(vhds.baothanhhoa.vn) - Mường Lát là địa bàn sinh sống của nhiều dân tộc với những phong tục, tập quán khác nhau. Huyện vùng biên này còn được thiên nhiên ban tặng vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ, là những lợi thế để phát triển du lịch, nhất là loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Dẫu vậy, những tiềm năng ấy vẫn chưa được khai thác một cách đúng mức.

“Đòn bẩy” thúc đẩy du lịch vùng biên

Mường Lát là địa bàn sinh sống của nhiều dân tộc với những phong tục, tập quán khác nhau. Huyện vùng biên này còn được thiên nhiên ban tặng vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ, là những lợi thế để phát triển du lịch, nhất là loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Dẫu vậy, những tiềm năng ấy vẫn chưa được khai thác một cách đúng mức.

“Đòn bẩy” thúc đẩy du lịch vùng biênMột góc ruộng bậc thang đẹp nên thơ vào mùa lúa chín tại bản Mờng, xã Quang Chiểu (Mường Lát).

Với diện tích tự nhiên gần 81.000 ha, Mường Lát hiện có hơn 40.000 người thuộc 6 dân tộc: Thái, Mông, Mường, Dao, Khơ Mú và Kinh. Đến Mường Lát, những du khách ưa thích khám phá cung đường “ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống” thì sẽ chọn ngược Sài Khao. Đây là địa danh thuộc xã Mường Lý, là một trong những nơi được nhà thơ Quang Dũng nhắc đến trong bài thơ “Tây Tiến”. Tinh mơ, Sài Khao được bao phủ bởi lớp sương mù dày đặc. Còn hoàng hôn thì hút du khách với khói lam chiều phảng phất từ gian bếp của đồng bào Mông. Ở Sài Khao, du khách sẽ được nghe người dân kể về Trung đoàn 52 Tây Tiến; thăm bia tưởng niệm có biểu trưng của Trung đoàn Tây Tiến.

Nằm bên dòng sông Mã êm đềm, bản Pom Khuông, xã Tam Chung là bản đẹp nhất ở Mường Lát. Bản có 78 hộ, 440 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Mông. Trải qua bao thế hệ, đồng bào Mông nơi đây vẫn còn gìn giữ nét văn hóa truyền thống thuần khiết. Đó là những ngôi nhà được xây dựng hoàn toàn bằng đất với những khung cảnh bình yên trong lao động sản xuất như bà ủ rượu ngô, bố gọt sắn, mẹ thái sợi. Đó còn là những thửa ruộng bậc thang uốn lượn trong mây trời.

Sẽ là thiếu sót nếu đến Mường Lát mà không tham quan, mua sắm ở cửa khẩu biên giới Tén Tằn thuộc khu phố Tén Tằn, thị trấn Mường Lát. Cửa khẩu vùng biên này không chỉ là điểm giao thương quan trọng giữa Việt Nam với Lào, mà còn thu hút du khách bởi vẻ đẹp tự nhiên hoang sơ và nét văn hóa đa dạng của vùng biên giới. Bên cạnh những địa danh du lịch hấp dẫn, huyện vùng biên còn có những đặc sản vô cùng thơm ngon như bánh ú, cơm lam, canh chuối rừng, thịt trâu gác bếp, sâu măng...

Tiềm năng du lịch là vậy, song những lợi thế này vẫn chưa được khai thác, phát huy một cách hiệu quả. Bí thư Đảng ủy xã Tam Chung Lò Thị Thiết thừa nhận, xã có núi non hùng vĩ, hệ thống hang động kỳ bí, hoang sơ như hang Thắm Táu, hang Da Báo; có nét văn hóa đặc trưng của bà con dân tộc Thái, Mông... song chưa được đánh thức. Nếu được đầu tư, khai thác một cách bài bản thì việc phát triển du lịch sẽ là hướng mở để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Đồng quan điểm, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mường Lát Lò Văn Tuấn cho biết: Đến nay lĩnh vực du lịch trên địa bàn huyện vẫn chưa phát huy hiệu quả. Nguyên nhân thì nhiều, song chủ yếu vẫn là khó khăn về nguồn vốn đầu tư hạ tầng du lịch, xây dựng sản phẩm đặc trưng hay như chưa làm tốt công tác tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của bà con về lợi ích của phát triển du lịch.

Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng của huyện, là điểm đến của du khách trong và ngoài tỉnh; đến năm 2030 trở thành một trong những ngành kinh tế trọng điểm, có đóng góp quan trọng vào nền kinh tế địa phương, đưa Mường Lát thoát nghèo nhanh, bền vững, ngày 18-5-2023 Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 1673/QĐ-UBND phê duyệt Đề án phát triển du lịch huyện Mường Lát đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, phát triển du lịch phải đảm bảo hài hòa với phát triển kinh tế - xã hội. Có bản sắc văn hóa riêng, gắn liền với giữ gìn cảnh quan và bảo vệ môi trường, giữ vững quốc phòng - an ninh khu vực biên giới, mang lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng địa phương. Bảo tồn, phát huy các giá trị tự nhiên, giá trị văn hóa dân tộc Thái, Mông, Dao, Khơ Mú... gắn phát triển du lịch cộng đồng với XDNTM và phát triển nghề truyền thống của huyện.

Đề án cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2025 huyện vùng biên đón hơn 14.000 lượt khách du lịch, tổng thu từ du lịch đạt 10.350 triệu đồng; có 29 cơ sở lưu trú với 90 phòng, thu hút được 270 lao động tham gia vào hoạt động du lịch. Đến năm 2030 đón hơn 28 nghìn lượt khách du lịch, tổng thu từ du lịch đạt 26.800 triệu đồng, có 76 cơ sở lưu trú với tổng 163 phòng, thu hút được 590 lao động tham gia vào hoạt động du lịch. Trong đó, tập trung phát triển 4 sản phẩm du lịch gồm: du lịch cộng đồng gắn với giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện và các bản làng biên giới. Du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh, gắn với các địa danh thu hút sự khám phá bản Sài Khao, bia tưởng niệm Tây Tiến, cột mốc 281... Du lịch sinh thái kết hợp nghiên cứu học tập, tham quan, nghỉ dưỡng gắn với Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hu; và du lịch biên giới gắn với Cửa khẩu Tén Tằn, thị trấn Mường Lát, bản làng ven biên giới.

Tin rằng đề án sẽ là “đòn bẩy” để du lịch ở huyện vùng biên phát triển, đồng thời góp phần giúp cho huyện Mường Lát sớm thoát khỏi huyện nghèo vào năm 2030.

Bài và ảnh: Đình Giang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]