(vhds.baothanhhoa.vn) - Tôi đã từng nghe ở đâu đó câu nói như thế này: "Đối với một người đi dưới mưa thì điều cần nhất không phải là cây dù mà là một người cùng đi bên cạnh. Và với một người đang khóc thì điều cần không phải là một chiếc khăn tay mà là một bờ ngực để có thể dựa vào khóc". Tuy nhiên, cuộc sống hiện đại phải đối diện với nhiều áp lực, không ít người đã vô tình quên đi hoặc gần như trốn tránh những mối quan hệ truyền thống về hôn nhân.

Xu hướng độc thân và nỗi hiu quạnh tuổi xế chiều

Tôi đã từng nghe ở đâu đó câu nói như thế này: "Đối với một người đi dưới mưa thì điều cần nhất không phải là cây dù mà là một người cùng đi bên cạnh. Và với một người đang khóc thì điều cần không phải là một chiếc khăn tay mà là một bờ ngực để có thể dựa vào khóc". Tuy nhiên, cuộc sống hiện đại phải đối diện với nhiều áp lực, không ít người đã vô tình quên đi hoặc gần như trốn tránh những mối quan hệ truyền thống về hôn nhân.

Xu hướng độc thân và nỗi hiu quạnh tuổi xế chiều

Vì một lý do nào đó, việc lựa chọn lối sống độc thân là quyền tự do của mỗi người vì thế xã hội nên có cái nhìn cởi mở, cảm thông và giúp đỡ nhiều hơn (Ảnh minh họa)

Những khúc ru buồn

Chúng tôi đến thăm Trung tâm Bảo trợ xã hội số 2 vào một buổi chiều, trong lúc tham quan chúng tôi được lắng nghe câu chuyện của bà Thơm, người phụ nữ quê biển Tĩnh Gia. Bà bị bệnh viêm tủy biến chứng, không thể tự di chuyển được. Bà sống độc thân nên các cháu gửi vào trung tâm đến nay đã được gần 5 năm.

Chân thành, giản dị bà kể: “Tuổi thanh xuân, tôi yêu một người cùng quê, sau đó anh đi bộ bội, tôi đi làm công nhân, tình cảm dạt dào đong đầy theo những cánh thư tiền tuyến hậu phương. Nhưng bẵng đi một năm tôi không còn nhận được thư của người yêu và rồi tôi nhận được tin người yêu hy sinh, nỗi đau chia lìa như bóp nghẹt trái tim, mọi thứ như sụp đổ, tôi chông chênh, mất phương hướng hoàn toàn sau tin dữ ấy. Vốn là cô gái xinh xắn, dịu dàng có tiếng ở làng, không ít người ngỏ lời yêu, tha thiết muốn cưới hỏi nhưng tôi không thể quên được tình yêu đầu thiêng liêng ấy nên quyết định không lập gia đình nữa”.

Quãng đời còn lại, bà gửi trọn tâm tình, niềm tin ở Trung tâm Bảo trợ xã hội số 2, bà không còn cô đơn, hiu quạnh nữa vì có những người bạn già bên cạnh.

Khác với bà Thơm, ông Bao, 65 tuổi, ở phường Đông Sơn, TP. Thanh Hóa lại lựa chọn sống một mình trong căn nhà nhỏ dưới chân cầu Đông Hương. 9h tối, ông Bao vẫn đi bán rong kẹo và bút ở những quán ăn trên Đại lộ Lê Lợi, với dáng người gầy gò, ông Bao vui vẻ trải lòng về quãng đời thăng trầm đã qua. Ông là con thứ trong gia đình có 5 anh em. Sinh ra và lớn lên trong cảnh chiến tranh nên ông đã lên đường nhập ngũ bảo vệ tổ quốc. Chiến tranh kết thúc thì tuổi thanh xuân của ông cũng trôi qua. Nghĩ rằng tình yêu, hôn nhân là cái lương duyên trời cho nên ông không cố đi tìm. Hơn nữa, cũng do hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên ông âm thầm sống cảnh độc thân cho đến bây giờ. Hàng ngày, ông đi làm bảo vệ cho một ngân hàng ở thành phố, trời nhá nhem tối thì đi bán hàng rong để kiếm thêm thu nhập. Nghĩ đến tương lai tuổi già bệnh tật phải nằm một chỗ không thể đi làm được, ông Bao trầm ngâm: “Cũng lo lắm chứ. Lúc nào tôi cũng mong gặp được một người phụ nữ tốt bụng nào đó chịu về sống chung để chăm sóc nhau cho tuổi già đỡ buồn”.

Cùng chung cảnh “giường đơn, gối chiếc”, bước vào tuổi 80, mỗi khi trái gió trở trời, huyết áp lên đột ngột, bà Thông quê ở huyện Hậu Lộc phải nhờ hàng xóm chở đi bệnh viện.

