(vhds.baothanhhoa.vn) - Tại Quyết định 861 ngày 4-6-2021 của Thủ tướng Chính phủ “Về phê duyệt danh sách xã khu vực III, II, I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025” (sau đây gọi tắt là Quyết định 861), Thanh Hóa có 79 xã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, là địa phương có nhiều xã nhất trong cả nước bị tác động, ảnh hưởng từ quyết định này. Theo đó, thôn, xã từ khu vực III, II chuyển sang khu vực I đồng nghĩa với việc người dân không còn được hưởng một số chính sách an sinh xã hội. Đây được xem là thách thức lớn với người dân.

Xã ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn - Khó vẫn còn khó: Khi chính sách khép lại

Tại Quyết định 861 ngày 4-6-2021 của Thủ tướng Chính phủ “Về phê duyệt danh sách xã khu vực III, II, I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025” (sau đây gọi tắt là Quyết định 861), Thanh Hóa có 79 xã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, là địa phương có nhiều xã nhất trong cả nước bị tác động, ảnh hưởng từ quyết định này. Theo đó, thôn, xã từ khu vực III, II chuyển sang khu vực I đồng nghĩa với việc người dân không còn được hưởng một số chính sách an sinh xã hội. Đây được xem là thách thức lớn với người dân.

Xã ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn - Khó vẫn còn khó: Khi chính sách khép lại

Dù ốm đã vài ngày nhưng do chưa có tiền mua thẻ BHYT nên bà Ngân Thị Mai (giữa) chỉ biết nằm ở nhà.

Không còn được ưu đãi một số chính sách về tín dụng, bảo hiểm y tế (BHYT)…, nhiều người dân thuộc khu vực I vùng dân tộc thiểu số và miền núi đang đứng trước nhiều khó khăn dù đã bước qua vùng khó...

Nguyện vọng được tiếp tục vay vốn để phát triển kinh tế

Hoang mang, lo lắng là tâm trạng của nhiều người dân đã từng được vay vốn từ chương trình hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, bởi khi Quyết định 861 có hiệu lực thì họ không còn được tiếp cận với nguồn vốn vay này. Năm 2019, chị Hà Thị Lan ở thôn Đồng Tâm, xã Phú Nghiêm (Quan Hóa) được vay 50 triệu đồng để chăn nuôi bò sinh sản và năm 2023 đến hạn trả nợ. Theo chia sẻ của chị, nợ thì sẽ trả được hết nhưng sẽ không còn tiền để tiếp tục đầu tư chăn nuôi. Chị Lan cho biết: “Nếu theo quy định xã lên vùng I không còn được hưởng gói chính sách ưu đãi như trước đây thì rất khó cho gia đình bởi chúng tôi vẫn có nguyện vọng được vay tiếp để phát triển kinh tế...”.

Từ chương trình hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, anh Lê Đức Mạnh ở thôn Rẻ, xã Vân Am (Ngọc Lặc) cũng đã vay 30 triệu đồng để trồng keo. Tháng 10-2023 đến hạn trả nợ. Khi xã Vân Am sang vùng I, cũng như nhiều hộ dân trong thôn đang vay vốn từ chương trình này, anh Mạnh không tránh khỏi lo lắng. Anh nói: “Chúng tôi vẫn đang trông chờ, hy vọng để sau khi trả hết tiền đã vay thì vẫn có cơ hội được vay lại để phát triển sản xuất”.

Đứng trước khó khăn này, nhiều địa phương đã đưa ra một số giải pháp để tháo gỡ cho người dân. Tại huyện Ngọc Lặc, hiện nay dư nợ từ chương trình hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn là 95,957 tỷ đồng với 2.495 hộ vay. Ông Hồ Minh Hoàn, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Ngọc Lặc cho biết: “Đối với các hộ đến hạn trả nợ, thứ nhất, ngân hàng sẽ kiểm tra thực tế, nếu bà con đang phát huy sử dụng vốn hiệu quả, chúng tôi sẽ xem xét gia hạn nợ, sau đó trả nợ phân kỳ dần. Thứ hai, xin bổ sung thêm nguồn vốn giải quyết việc làm để bà con được tiếp cận nguồn vốn này. Tất nhiên, nguồn vốn hạn hẹp nên hiện mới chỉ đáp ứng được khoảng 25% số hộ”. Theo ông Lê Phan Quân, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Quan Hóa: "Các hộ dân vẫn có nhu cầu được vay lại nhưng chưa có giải pháp tín dụng khác thay thế. Thực tế đã sử dụng nguồn vốn giải quyết việc làm để giúp người dân tiếp tục được vay vốn sản xuất nhưng nguồn vốn này rất ít. Muốn nguồn vốn ổn định dài lâu, huyện cũng đang tìm chính sách tín dụng khác thay thế”.

