(vhds.baothanhhoa.vn) - Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, đặc biệt là đợt bùng phát dịch thứ 4, khiến cho thị trường xuất khẩu nông sản phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực của chính doanh nghiệp, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu tăng cả về số lượng và giá trị xuất khẩu, góp phần tạo doanh thu cho doanh nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động.

Xuất khẩu nông sản vượt khó trước đại dịch

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, đặc biệt là đợt bùng phát dịch thứ 4, khiến cho thị trường xuất khẩu nông sản phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực của chính doanh nghiệp, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu tăng cả về số lượng và giá trị xuất khẩu, góp phần tạo doanh thu cho doanh nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động.

Xuất khẩu nông sản vượt khó trước đại dịchSơ chế ngao tại Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Thanh Hóa.

Công ty TNHH Tư Thành, địa chỉ Lô 05, Khu công nghiệp (KCN) Đình Hương - Tây Bắc Ga (TP Thanh Hóa) là doanh nghiệp chuyên sản xuất, chế biến các sản phẩm củ, quả xuất khẩu, gồm: vải, dưa chuột và dứa đóng hộp. Sản phẩm của công ty hiện có mặt tại thị trường nhiều nước châu Âu và Trung Cận Đông. Chia sẻ về những khó khăn trong thời gian qua, bà Đồng Thị Tuyết Anh, Giám đốc Công ty, cho biết: “Trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, việc vận chuyển nguyên liệu từ các tỉnh ngoài về gặp khó khăn thời gian và chi phí, ảnh hưởng tiêu cực đến tiến độ sản xuất, chế biến. Bên cạnh đó, để xuất khẩu lô hàng không phải là chuyện đơn giản. Ngoài phải chịu giá cước vận tải bằng đường biển tăng từ 5 - 7 lần so với những năm trước đó, việc tìm đặt chỗ chuẩn bị cho việc xuất hàng hóa vô cùng khó do thiếu hụt container rỗng đóng hàng. Khó đặt chỗ đã đành nhưng đặt được chỗ, cầm lệnh xuất trên tay cũng chưa chắc hàng đã đi được. Theo quy định của phía vận tải biển, nếu đặt chỗ 6 xe container, tương đương phải huy động 6 xe tải gắp cùng một lúc 6 vỏ container từ Hải Phòng về đóng hàng lên tàu. Đây là quy định rất khó đối với doanh nghiệp vì không thể chủ động được xe. Chính vì quy định đặt ra như vậy nên có lúc đặt chỗ được rồi và cầm lệnh trên tay nhưng hàng vẫn không đi được, đành phải hủy và nằm chờ cả tháng. Hàng không đi được nghĩa là thêm chi phí lưu kho, bãi, chi phí thay đổi khai báo hải quan và quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp”.

Tuy nhiên, công ty luôn theo dõi, nắm bắt tình hình và dự báo khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh

COVID-19, từ đó xây dựng chiến lược nhằm ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh, giữ vững được thị trường. Do vậy, 9 tháng năm 2021, công ty đạt doanh thu hơn 3 triệu USD, tăng 125% so với cùng kỳ. Bà Đồng Thị Tuyết Anh, cho biết thêm: Tuy giá trị xuất khẩu 9 tháng của năm 2021 tăng hơn so cùng kỳ năm trước, song lợi nhuận đem lại gần như bằng 0. Bởi, ảnh hưởng dịch bệnh đội giá cước vận chuyển hàng hóa, cộng với các chi phí đầu vào (đường nguyên liệu và vỏ lon đóng hộp) đều tăng khoảng 60%. Mặc dù vậy, Công ty TNHH Tư Thành vẫn chấp nhận duy trì sản xuất, kinh doanh, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng và mất thị trường xuất khẩu.

Nằm ở top đầu trong số 3 doanh nghiệp lớn chuyên xuất khẩu nhuyễn thể 2 mảnh vỏ của Việt Nam, Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Thanh Hóa, địa chỉ Lô E, KCN Lễ Môn (TP Thanh Hóa) có sản phẩm chính là ngao hấp chín xuất khẩu. Ông Lê Quý Việt, Chủ tịch HĐQT công ty, cho biết: Từ năm 2015, sản phẩm ngao hấp chín của công ty đã tìm được chỗ đứng và hiện đang có mặt tại nhiều nước châu Á, châu Âu và châu Mỹ với các hợp đồng xuất khẩu được duy trì và luôn có mức tăng trưởng khá, đạt từ 15-20% mỗi năm. Riêng năm 2020, bình quân công ty xuất khẩu 1.200 tấn sản phẩm/ tháng. Những tháng đầu năm 2021, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến thị trường xuất khẩu, nhiều nước tạm cấm hoặc giảm sản lượng mua vào, nên hoạt động xuất khẩu của công ty gần như bị đóng băng. Từ tháng 5 đến nay, thị trường xuất khẩu ở một số nước được nối lại, mỗi tháng công ty có từ 1.500 - 1.700 tấn ngao hấp chín được xuất khẩu và là 1 trong 2 công ty đạt sản lượng lớn ngao hấp chín xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới.

Cũng theo ông Lê Quý Việt, tuy sản lượng ngao xuất khẩu đạt cao, giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động với mức thu nhập 8 triệu đồng/người/ tháng, nhưng doanh nghiệp gần như không có lợi nhuận, do cước vận tải tăng gấp nhiều lần so với những năm trước đó. Dù vậy, công ty vẫn phải cố gắng khắc phục để duy trì sản xuất, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng và giữ thị trường tiêu thụ.

Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản không có lợi nhuận không chỉ xảy ra ở Công ty TNHH Tư Thành hay Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Thanh Hóa mà còn xảy ra ở nhiều công ty khác. Về thực trạng này, ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng Phòng Xuất nhập khẩu (Sở Công thương), cho biết: Trong số 150 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu hàng hóa (40 doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm nông, lâm, thủy sản) trên địa bàn tỉnh đa số đều có chung tình cảnh này. Mới đây, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, trong đó có việc cắt giảm chi phí logistics. Khi các khó khăn được tháo gỡ, dịch bệnh được kiểm soát, cộng với các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (gọi tắt là CPTPP); Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam, Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA) được thực thi một cách toàn diện, hiệu quả, sẽ là đòn bẩy để xuất khẩu Việt Nam nói chung, Thanh Hóa nói riêng tiếp tục khởi sắc.

Theo Sở Công Thương: Năm 2020, giá trị xuất khẩu nông sản (chính ngạch) của Thanh Hóa đạt 94,767 triệu USD, trong đó, 9 tháng đầu năm đạt 61,928 triệu USD. Đến 9 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu nông sản ước đạt 71,226 triệu USD, tăng 15,01% so cùng kỳ năm 2020.

Bài và ảnh: Minh Lý



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]