(vhds.baothanhhoa.vn) - Không xăng, không gương chiếu hậu..., xe đạp “hồn nhiên” xuống phố. Mỏng manh, bé nhỏ giữa lòng đô thị nhưng nếu thiếu đi sự giản đơn, mộc mạc ấy, đường phố chắc chắn sẽ nhạt sắc màu.

Xe đạp giữa lòng đô thị

Không xăng, không gương chiếu hậu..., xe đạp “hồn nhiên” xuống phố. Mỏng manh, bé nhỏ giữa lòng đô thị nhưng nếu thiếu đi sự giản đơn, mộc mạc ấy, đường phố chắc chắn sẽ nhạt sắc màu.

Xe đạp giữa lòng đô thịChiếc xe đạp thồ chở mía của chị Nguyễn Thị Loan rong ruổi trên những tuyến đường ở TP Thanh Hóa

Bánh xe mưu sinh

Bắt đầu bằng tiếng rao trong nội thành, không phải là tiếng loa của âm thanh ghi sẵn, đấy là tiếng nói thực của bà mua đồng nát: “Ai sắt vụn, nhôm đồng, giấy lộn bán đi...”, tiếp đến là của chị hàng chè: “Ai bánh nhè, chè khoai, chè hoa cau nào...”. Với cá nhân tôi, đấy là tiếng âm thanh đường phố dễ chịu và ấn tượng nhất. Không bởi chỉ giọng nói mà còn vì phương tiện họ đi, đó chính là chiếc xe đạp.

Thực tế, với những người bán hàng rong, chiếc xe đạp của họ có rất nhiều loại, trong đó chủ yếu xe nữ Thống Nhất trước đây hoặc xe mini tàu. Đặc biệt với những người bán hoa quả, độc đáo hơn có chị đi trên chiếc xe đạp Thống Nhất nam. Bởi lẽ, loại xe đạp này có khung tạo điểm tựa để có thể vừa đi, vừa đẩy. Thậm chí, có chị, tự chế thêm một thanh gỗ để làm khung trên chiếc xe đạp nữ.

Nơi đô thị, vẫn những chuyến hàng rong, vẫn vòng quay bánh xe đạp như thế, mỗi ngày. Người bán hàng, mua hàng đến từ nhiều nơi. Nếu từ huyện, khi về thành phố bán hàng, trưa họ sẽ ghé lại quán cơm bình dân và thường nghỉ lại trên vỉa hè nào đấy. Nói là nghỉ nhưng thực tế họ vẫn đứng để bán hàng (chủ yếu những người bán hoa quả) hoặc cũng có người tiếp tục chở hàng vào từng xóm, ngõ để bán... Nguyễn Thị Loan, quê huyện Đông Sơn, là một người bán mía trên các tuyến đường ở TP Thanh Hóa cho biết, chiếc xe đạp Thống Nhất mà chị đang sử dụng có thể chở được vài tạ hàng. Chị khoe: “Hơn 10 năm rồi đấy, nó vẫn rất bền và khỏe, ít khi hỏng lắm. Bán hàng rong trong thành phố đi xe đạp mới bán được nhiều, chậm nhưng chắc”.

Tôi bỗng nhớ đến người bán báo dạo năm nào ở TP Thanh Hóa, một người khuyết tật, thời học sinh chúng tôi vẫn gọi chú lùn. Trên chiếc xe đạp mini, chú lùn đi bán báo. Xe không có loa, chú cũng không rao bán, dường như tất cả chỉ là sự im lặng, nếu như không để ý kỹ đến những tờ báo được xếp trong rọ xe của chú. Thời điểm bấy giờ, chú lùn rất đắt khách. Viết đến đây, tôi bỗng thẫn thờ. Đã lâu, không còn thấy chú trên đường phố, người bán báo dạo trên chiếc xe mini năm nào...