“Trước đây cứ say sưa làm việc, vì nghĩ sống một mình tự do hơn nên không thiết lấy chồng, giờ mới thấy khổ. Mặc dù nhà cửa đầy đủ tiện nghi không thiếu thứ gì nhưng vào tuổi này sức khỏe yếu dần, những lúc bệnh tật không có ai chăm sóc thấy tủi thân lắm”, bà Thông thở dài, chia sẻ.

Nhiều năm liền là giáo viên dạy giỏi của huyện Hậu Lộc, bà Thông luôn được đồng nghiệp đánh giá cao bởi khả năng quán xuyến công việc và phương pháp sư phạm thuộc hạng “đỉnh”. Không dừng lại ở đó, bà không ngừng phấn đấu để đạt được những danh hiệu cao hơn. Con đường trải đầy hoa hồng này tuy vẫn tiếp tục sau khi cô giáo bước vào tuổi nghỉ hưu nhưng cuộc sống thì lại in hằn dấu vết thời gian. Căn nhà nhỏ vốn đã neo người lại càng trống vắng vì bám đầy bụi và mạng nhện. Những bình hoa héo quắt không có người chăm tưới, những bức tranh bạc màu đang bị mối mọt đục khoét rớt xuống từng mảnh.

“Cô nói thật nếu không chịu được cảnh cô đơn thì các em nên quyết định lập gia đình sớm chứ đừng để như cô đến già khổ lắm”, hướng đôi mắt về bức tường trắng trước mặt, bà Thông khuyên nhủ các học trò cũ đến thăm mình.

Ngoài những trường hợp vô tình quên hay cố tình trốn tránh hôn nhân như các trường hợp nêu trên thì còn không ít người phải chịu cảnh sống phòng không bất đắc dĩ bởi những lý do khách quan vì nhan sắc, bệnh tật mà góa bụa hoặc ly thân, ly dị... Như trường hợp của chị Trang, quê ở huyện Lang Chánh, bị khiếm thính bẩm sinh đã 45 tuổi mà vẫn chưa có chồng. Mặc dù cũng nghĩ đến việc xin một đứa con nuôi, song vì kinh tế gia đình thiếu thốn nên chị sớm từ bỏ ý định.

“Ban ngày đi thăm chòm xóm thấy khuây khỏa, nhưng mỗi khi tối về, một mình trong căn nhà tối tăm, vắng lặng, nhất là những lúc trở bệnh, thấy chua xót lắm”, chị tâm sự.

Chị bảo biết thế ngày trẻ cứ “xin” đại một đứa con, giờ có mẹ có con chắc cũng đỡ buồn hơn.

Cần có cái nhìn cảm thông

Trước xu hướng số người chọn cuộc sống độc thân ngày càng gia tăng, PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội - Viện Xã hội học, cho rằng: Có nhiều nguyên nhân khiến người ta lựa chọn lối sống này, như: Xuất phát từ nhu cầu tự do cá nhân, tâm lý sợ trách nhiệm, sợ gánh nặng gia đình, mặc cảm, ấn tượng về nỗi đau tình cảm, khả năng kinh tế, thể lực và những vấn đề về tâm sinh lý...

Riêng người đàn ông càng lớn tuổi càng ngại lập gia đình. Hơn nữa, sống trong xã hội càng hiện đại thì thử thách đối với nam giới càng lớn. Ở bất kỳ thời đại nào thì tâm lý người phụ nữ vẫn mong muốn sống nương tựa vào người chồng của mình. Nếu như ngày xưa nam giới chỉ cần có sức khỏe, làm việc giỏi là đủ, thì thời nay đòi hỏi anh ta phải có khả năng làm kinh tế giỏi, có nghề nghiệp, nhà cửa ổn định. Tuy nhiên, thực tế tại các đô thị lớn, người đàn ông rất khó khăn để bươn chải, khẳng định vị thế của mình và khi chưa đạt được thì họ thường có tâm lý mặc cảm.

Có một thực tế, những người độc thân hoặc có cuộc sống hôn nhân trục trặc thường có nguy cơ mắc bệnh cao, nhất là đột quỵ. Bởi, họ thường ít quan tâm đến sức khỏe của mình, ít thực hiện lối sống có lợi cho sức khỏe và không để ý đến những dấu hiệu bệnh tật để điều trị kịp thời. PGS.TS Trịnh Hòa Bình cũng cho rằng, theo quy luật tự nhiên, sự hài hòa về tâm sinh lý nam nữ trong đời sống vợ chồng sẽ đem lại hạnh phúc trọn vẹn cho con người. Vì thế thì đa phần người ta đều tìm đến cuộc sống hôn nhân gia đình.

Tuy nhiên, xét cho cùng vì một lý do cá nhân nào đó, việc lựa chọn lối sống độc thân cũng là quyền tự do của mỗi người. Vì thế xã hội nên có cái nhìn cởi mở, thông cảm và giúp đỡ nhiều hơn cho những người độc thân, bởi khi chọn cách sống này, bản thân họ đã phải chịu nhiều thiệt thòi hơn so với người khác.

Tăng Thúy


Tăng Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]