(vhds.baothanhhoa.vn) - Khi đất trời vào xuân, nơi đất liền phố phường tấp nập, người người, nhà nhà rộn rã sum vầy ấm cúng bên mâm cỗ tất niên… thì vẫn có những chuyến tàu cấp hàng lặng lẽ làm nhiệm vụ. Nhiều chuyến tàu khởi hành đúng ngày 30 tháng Chạp. Tàu vừa chạy vừa nấu bánh chưng! Rời đất liền đúng dịp tết, vừa ra khơi vừa đón xuân giữa bốn bề trời biển mênh mông. Cảm xúc ấy chắc chắn phải da diết, bâng khuâng, tự hào lắm, bởi đúng thời điểm đặc biệt đó, những người lính trên tàu vẫn mang trên vai nhiệm vụ “chở tình yêu của đất liền ra đảo”.

Xuân đảo xa...

Khi đất trời vào xuân, nơi đất liền phố phường tấp nập, người người, nhà nhà rộn rã sum vầy ấm cúng bên mâm cỗ tất niên… thì vẫn có những chuyến tàu cấp hàng lặng lẽ làm nhiệm vụ. Nhiều chuyến tàu khởi hành đúng ngày 30 tháng Chạp. Tàu vừa chạy vừa nấu bánh chưng! Rời đất liền đúng dịp tết, vừa ra khơi vừa đón xuân giữa bốn bề trời biển mênh mông. Cảm xúc ấy chắc chắn phải da diết, bâng khuâng, tự hào lắm, bởi đúng thời điểm đặc biệt đó, những người lính trên tàu vẫn mang trên vai nhiệm vụ “chở tình yêu của đất liền ra đảo”.

Xuân đảo xa...Ảnh: Trần Thành

Chuyến tàu “thanh xuân”

Đại úy Quách Minh Phú, Chính trị viên Tàu 521, Hải đội 413, Vùng 4 Hải quân từng mở lòng kể về những kỷ niệm của anh và đồng đội khi đón xuân giữa trùng khơi. Ngày ấy, con tàu cấp hàng họ đi còn cái tên là “Tàu thanh niên” vì một lẽ rất tình cờ: Hầu hết nhân sự đều chưa lập gia đình. Tuổi trẻ của những chàng trai chưa yêu cứ hăng hái, say mê “chở tình yêu ra đảo”. Chàng lính trẻ có nhiệm vụ nấu bếp lúc nào cũng luôn miệng: “Khi nào về đất liền em sẽ mua một rổ rau thật to, ăn cho thật đã!”. Tết trên tàu đầy đủ bánh chưng, thịt lợn, phòng đón xuân… bộ đội cũng hát hò, hái hoa dân chủ và xác định vài ngày nữa, nếu sóng to không thể vào đảo được, anh em sẽ cùng nhau hát qua bộ đàm giao lưu với lính đảo. Trên ấy, bộ đội còn có thể nhẩm tính, mặc định về các mốc thời gian, còn những chuyến tàu thì không…

Những người lính từng công tác trên Tàu 521 nhớ lại giây phút đón giao thừa tại đảo Đá Thị. Bộ đội trên tàu ở giữa trùng khơi, tàu và đảo leo lét hai đốm sáng giữa mênh mông biển đêm lộng gió, cùng nhau thực hiện nhiệm vụ canh giữ biển trời cho quê hương vui vầy. Trên mũi tàu vẫn có những giọt nước mắt rưng rưng của những chàng chiến sĩ trẻ lần đầu đón xuân trên biển; những lời chúc năm mới nghẹn trong tiếng chập chờn của sóng điện thoại vời vợi yêu thương: “Mẹ yên tâm nhé, chúng con khỏe và đón tết vui lắm mẹ ơi!”. Bấy giờ, cùng với việc nổi lửa trên bếp, tất cả tàu đang làm nhiệm vụ đều kéo ba hồi còi dài đón chào xuân. Những âm thanh ấy trong phút giao thừa, với những người lính xa nhà vang vọng, thiêng liêng tha thiết. Xuân mới trên biển cả, sau lễ chào cờ trang nghiêm, họ sẽ phóng tầm mắt nhìn biển xanh, tàu cá. Trên nóc mỗi con tàu là cờ đỏ sao vàng tung bay, như gặp quê hương giữa đất trời lồng lộng, như thấy tình thân ruột thịt hiện hữu giữa trùng khơi.

