(vhds.baothanhhoa.vn) - Vì xa nhà, điều kiện sức khỏe yếu nên một số bệnh nhân đang điều trị ngoại trú tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Lặc đã phải ở trọ lại gần bệnh viện để thuận lợi cho việc chạy thận. Hầu hết cuộc sống của những bệnh nhân chạy thận đều khó khăn. Họ vừa phải chống chọi với bệnh tật vừa thiếu thốn về kinh tế.

“Xóm chạy thận”

Vì xa nhà, điều kiện sức khỏe yếu nên một số bệnh nhân đang điều trị ngoại trú tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Lặc đã phải ở trọ lại gần bệnh viện để thuận lợi cho việc chạy thận. Hầu hết cuộc sống của những bệnh nhân chạy thận đều khó khăn. Họ vừa phải chống chọi với bệnh tật vừa thiếu thốn về kinh tế.

“Xóm chạy thận”Xóm trọ của những bệnh nhân ngoại trú đang chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Lặc.

Chỉ ước mơ được khỏe mạnh

Theo chân chị Phạm Thanh Huyền, Chủ nhiệm câu lạc bộ (CLB) Thiện nguyện - hiến máu Ngọc Lặc, chúng tôi đến xóm trọ của những bệnh nhân đang điều trị bệnh thận tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Lặc. Con ngõ nhỏ bên hông bệnh viện đi vào xóm trọ là nơi ở của hơn chục bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo. Chị Huyền cho biết: Khu trọ có 15 phòng, chủ nhà là bà Trịnh Thị Nhung, tổ 6, phố Lê Duẩn (Ngọc Lặc). Hiện có 11 người đang thuê trọ, tất cả đều đang điều trị ngoại trú tại Khoa Thận – Lọc máu, Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Lặc. Họ là những người dân ở các huyện Cẩm Thủy, Bá Thước, Như Xuân… đến bệnh viện để điều trị bệnh. Hầu hết đều có hoàn cảnh khó khăn, do bệnh tật, sức khỏe yếu nên phải thuê trọ gần bệnh viện để tiện cho việc chạy thận mỗi tuần.

Bữa cơm trưa của vợ chồng ông bà Lang Văn Phấn và Lò Thị Thay, xã Thanh Lâm (Như Xuân) là một bát canh, vài quả cà và ít thịt rang. Ông Phấn bị suy thận độ 5 được hơn 1 năm thì bị tai biến, bởi vậy ông vừa chạy thận nhân tạo, vừa điều trị tai biến. Bà Lò Thị Thay đành bỏ hết công việc đồng áng ở nhà để cùng lên Ngọc Lặc ở trọ để chăm sóc chồng. Cùng xóm trọ, chị Lò Thị Tình, dân tộc Thái, xã Thành Sơn (Bá Thước) cũng vừa đi chạy thận về và đang tranh thủ nấu cơm trưa. Căn phòng trọ chỉ rộng chừng 10m2 nhưng phải đảm nhận tất cả “công năng” nấu nướng, vệ sinh, nghỉ ngơi. Chị Tình bị suy thận đã hơn 3 năm nay. Bố mẹ già yếu, hai con nhỏ đang độ ăn học, hai vợ chồng là lao động chính trong gia đình thì đều bệnh tật. Nhà xa, sức khỏe yếu nên chị đành phải ở trọ gần bệnh viện để chạy thận nhân tạo 3 ngày/tuần. Mỗi lần chạy thận mất 3 – 4 giờ đồng hồ. Hàng tháng, tiền thuê nhà trọ, ăn uống, sinh hoạt và tiền thuốc men điều trị bệnh cũng lên đến tiền triệu khiến cuộc sống gia đình chị Tình vốn khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Còn chị Phạm Thị Hương (34 tuổi), xã Vân Am (Ngọc Lặc) cũng bị suy thận độ 5. Chị Hương sống chung với việc chạy thận nhân tạo đã hơn 8 năm nay. Gia đình chị Hương có 3 chị em thì đều bị bệnh thận. Một tuần chị Hương chạy thận 3 lần, sau mỗi lần như vậy, cơ thể mệt yếu nên chị không thể đi về. Chị Hương chia sẻ: Đúng là khi có sức khỏe thì có ngàn ước mơ, khi không có sức khỏe chỉ có một ước mơ là khỏe mạnh. Trước khi bị bệnh, chị không có biểu hiện đặc biệt, chỉ khi thấy mệt trong người đi khám thì bệnh đã nặng. Chưa lập gia đình thì bệnh tật ập đến, gác lại tuổi thanh xuân và những dự định của tương lai, hàng ngày phải sống chung với bệnh tật, có những lúc chị chán nản muốn bỏ cuộc nhưng được sự động viên của gia đình, người thân nên tiếp tục cố gắng điều trị.

Đôi mắt mệt mỏi, làn da xanh nhợt, những u cục nổi trên cánh tay của chị Hương, chị Tình do phải lấy ven thường xuyên khiến tôi xót xa, thương cảm. Ở xóm trọ, ai cũng khó khăn và bệnh tật nên thấu hiểu lẫn nhau, chia nhau từng mớ rau, hộp sữa và động viên nhau chiến đấu với bệnh. Xóm trọ năm nay lại vơi bớt tiếng cười, bởi ông Sinh, ông Tuấn sau một thời gian chạy thận do bệnh nặng nên đã mất. Tất cả mọi người ở xóm trọ đều khó khăn, mọi chi phí sinh hoạt đều dè dặt. Mỗi tháng ngoài các khoản chi phí do bảo hiểm y tế chi trả, tiền sinh hoạt, ăn uống, thuê nhà ở và mua thêm thuốc điều trị, tiền xe cộ đi lại… cũng tiêu tốn từ 2 - 3 triệu đồng. Việc có tiền để trang trải sinh hoạt, duy trì việc chạy thận mỗi tuần đã là khó khăn nên mọi người cũng không dám nghĩ đến việc ghép thận.