Vòng quay sống chậm

Trong guồng quay cuộc sống hiện đại, ô tô, xe máy ngày càng nhiều nhưng xe đạp không vì thế mà không có chỗ đứng. Ở các vùng quê, xe đạp có thể nhiều hơn thành thị, là phương tiện để các bà, các mẹ đi chợ, chở con, cháu đến trường...Thành phố cũng vậy. Trong ký ức của tôi, hơn 30 năm về trước, mẹ tôi đi làm bằng chiếc xe đạp nữ Thống Nhất. Ngày đó, cuộc sống còn khó khăn, phần lớn người trong cơ quan mẹ chủ yếu đi làm bằng xe đạp. Quãng đường từ nhà đến nơi làm việc của mẹ dài hơn 3 cây số. Sau này, cơ quan chuyển đến địa điểm mới, quãng đường dài gấp đôi, mẹ vẫn đi xe đạp. Chiếc xe đạp ấy, mẹ vẫn đón, đưa tôi đi học, mỗi ngày. Sau này, mẹ lại làm “xe ôm” chở cháu nội, cháu ngoại đi học, chỉ khác chiếc xe đạp Thống Nhất đã được thay bằng xe mini Nhật bãi. Và không chỉ có mẹ, trong khu phố, phần lớn các bà, các ông, ai cũng có một chiếc xe đạp để không chỉ “phục vụ” cháu mà còn như cách nói của mẹ tôi, là để “vèo” một phát ra chợ cho nhanh hoặc làm vài “cuốc” quanh hồ Đồng Chiệc rèn luyện sức khỏe...

Hồ Đồng Chiệc là địa điểm được người dân, đặc biệt những công dân cư trú trên địa bàn phường Phú Sơn (TP Thanh Hóa) rất ưa thích. Chả thế mà cũng tại không gian này, nhiều người có điều kiện đã dừng chân với những hình ảnh rất độc đáo. Họ đi đến hồ bằng xe ô tô hàng trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng. Nhưng trên xe họ lại chở xe đạp để bắt đầu với cuộc hành trình, bỏ ô tô ở lại, đi xe đạp quanh hồ...

Xe đạp giữa lòng đô thịNgười dân tập thể dục bằng xe đạp quanh hồ Đồng Chiệc (TP Thanh Hóa).

Tôi cũng đã bắt gặp rất nhiều hình ảnh những chiếc xe đạp thể thao trên đường phố, nơi đô thị với sự dẻo dai và tràn đầy năng lượng. Ngoài rèn luyện sức khỏe, vòng quay của xe đạp có chăng đã khiến cho con người ta sống chậm hơn. Vậy nên, 8 năm nay, ông Đàm Ngọc, 60 tuổi ở phường Trường Thi (TP Thanh Hóa) cùng với những người bạn vẫn đều đặn với cung đường: buổi sáng xuất phát từ trung tâm TP Thanh Hóa lúc 4h45 phút và xuống TP Sầm Sơn lúc 5h50 phút. Buổi chiều, ra Trung tâm kỹ thuật truyền dẫn phát sóng Đài Truyền hình Việt Nam tại Đồi Quyết Thắng, phường Hàm Rồng (TP Thanh Hóa) lúc 14h30 phút. Ông Đàm Ngọc hồ hởi: “Tôi là thành viên của câu lạc bộ xe đạp phường Trường Thi. Chúng tôi tập luyện mục đích nâng cao sức khỏe bản thân và cổ vũ phong trào người cao tuổi. Thực tế, mỗi chuyến đi, tinh thần thoải mái, thấy sự thay đổi hàng ngày của thành phố. Có đi chậm, sống chậm mới thấy được hết cái hay, cái đẹp”.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, dân quân ta đã sử dụng xe đạp để tiếp tế lương thực, đạn dược cho tiền tuyến. Trong thời bình, xe đạp đã và đang trở thành một phương tiện hữu ích đối với người dân. Cách đây vài tháng, TP Hồ Chí Minh là đô thị đầu tiên ở Việt Nam đã phát triển mô hình dịch vụ xe đạp công cộng. Trước đó, vào năm 2014, Thành ủy Hội An (Quảng Nam) đã khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân đi lại bằng xe đạp. Mới đây, TP Hà Nội cũng đã triển khai dịch vụ xe đạp công cộng ở 5 quận nội thành, bao gồm xe đạp truyền thống và xe điện 2 bánh. Đây được xem là cách sống hiện đại với giảm thiểu tai nạn giao thông và ô nhiễm tiếng ồn, thân thiện với môi trường... Ngay tại Thanh Hóa, TP Sầm Sơn cũng đã có dịch vụ xe đạp đôi dành cho khách du lịch.

Thời gian trôi, bánh xe quay chậm, xe đạp giữa lòng đô thị vẫn có sức sống riêng, dẻo dai qua năm tháng...

Bài và ảnh: Việt Hoàng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]