Kỹ sư Trần Vũ Thành, người chế tạo máy lọc nước biển thành nước ngọt và đã may mắn có hàng chục chuyến công tác đến với quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1 tâm sự, đến với biển đảo dịp tết thì ăm ắp nhiều kỷ niệm, nhưng anh nhớ nhất khi vừa bước chân lên tàu đã nhác trông thấy đội bếp đang chuyển từng lọ muối vừng rất lớn lên kệ. Trước những cặp mắt ngạc nhiên, bộ đội giải thích: “Trong những chuyến sóng gió dữ dội, nhà bếp cần chuẩn bị chu đáo để nếu ai không ăn uống được gì thì còn có thể lót dạ chút cơm trắng với muối vừng, các đồng chí cứ trải nghiệm đi, rồi sẽ thấm…”. Sau lễ tiễn đoàn công tác được tổ chức trang nghiêm, tàu bắt đầu rời cảng. Từng đợt sóng vây bủa dồn dập theo cấp độ tăng dần, trên ca-bin, sóng đánh mờ mịt cửa kính, các thủy thủ phải dùng gạt nước liên tục. Ai nấy đều choáng váng, cảm nhận được cơn say sóng nên vừa nãy còn phơi phới ngắm biển, chụp ảnh trên boong tàu giờ đã nhanh chóng trở về phòng. Loa phát thanh nội bộ thông báo: “Tàu đang đi ngang sóng, tổ bếp chằng buộc vật dụng kỹ càng”. Bỗng có tiếng loảng xoảng rất lớn, âm vang đến cả tầng trên, tầng hầm… loa phát thanh tiếp tục vang lên, báo tin bữa tối sẽ chậm một tiếng so với dự định. Dường như ai cũng hiểu điều gì đã xảy ra. Tàu chỉ có bốn thành viên tổ bếp nấu ăn cho gần 100 đại biểu, công việc ấy thật chẳng dễ dàng, nhất là giữa mùa biển động. Anh không thể quên kỷ niệm đêm 31-12-2019, toàn tàu tổ chức đón giao thừa trên vùng biển Tư Chính. Có cành đào, cành mai bằng giấy, đèn nhấp nháy đủ mầu, hoa quả trà mứt từ các vùng miền. Trưởng đoàn công tác chúc mừng năm mới, lì xì các thành viên. Mỗi người, một tay giữ đĩa bánh kẹo trên bàn, tay kia vịn cho chắc, vừa cười vừa chống chọi cơn say. Trong chính khoảnh khắc ấy, trong mỗi người đều dấy lên niềm khát khao được trải nghiệm một đời sống như những người lính trên tàu, họ đầy vững vàng, mạnh mẽ.

Trong chuyến đi này, gần cuối hành trình, tất cả các đại biểu đều chứng kiến một tình huống khó quên. Đồng chí Nguyễn Văn Nhật, chỉ huy phó Nhà giàn DK1/12 đang có mặt trên tàu sau chuyến về phép thăm vợ sinh con. Anh nhận nhiệm vụ rời tàu, trở về nhà giàn bằng phương án bơi. Khi anh bước ra hành lang tàu, mọi người mới ngỡ ngàng biết người lính ấy còn có anh trai chính là đồng chí Đức, thuyền phó. Hai anh em ruột chung chuyến tàu nhưng ai cũng chất trên vai nhiệm vụ, tình cảm ruột thịt được thể hiện tiết chế lắm. Buổi ấy, họ mới chuyện trò với nhau lâu hơn chút. Đức căn dặn em mấy câu bằng giọng miền Trung ấm áp rồi chạy vội vào phòng lấy đôi găng tay mới tinh đưa cho Nhật. Sau hiệu lệnh của thủ trưởng đoàn, Nguyễn Văn Nhật tự tin và mạnh mẽ lao xuống dòng nước. Mặt biển thẫm lại, sóng cồn cào dữ dội, niềm tin và sức mạnh con người gửi trọn vào một sợi dây nối tàu với nhà giàn mà người chiến sĩ đang bám chặt, cố sức nhoài về phía trước. Cách đó ít phút, những bao hàng vừa ném xuống biển đã bị kéo đi cả trăm mét. Sợi dây người lính bám chặt để trở về “nhà” cứ neo mãi trong lòng người. Đó như sợi dây nối những mùa xuân.

Ấm nồng bóng dáng quê hương…

Đất liền tặng quất xuân ra quần đảo Trường Sa, khi cây vừa từ xuồng lên đảo An Bang đã thấy ngay một người đứng đợi sẵn và đón, bê cây một mạch từ bãi cát lên bờ kè. Anh nhanh chóng bước qua chiếc cầu bằng sắt mà nếu đi người không đã chông chênh chứ mang vác vật gì nặng, trông thật hiểm nguy. Bộ đội luyện tập, đi lắm thành quen hay cảm giác đón vật phẩm mùa xuân ra đảo khiến họ quên những bấp bênh thường trực? Hỏi chuyện, chúng tôi được biết người lính hào hứng bê chậu quất xuân tên là Thắng, quê ở huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Anh bùi ngùi tâm sự, người ở đảo xa, thấy một cái cây từ quê nhà vượt muôn trùng sóng dữ vào đảo như thấy quê hương đang hiện hữu, gần kề. Cây mang lên đảo, bộ đội rưng rưng. Họ ôm cây trong lòng mình, như ôm một đứa con thơ, như ôm trọn tin vui mùa xuân nơi đất mẹ.

