(vhds.baothanhhoa.vn) - Mùa xuân mang đến biết bao điều kỳ diệu cho đất trời và con người. Sự sinh sôi nảy nở của muôn loài khiến cho cảnh sắc thiên nhiên thêm tươi đẹp, con người cũng thêm niềm hứng khởi cho những chuyến du xuân. Người ta đi chợ tết, tham dự các lễ hội, đi du lịch đó đây… Riêng tôi, năm nay tự chọn cho mình một chuyến du lịch thật đơn giản, đó là du xuân trên những cánh đồng quê.

Xuân trên cánh đồng quê

Mùa xuân mang đến biết bao điều kỳ diệu cho đất trời và con người. Sự sinh sôi nảy nở của muôn loài khiến cho cảnh sắc thiên nhiên thêm tươi đẹp, con người cũng thêm niềm hứng khởi cho những chuyến du xuân. Người ta đi chợ tết, tham dự các lễ hội, đi du lịch đó đây… Riêng tôi, năm nay tự chọn cho mình một chuyến du lịch thật đơn giản, đó là du xuân trên những cánh đồng quê.

Xuân trên cánh đồng quêMùa hoa cải ven sông.

Chuyến đi này có lý lắm chứ, khi mới đây “Bình minh trên cánh đồng cói Nông Cống” là một trong 3 điểm du lịch của tỉnh Thanh Hóa được đề cử vào top 7 Ấn tượng Việt Nam 2022. Chỉ là một cánh đồng quen thuộc bao đời, thế nhưng vẫn vượt lên trong số 220 đề cử của cả nước để vào “top 7”, hẳn là không thể thị thường. Chúng ta cứ quanh năm suốt tháng lấn bấn với việc sinh nhai, viên chức sáng sớm vội vã đến công sở và về nhà lúc phố thị đã lên đèn; công nhân cập rập với dây chuyền công nghiệp, tăng ca đến tối mịt; còn nông dân thì đầu tắt mặt tối từ lúc gà gáy đến khi mặt trời lặn… Nếu có chút thời gian nghỉ ngơi và có điều kiện kinh tế, người ta lại đi tham quan du lịch tận đẩu tận đâu. Hãy dừng vài vòng quay bánh xe mỗi sáng tối đi làm, hãy nghỉ tay cấy tay cày ít phút, hãy ngưng đôi chút tất bật mỗi ngày để nhìn ngắm quê hương mình, chắc hẳn nhiều người sẽ ngỡ ngàng...

Men theo triền sông Mã, sông Chu, xung quanh là những bãi dâu xanh mơn mởn dưới nắng xuân, những ruộng ngô trổ cờ phất phơ trong gió sớm, là mênh mang vàng rượi màu hoa cải làm mê đắm hồn người… Làng Hồ Nam (trước thuộc xã Vĩnh Khang, nay là xã Ninh Khang, huyện Vĩnh Lộc), vào độ xuân về, cánh đồng ven sông có những ô, thửa rực rỡ cải vàng. Các cụ cao niên kể lại: thời chiến tranh, làng đã tổ chức một đội gồm hàng chục các mẹ, các chị muối dưa cải đưa ra chiến trường phục vụ bộ đội. Mỗi nhà góp một cái chum, loại chum lớn hay chứa nước ăn được nhường lại cho việc muối dưa để tiền tuyến “ăn no đánh thắng”. Dưa cải làng Hồ Nam nổi tiếng thơm ngon. Thăm từng chân ruộng, ngắm nhìn cải lên ngồng khỏe khoắn, nghĩ đến việc sẽ hái về, muối một vại sành, vài hôm sau có đĩa dưa vàng suộm trên mâm, chỉ cần kèm thêm một chút tóp mỡ và bát nước mắm ớt, bữa cơm mùa đông rất “tuyệt cú mèo”!