Ngoài thời gian chạy thận, những bệnh nhân nghèo ở xóm trọ lại tranh thủ vót thêm đũa để bán hoặc tìm công việc làm thêm, nhưng hầu hết do bệnh tật mệt mỏi nên họ không làm được lâu. Bà Trịnh Thị Nhung, tổ 6, phố Lê Duẩn (Ngọc Lặc), chủ nhà trọ cho biết: “Sau khi về nghỉ chế độ bảo hiểm xã hội, tôi đã xây dựng khu nhà trọ này. Những năm gần đây, nhiều bệnh nhân chạy thận tại bệnh viện tìm đến trọ. Thấy hoàn cảnh bà con khó khăn, vất vả, gia đình tôi giảm một phần tiền thuê nhà trọ để chia sẻ khó khăn với người bệnh”.

Ấm lòng bệnh nhân nghèo

Từ năm 2019 đến nay, khi biết đến hoàn cảnh của những bệnh nhân ở xóm trọ đang điều trị ngoại trú tại Khoa Thận – Lọc máu (Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Lặc), CLB Thiện nguyện - Hiến máu Ngọc Lặc do chị Phạm Thanh Huyền làm chủ nhiệm đã kêu gọi, vận động các nhà hảo tâm giúp đỡ, chia sẻ khó khăn, động viên để các bệnh nhân tiếp tục chiến đấu với bệnh tật. Ở xóm trọ, hàng tháng các nhà hảo tâm hỗ trợ thực phẩm, gạo cho bệnh nhân. Ngoài ra, tại bệnh viện, CLB cũng kêu gọi vận động, trao tặng 150 phiếu ăn 0 đồng cho các bệnh nhân đang điều trị nội trú, trong đó đa số là bệnh nhân Khoa Thận - Lọc máu, mỗi phiếu là 1 suất ăn trị giá 25.000 đồng, nhận tại Nhà hàng Minh Tuyết ở cổng bệnh viện.

“Xóm chạy thận”Chị Lò Thị Tình, xã Thành Sơn (Bá Thước) - bệnh nhân điều trị ngoại trú tại xóm trọ kế bên Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Lặc.

Xung quanh khu vực Bệnh viện Đa khoa tỉnh (đường Hải Thượng Lãn Ông, phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa) cũng có nhiều nhà trọ, chủ yếu dành cho những bệnh nhân đang điều trị ngoại trú. Xóm trọ của gia đình bà Vũ Thị Đảm (ngõ 252, đường Hải Thượng Lãn Ông) được nhiều người biết đến và gọi là “Xóm chạy thận” bởi chủ yếu là bệnh nhân đang điều trị ngoại trú tại Trung tâm Thận – Lọc máu. Chị Phạm Thanh Huyền, Chủ nhiệm CLB Thiện nguyện - Hiến máu Ngọc Lặc là người nhờ tôi gửi chút thực phẩm rau, trứng mà chị kêu gọi các nhà hảo tâm gửi đến các bệnh nhân ở xóm chạy thận Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Chiều muộn, xóm trọ của gia đình bà Vũ Thị Đảm càng trở nên im ắng, thấy có khách đến thăm và giới thiệu gửi chút thực phẩm đến các bệnh nhân đang ở trọ, bà Đảm gật đầu đồng ý. Những bệnh nhân đang ở trọ trong các dãy nhà cùng tập trung ở khoảnh sân nhỏ, bà Đảm giúp tôi phân chia đều số lượng rau và trứng cho mọi người. Hầu hết họ đều luống tuổi, do xa nhà, sức khỏe yếu. Nhận được phần rau, trứng, các bệnh nhân đều xúc động gửi lời cảm ơn tấm lòng người trao tặng.

Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Lặc cho biết, hiện nay Khoa Thận – Lọc máu có hơn 100 bệnh nhân đang chạy thận theo chu kỳ. Họ đều là bệnh nhân điều trị ngoại trú, chỉ khi nào bệnh nhân có diễn biến nặng, bệnh viện sẽ làm thủ tục nhập viện điều trị nội trú. Còn tại Trung tâm Thận – Lọc máu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) hiện có khoảng 445 bệnh nhân, trong đó trên 90% bệnh nhận chạy thận nhân tạo 3 lần/tuần. Ghép tạng là ước mong lớn nhất của tất cả những bệnh nhân đang bị suy thận giai đoạn cuối. Thực tế đến nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện thành công 16 ca ghép thận, hoàn toàn làm chủ được kỹ thuật ghép thận, trong đó có nhiều ca ghép khó như ghép thận từ người cho chết não, người cho và người nhận khác nhóm máu, có nhóm máu hiếm, có hiệu giá kháng thể cao. Tuy nhiên, việc cứu sống bệnh nhân bằng phương pháp ghép tạng mới chỉ đáp ứng được phần rất nhỏ so với nhu cầu thực tế, bởi nguồn tạng khan hiếm.

Bài và ảnh: Ngọc Huấn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]