Ngày tết, có đồ tươi, cả đảo mới bừng lên không khí ngày hội. Các chiến sĩ xúm vào mỗi người một việc. Đặc biệt, bộ đội thích thịt mỡ lắm. Họ định nghĩa, con lợn ngon phải nhiều mỡ và mỡ thơm. Mùi của mỡ chính là vị tươi kích thích vị giác, khướu giác. Con lợn nào nạc quá chẳng thích đâu, nhìn thớ thịt nghĩ ngay tới miếng thịt nạc trong cóng đồ hộp. Quý nữa là cỗ lòng luôn được chế biến cẩn thận, sạch sẽ, cầu kỳ. Đảo to đảo nhỏ gì bữa ăn cũng chia đều cả. Ngon nhất chính là bữa cỗ tết đầu tiên. Mâm bát bày ra thịnh soạn, đủ đĩa thịt nướng, thịt luộc, lòng, sinh động ra trò. Riêng mâm ngũ quả thì thật kỳ công. Ở đảo có dừa như Nam Yết, cả năm chỉ mỗi tết đảo mới quyết định “hạ” vài buồng để bày ngũ quả. Đơn vị nào cũng muốn chọn những quả đẹp nhất đặt trang trọng lên bàn thờ Tổ quốc nên nếu chiến sĩ của đơn vị ấy đang làm nhiệm vụ hái dừa thể nào cũng chọn được quả đẹp lại thêm mấy quả thường thường thưởng công. Gọi là ngũ quả, thực ra chỉ có dừa, hiếm hoi lắm thêm quả bưởi vỏ đã ngả màu vàng bày cùng mấy thứ quả bằng xốp được bộ đội cắt tỉa, đẽo gọt, sơn màu như thật. Tôi chợt nhận ra, niềm vui của tất cả mọi người không phải ở chuyện ăn tết to hay nhỏ, mà chính là không khí chuẩn bị, tâm thế mở lòng ra đón mùa xuân mới từ việc dậy sớm, cùng làm, cùng vui.

Bộ đội giờ có điện thoại kết nối mạng nhưng thời điểm tết, nhiều tổ chức vẫn phát động phong trào cánh thư gửi đảo xa để lứa bộ đội đầu tiên ra thay quân đã nhận được ngay thư rồi. Xưa thư từ hiếm, nhiều người đọc chung một lá thư, bây giờ có khi một người nhận đến cả chục lá thư. Điều gì từ Trường Sa tới đất liền

cũng là vô giá về tinh thần. Lính ta tươi trẻ, tinh nghịch, đọc rồi cười phá lên với nhau. Đó là cái tết đầu tiên họ xa nhà, xa lắm, đọc được thư xúc động vô cùng. Lính đảo đến từ khắp mọi miền đất nước, lính Nam nhận thư từ Bắc, lính Trung nhận thư cộp dấu thủ đô. Mấy anh lính dân tộc Chăm, dân tộc Ê-đê càng lạ lẫm, mở mang hơn qua những cánh thư vượt nghìn trùng sóng biển. Lắm anh bộ đội chưa biết vùng đất đấy thế nào ấy thế nhưng về cảm xúc và tưởng tượng thì giữa biển Đông như đang được chu du khắp mọi miền Tổ quốc. Thư nhóm lên cảm xúc, là hoài bão của tuổi trẻ, cho những nụ cười gặp gỡ được nhau. Tôi cũng biết rằng, nhờ đó mà nhiều người lính trẻ đã thực hiện lời hứa hoàn thành tốt nhiệm vụ, cả những lời hẹn hò trong thư, được ra Bắc một lần, được vào Nam một chuyến.

Những con tàu làm nhiệm vụ giữa trùng khơi là sợi dây yêu thương nối đất liền với đảo. Từng gói bánh kẹo, trà mứt vui xuân… những món quà ấm nồng giản dị và quý giá giữa bốn bề sóng lừng, gió mặn. Hương vị vùng miền mở ra xiết bao cảm xúc. Này là mì gạo Phú Thọ, trà Thái Nguyên bộ đội nhập kho, dùng theo kế hoạch, còn đây có gà khô xé cay, bánh chả Hà Nội, sóng gió thế này cứ gọi là số một! vị đường, mỡ, lá chanh rộn rã, ân cần. Có những con tàu, đảo xa có tết và điều đặc biệt nhất đó là: Tết ấm nồng hình bóng quê hương.

Lữ Mai



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]