Không chỉ làng Hồ Nam mới có dưa cải, cây cải ngồng được trồng ở khắp các cánh bãi ven sông Mã, tạo “thương hiệu” cho nhiều làng quê, như dưa Don (làng Don, xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc), dưa Lê (làng Lê, xã Yên Thái, huyện Yên Định)… Làng Hồ Nam ở bên tả sông Mã, thì bên bờ hữu đối diện là làng Lê. Dòng sông thơm thảo đã chia đều phù sa ngọt lành cho những làng quê đôi bờ, không thiên vị. Trên cánh bãi màu mỡ của mình, cư dân làng Lê đã canh tác bao đời với giống cải ngồng, làm nên món ngon dân dã là dưa chua. Người làng Lê muối dưa thật đơn giản, ngồng cải rửa sạch để ráo nước, cho muối vào lơn qua lơn lại đến khi mềm nhàu, bỏ vào vại sành nén chặt, đủ độ chua thì lấy ra ăn. Chỉ thế thôi mà món dưa cải làng Lê trở nên nức tiếng, xưa kia còn được đem tiến vua, và ngày nay thì trở thành món ẩm thực hàng hóa mà nhiều khách gần xa khi đi qua luôn nhớ mua về. Từ bữa cơm thường dân đến ngự thiện cung đình, dù là thức ăn hàng ngày hay bày trong mâm cỗ tết, món dưa chua luôn giúp ngon miệng hơn. Cây cải ngồng quê mùa mà không kém phần sang quý là vì thế.

Không chỉ làm món ăn ngon, cây cải đến kỳ trổ hoa, cả cánh bãi đẹp đến nao lòng. Bởi thế, nhiều văn nghệ sĩ đã lấy cảm hứng từ những “Mùa hoa cải ven sông” để làm nên các tác phẩm nghệ thuật …

Một làng quê khác cũng ở ven sông Mã, thuộc vùng đất Vĩnh Lộc quý hương Nhà Trịnh, lại nổi tiếng với những cánh đồng trồng sâm. Xã Vĩnh Hùng với mạch đất neo bên bờ tả, nằm gối đầu vào núi Báo, trên núi ấy có loài thảo dược quý, đã từng được vinh danh là “Đại Việt đệ nhất danh sâm”. Vì mọc trên núi Báo nên gọi là sâm Báo. Người dân vùng đất “Phủ Chúa” luôn tự hào về loại dược liệu quý của quê hương, đã từng được chọn là sản vật cung tiến lên triều đình. Thế nhưng, qua nhiều thế kỷ, do bị khai thác tự nhiên mà không được bảo tồn, giống sâm trên núi Báo mai một dần. Gần đây, bà con địa phương đã tìm kiếm, gây lại giống sâm này, phát triển thành sản phẩm hàng hóa. Ngày nay, sâm Báo không chỉ có ở núi Báo mà còn được nhân giống, gieo trồng ở các vùng đồi núi khác ở Vĩnh Lộc và một số địa phương trong tỉnh. Chúng tôi gặp chị Trịnh Thị Hoa ngay trên cánh đồng phía trước nghè Vẹt. Gia đình chị vừa chuyển đổi 1 ha đất trồng cây nông nghiệp sang trồng sâm Báo. Là vụ đầu tiên, nên chị rất mong đợi vào hiệu quả kinh tế mà cây sâm quý mang lại. Trồng sâm Báo không chỉ mang lại giá trị kinh tế, mà còn khiến đồng quê đẹp như một vườn hoa, tha hồ cho khách du lịch đến tham quan, check-in. Cây sâm có tới 4 màu hoa tím, hồng, vàng, đỏ, người dân địa phương cho biết cây có hoa vàng mới chính là loài sâm trên núi Báo. Người dân tìm từng cây trên núi về, gom vào vườn chăm sóc để bảo tồn giống. Cây sâm Báo vừa góp phần tạo ra một sản phẩm hàng hóa bản địa quý giá, vừa tạo cảnh quan phục vụ du lịch cho vùng đất “cung vua, phủ chúa” này.