Khoảng trống về bảo hiểm y tế

Ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK), bên cạnh không còn được thụ hưởng gói chính sách tín dụng ưu đãi thì BHYT cũng là vấn đề đặt ra. Theo đó, người dân sẽ không còn được Nhà nước hỗ trợ tiền mua thẻ BHYT. Đây là vấn đề rất khó với nhiều địa phương.

Xã Trí Nang (Lang Chánh), đến tháng 9-2022, tỷ lệ tham gia BHYT của người dân tại đây mới chỉ đạt 63%. Xã lên vùng I, chiếc thẻ BHYT bỗng trở thành câu chuyện khó cho địa phương này. Chia sẻ của bà Trịnh Thị Ngọc, cán bộ chính sách xã Trí Nang: “Chưa bao giờ mà khó như thế. Chúng tôi đến từng nhà người dân vận động nhưng nhận lại vẫn là sự từ chối tham gia. Từ ngày 1-10, tỉnh sẽ hỗ trợ thêm 20% cho hộ cận nghèo, nâng mức giảm lên đến 90% nhưng dù đã tuyên truyền nhiều lần, vẫn còn một số hộ không đăng ký mua thẻ”.

Xã ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn - Khó vẫn còn khó: Khi chính sách khép lại

Hộ gia đình chị Hà Thị Lan vẫn muốn tiếp tục vay vốn để phát triển chăn nuôi.

Theo chân người cán bộ này, chúng tôi đến gia đình bà Ngân Thị Mai ở thôn Giàng Vìn. Bà Mai bị ốm đã mấy ngày hôm nay. Khách đến, bà gượng ngồi dậy trò chuyện. Gia đình bà Mai thuộc hộ cận nghèo và có 6 người, trong đó duy nhất có chồng bà là cựu chiến binh được cấp thẻ BHYT, 5 người còn lại trong gia đình bà đến nay vẫn chưa ai có thẻ BHYT. Bà nói: “Như mọi khi ốm là tôi đi viện rồi vì có thẻ BHYT miễn phí nhưng từ đầu năm nay là phải mua thẻ mà gia đình không có tiền, giờ ốm thì con dâu mua thuốc về uống tạm thôi”.

Đến hết năm 2021, sau khi không còn sự hỗ trợ của Nhà nước về mua thẻ BHYT thì đầu năm 2022, tỷ lệ BHYT ở các huyện giảm mạnh. Ông Vũ Cao Cường, Giám đốc BHXH huyện Lang Chánh thông tin: “Đầu năm 2022, với 7 xã ra khỏi diện ĐBKK kéo theo đó là giảm 14.000 người không tham gia BHYT. Tính đến tháng 9-2022, tỷ lệ bao phủ BHYT của huyện mới đạt 76,9%, giảm 19,1% so với năm 2021, trong khi đó tỷ lệ tỉnh giao là 90%. Một con số rất khó thực hiện”.

Tại huyện Quan Hóa cũng với 7 xã ra khỏi diện ĐBKK thì đồng thời giảm gần 10.000 người không tham gia BHYT. Theo đó, kéo tỷ lệ BHYT toàn huyện từ 98% xuống còn 80% vào đầu năm 2022 và đến nay đạt 86%. Theo ông Nguyễn Mậu Nhã, Giám đốc BHXH huyện Quan Hóa thì: “Tỉnh giao cho huyện đạt 95% trong năm 2022. Và khi Nghị quyết 304 của HĐND tỉnh được ban hành về hỗ trợ thêm 20% kinh phí mua thẻ cho hộ cận nghèo thì đã tăng thêm khoảng 2.500 thẻ, nhưng với con số này, huyện Quan Hóa cũng chỉ đạt khoảng 90%, để đạt 95% là rất khó”.

Ra khỏi vùng ĐBKK, lên vùng I, vẫn còn đó những khoảng trống với nhiều địa phương. Bước qua vùng khó nhưng chưa hết khó…

Bài và ảnh: Anh Hoàng


Bài và ảnh: Anh Hoàng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]