, trình HĐND tỉnh bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực để hỗ trợ thêm mức đóng BHYT ngoài mức hỗ trợ đóng từ ngân sách Trung ương cho một số nhóm đối tượng.

Trên cơ sở đề nghị của UBND tỉnh, ngày 27-8-2022, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 304/2022/NQ-HĐND quy định mức hỗ trợ đóng BHYT cho đối tượng thuộc hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa quý 4-2022.

Thời gian tới, BHXH tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giải thích đến các hộ gia đình và người dân chịu tác động trực tiếp của điều chỉnh chính sách. Bên cạnh đó, huy động các nguồn lực nhằm hỗ trợ thêm kinh phí cho người DTTS, người sinh sống tại vùng có điều kiện KT-XH khó khăn, đặc biệt khó khăn thuộc hộ gia đình cận nghèo, người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp... Qua đó, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra; hoàn thành chỉ tiêu bao phủ BHYT trong kế hoạch phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Ông Nguyễn Ngọc Thanh: Bảo đảm nguồn vốn tín dụng chính sách tiếp tục tăng trưởng, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân

Xã ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn - Khó vẫn còn khó: Chờ đợi và kỳ vọng…

PV: Nguồn vốn từ chương trình hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn đã đem lại hiệu quả thiết thực, giúp các hộ không phải là hộ nghèo phát triển sản xuất, vươn lên trong cuộc sống. Ông có thể chia sẻ thêm về ý nghĩa từ chương trình này?.

Ông Nguyễn Ngọc Thanh: Thực hiện chính sách cho vay đối với hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn và thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn, trong giai đoạn 2007-2022 đã cho vay hơn 174.200 lượt khách hàng với số tiền hơn 4.623 tỷ đồng. Tổng dư nợ đến ngày 15-9-2022 đạt gần 1.194 tỷ đồng, với 27.760 khách hàng. Dư nợ bình quân 43 triệu đồng/khách hàng.

Nguồn vốn từ chương trình này đã giúp các hộ phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế đồng đều giữa các vùng, miền trên địa bàn tỉnh góp phần rất lớn trong thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

PV: Sau khi ra khỏi vùng ĐBKK, những hộ vay vốn sản xuất trước đó sẽ không còn được thụ hưởng các chính sách tín dụng. Trong khi đó, nhu cầu vay vốn của người dân vẫn còn rất lớn để tiếp tục đầu tư kinh doanh, sản xuất. Giải pháp cho vấn đề này như thế nào, thưa ông?.

Ông Nguyễn Ngọc Thanh: Trước hết, phải tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo phát sinh hàng tháng để làm căn cứ cho vay. Đồng thời quan tâm bổ sung, điều chỉnh nguồn vốn từ chương trình cho vay hộ sản xuất kinh doanh và thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn không còn thuộc diện được cho vay để chuyển sang các chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn theo quy định hiện hành, đảm bảo nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn xã tiếp tục tăng trưởng.

Ngoài ra, tích cực chủ động tham mưu cho HĐND, UBND cấp tỉnh, cấp huyện bổ sung nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương, chuyển sang ngân hàng chính sách xã hội để cho vay chương trình giải quyết việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân.

Bài và ảnh: Việt Hoàng


Bài và ảnh: Việt Hoàng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]