(vhds.baothanhhoa.vn) - Huyện vùng cao biên giới Quan Sơn có bản Mùa Xuân, bản Xía Nọi (xã Sơn Thủy), bản Ché Lầu (xã Na Mèo) với 217 hộ/1.044 nhân khẩu, 100% số hộ là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Đây là những bản xa xôi, đời sống đồng bào khó khăn nhất huyện. Thời gian qua, thực hiện Đề án “Ổn định sản xuất, đời sống và phát triển kinh tế - xã hội các bản dân tộc Mông, huyện Quan Sơn, giai đoạn 2016-2020”; hỗ trợ xóa nhà tranh tre, tạm bợ, dột nát theo Chương trình 167, 135... đã giúp đồng bào thay đổi mọi mặt đời sống.

Đổi thay ở vùng đồng bào dân tộc Mông

Huyện vùng cao biên giới Quan Sơn có bản Mùa Xuân, bản Xía Nọi (xã Sơn Thủy), bản Ché Lầu (xã Na Mèo) với 217 hộ/1.044 nhân khẩu, 100% số hộ là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Đây là những bản xa xôi, đời sống đồng bào khó khăn nhất huyện. Thời gian qua, thực hiện Đề án “Ổn định sản xuất, đời sống và phát triển kinh tế - xã hội các bản dân tộc Mông, huyện Quan Sơn, giai đoạn 2016-2020”; hỗ trợ xóa nhà tranh tre, tạm bợ, dột nát theo Chương trình 167, 135... đã giúp đồng bào thay đổi mọi mặt đời sống.

Đổi thay ở vùng đồng bào dân tộc Mông

Xã Na Mèo (Quan Sơn) phối hợp với Đồn Biên phòng Na Mèo trao con giống cho bà con bản Ché Lầu.

Đặc biệt, từ năm 2020, huyện Quan Sơn đã đầu tư làm đường giao thông đi các bản Mùa Xuân, Xía Nọi, làm đường từ bản Son đi Ché Lầu... với chiều dài hơn 10km, giúp việc đi lại, mua bán, trao đổi hàng hóa của đồng bào thuận lợi hơn.

Bí thư Đảng ủy xã Na Mèo Phạm Đức Lương cho biết: "Ché Lầu là bản người Mông đầu tiên của huyện Quan Sơn được công nhận là bản văn hóa. Bản có nhiều hộ gia đình thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm từ chăn nuôi gia súc, gia cầm. Xã Na Mèo cũng đã vận động bà con mở rộng trồng 2 vụ lúa nước trên diện tích đất nông nghiệp để đảm bảo lương thực tại chỗ, phấn đấu đến năm 2025 Ché Lầu trở thành bản nông thôn mới và cơ bản các hộ dân có nhà ở kiên cố trong năm 2023".

Huyện Mường Lát có 39 bản người Mông thuộc 6 xã: Quang Chiểu, Tam Chung, Pù Nhi, Nhi Sơn, Trung Lý và Mường Lý, với khoảng 3.387 hộ/17.933 nhân khẩu, chiếm 43,61% dân số toàn huyện. Do sinh sống trong điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, địa hình hiểm trở, nông nghiệp chậm phát triển nên cuộc sống của đồng bảo còn gặp nhiều khó khăn. Với sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án phát triển kinh tế, đến nay các bản đồng bào Mông đã có bước phát triển, kết cấu hạ tầng được đầu tư, đời sống được cải thiện, nhiều hộ đã xóa được nhà tạm, nhà dột nát, từ đó ổn định nơi ở, ổn định sản xuất và đời sống.

Bản Pha Đén cách trung tâm xã Pù Nhi 8 km, trong bản có 96 hộ người Mông, với 436 nhân khẩu, phân bố dọc theo con đường mòn dài 4,7 km. Trước năm 2014, bản Pha Đén có 100% số hộ trong bản thuộc diện hộ nghèo. Từ khi tuyến đường bê tông dài 4,5 km hoàn thành nối bản Pha Đén với xã Pù Nhi vào năm 2015 đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong sinh hoạt, phát triển kinh tế. Cùng với sự hỗ trợ của các cấp, các ngành thông qua các chương trình, dự án, bà con trong bản đã đầu tư hiệu quả các dự án cây trồng, vật nuôi, biết áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Đặc biệt, mấy năm trở lại đây bà con được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pù Nhi hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc giống ngô lai và chăn nuôi gia súc, gia cầm, từ đó đời sống của người dân được nâng lên, góp phần phát triển kinh tế bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo của bản giảm xuống dưới 50%, 100% trẻ em được đến trường đúng độ tuổi, năm 2019 điện lưới quốc gia đã về với bản Pha Đén. Đồng bào nơi đây đã xóa bỏ được tập tục lạc hậu trong tang ma.

Với 1,5% dân số là đồng bào dân tộc Mông, sinh sống chủ yếu ở 46 bản làng, thuộc 10 xã giáp biên giới, các huyện Quan Hóa, Quan Sơn và Mường Lát đã triển khai có hiệu quả nhiều chương trình, chính sách dân tộc của Nhà nước như: Chương trình 134, Chương trình 30a, Chương trình 167 của Chính phủ... Đồng thời, ban hành nhiều đề án, chính sách đặc thù dành cho đồng bào, trong đó ưu tiên đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng đồng bào Mông như: Đề án “Ổn định đời sống, sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội đồng bào Mông huyện Mường Lát”; Đề án “Ổn định đời sống, sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội các bản dân tộc Mông huyện Quan Sơn”... Thực hiện “Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025”, tỉnh đã giao tổng vốn thực hiện năm 2022 đối với 3 huyện có đồng bào Mông hơn 116 tỷ đồng; triển khai cấp điện cho 14 thôn, bản của 3 huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn.

Theo số liệu của Ban Dân tộc tỉnh, thông qua các chương trình, dự án, đề án, Nhà nước đã đầu tư xây dựng 115 công trình điện, đường, trường, trạm y tế, nhà văn hóa vùng đồng bào dân tộc Mông. Giai đoạn 2016-2020, tỉnh cũng đã hỗ trợ 8 mô hình phát triển sản xuất; đầu tư xây dựng 42 công trình giao thông, thủy lợi, điện, nước sạch, trường học, nhà văn hóa, trạm y tế... với tổng mức đầu tư trên 100 tỷ đồng. Đến nay, đã có trên 50% đường giao thông đến các bản Mông được bê tông hóa.

Những thành quả hôm nay mà các bản Mông đạt được, ngoài sự nỗ lực cố gắng của người dân thì nguồn lực đầu tư, hỗ trợ từ các chương trình, dự án đã mang lại hiệu quả rõ rệt, từ đó giúp nhiều gia đình ở bản Mông vươn lên trong phát triển kinh tế, chung sức xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Bài và ảnh: Hoàng Lan



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]