Đối diện với núi Báo qua bên kia sông Mã, lại có một cánh bãi tự nhiên, nay trở thành điểm du lịch lý thú của khá nhiều du khách. Từ vùng đất Phủ Trịnh qua cầu Yên Hoành bắc ngang sông, rẽ xuống ngay bãi bồi dưới chân cầu, thuộc thôn Yên Hoành 1, xã Định Tân, huyện Yên Định, sẽ bắt gặp một nông trại du lịch mang tên “Ánh Dương”. Trước kia nơi này chỉ là cánh đồng hoang, năn lác mọc đầy. Chàng trai Phạm Văn Đạt sau nhiều năm làm ăn xa, thương nhớ quê hương mà gom hết vốn liếng, dắt díu vợ con về làng. Nhìn thấy đất quê để hoang mà người dân vẫn khó khăn phải đi làm ăn xa rất nhiều, Đạt xin thầu cánh bãi này để làm nông trại du lịch, với khát khao biến đất nghèo thành “vùng quê đáng sống”. Những ngày cuối tuần, nhiều gia đình, nhóm bạn rủ nhau về đây vui chơi thư giãn, trải nghiệm cuộc sống nông thôn thanh bình, tươi đẹp.

Mùa xuân, được lang thang trên vùng rẻo cao xứ Thanh, ngắm nhìn những chân ruộng bậc thang mùa nước đổ, cũng khiến lòng người tràn đầy cảm xúc. Khác với những cánh đồng miền xuôi, các khu ruộng bậc thang miền núi mang nét duyên riêng. Những chiếc cọn nước kẽo kẹt, ngày ngày kiên nhẫn đưa dòng nước mát từ lòng suối lên tận các chân ruộng. Những mảnh ruộng trước khi cấy loang đầy nước, giống như từng mảnh gương ghép vào nhau lên tới tận đỉnh đồi. Từ “mường trời”, mây ngả bóng soi mình lên những tấm gương ấy, tạo nên khung cảnh giao hòa thơ mộng. Vào mùa, các chị, các cô lên rẫy với váy áo dân tộc Mông màu sắc sinh động. Lại có màu xanh áo lính cùng xúm tay cấy cày cho kịp thời vụ. Rồi chỉ ít hôm, lúa non đã phủ xanh từng bậc khắp các triền đồi, y như là đang “bắc thang lên mường trời” vậy.

Ghé thăm Son, Bá, Mười - ba bản người Thái thuộc xã Lũng Cao, huyện Bá Thước – mùa xuân được phô diễn trong màu hoa đào, hoa mận nở rộ. Ở đây, thậm chí bà con trồng đào để làm hàng rào trong vườn nhà, trên rẫy, nên hoa cứ thế mà nẩy nụ , đơm bông suốt dọc lối đi, ở khắp mọi nơi trên đồi, trong bản. Trên vùng đất thơ mộng này, bà con đang nỗ lực làm những con đường phục vụ sản xuất, sinh hoạt; trồng thêm nhiều loại hoa tạo cảnh quan đẹp; dựng thêm những ngôi nhà sàn kết hợp làm du lịch homestay… Với lợi thế khí hậu ôn hòa, mát mẻ quanh năm, bà con thực hiện mô hình trồng rau hữu cơ và nuôi các con đặc sản, để có nguồn thực phẩm đảm bảo an toàn cung cấp cho các phố thị miền xuôi.

“Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”. Quê mình vốn đã đẹp rồi, có bàn tay ta xây dựng sẽ càng trở nên trù phú hơn. Vậy nên, có rất nhiều bạn trẻ đã rời phố thị về với đồng làng, đã chọn con đường không ly hương mà khởi nghiệp ngay trên chính quê nhà. Họ đang giúp cho những bức họa đồng quê thêm tươi đẹp, những làng bản thực sự là nơi đáng sống, để xứ Thanh luôn là điểm lựa chọn của du khách muôn phương.

Bài và ảnh: Mai Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]