(vhds.baothanhhoa.vn) - Hè đến, các loại hình du lịch biển, du lịch cộng đồng trên địa bàn Thanh Hóa thu hút đông đảo du khách, nhưng có những điểm du lịch làng nghề chỉ cách biển chừng hơn 1 km vẫn không một bóng khách ghé thăm.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Du lịch làng nghề vẫn đìu hiu

Hè đến, các loại hình du lịch biển, du lịch cộng đồng trên địa bàn Thanh Hóa thu hút đông đảo du khách, nhưng có những điểm du lịch làng nghề chỉ cách biển chừng hơn 1 km vẫn không một bóng khách ghé thăm.

Buồn như... du lịch làng nghề

Những năm gần đây, loại hình du lịch làng nghề truyền thống ở Thanh Hóa nói riêng và nhiều địa phương khác trong cả nước nói chung được chú trọng, phát triển, nhằm tạo ra sản phẩm hấp dẫn đối với du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài. Trên thực tế, du lịch làng nghề xứ Thanh đã thu hút một lượng du khách đáng kể, tuy nhiên mới chỉ dừng lại ở mức độ tự phát, chưa hình thành được cách làm chuyên nghiệp, bền vững.

Sầm Sơn với nhiều lợi thế trong việc thu hút khách đến tham quan các điểm làm nghề truyền thống. Đáng chú ý, làng nghề đồ lưu niệm từ sản phẩm biển (vỏ trai, sò, ốc...) của phường Trường Sơn đã được UBND tỉnh quyết định phê duyệt là 1 trong 15 làng nghề trong quy hoạch điểm du lịch làng nghề truyền thống, giai đoạn 2016 - 2020. Thế nhưng, trên bãi biển tấp nập du khách, trong khi địa điểm làm nghề truyền thống này chỉ cách biển chừng hơn 1 km vẫn không một khách ghé thăm.

Ông Lê Nhữ Thành - Chủ nhiệm HTX thủ công mỹ nghệ Đắc Thủy (cơ sở chuyên sản xuất đồ lưu niệm từ vỏ trai, sò, ốc... tại phường Trường Sơn) cho biết: “Vào hè thi thoảng cũng có một vài đoàn khách ghé thăm. Trước đây chúng tôi từng đón đoàn khách đến từ nước Lào và một vài nghệ sỹ nổi tiếng ghé thăm. Tuy nhiên khách đến tham quan chủ yếu là do các lái xe điện dẫn tới. Khách biết đến nơi đây rất ít. Năm nay, từ đầu mùa du lịch đến giờ chưa có đoàn khách nào ghé thăm cơ sở sản xuất của chúng tôi”.

Hè đến các cơ sở sản xuất đồ lưu niệm truyền thống trên địa bàn TP Sầm Sơn vẫn vắng khách tham quan.

Với lợi thế không kém, là địa phương phát triển mạnh loại hình du lịch biển trong những năm gần đây, Hoằng Hóa là mảnh đất với 18 làng nghề truyền thống. Mặc dù, trước sự biến đổi của nền kinh tế thị trường, song đến nay các làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện vẫn duy trì được tốc độ phát triển. Trong số đó phải kể đến những làng nghề mây tre đan ở xã Hoằng Thịnh, hiện có tới gần 600 hộ tham gia. Cùng với đó làng nghề mộc của các xã Hoằng Hà, Hoằng Đạt, Hoằng Lương vẫn phát triển mạnh mẽ. Theo đó, huyện đã bố trí quy hoạch và triển khai xây dựng cụm làng nghề tại xã Hoằng Hà (diện tích 1,5 ha) và xã Hoằng Đạt (4.000 m2) là điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất kinh doanh cũng như phát triển du lịch làng nghề. Tuy nhiên, cùng chung thực trạng với các làng nghề trên địa bàn tỉnh, hè đến du lịch biển Hải Tiến tấp nập nhưng các làng nghề truyền thống lại vắng tanh.

Đừng để chỉ là tiềm năng

Có thể nói rằng, phát triển du lịch làng nghề truyền thống là một hướng đi đúng đắn và phù hợp, được ưu tiên trong chính sách quảng bá và phát triển du lịch của tỉnh Thanh Hóa. Những lợi ích to lớn của việc phát triển du lịch làng nghề không chỉ thể hiện ở những con số tăng trưởng lợi nhuận kinh tế, ở việc giải quyết nguồn lao động địa phương mà hơn thế nữa, còn là một cách thức gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hoá của người xứ Thanh. Đó là những lợi ích lâu dài không thể tính được trong ngày một ngày hai.

Ngày 25/9/2014, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 3136/QĐ-UBND về việc phê duyệt các điểm quy hoạch du lịch làng nghề, có mục tiêu đến năm 2020 toàn tỉnh có 15 làng nghề trở thành điểm du lịch; thu hút 57.000 lượt khách du lịch quốc tế và 1,3 - 1,5 triệu lượt khách... Toàn tỉnh có 4 khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm các làng nghề (2 khu trưng bày tại TP Thanh Hóa và 2 khu trưng bày tại TP Sầm Sơn).

Tuy nhiên, đến nay chỉ còn hơn 2 năm để đến hạn chót, trên địa bàn toàn tỉnh vẫn chưa có điểm du lịch làng nghề truyền thống nào đi vào hoạt động một cách bài bản, ổn định.

Ông Bùi Ngọc Thành - Trưởng phòng Kinh tế UBND TP Sầm Sơn cho rằng: Sở dĩ hiện nay các làng nghề truyền thống chưa thu hút được du khách đến tham quan nguyên nhân không phải do các đơn vị lữ hành chưa kết nối tour, mà quan trọng ở đây chưa có sự đầu tư trở thành điểm du lịch làng nghề đúng nghĩa để đưa vào phục vụ du khách. Thực tế hiện nay các địa điểm làm nghề truyền thống trên địa bàn TP Sầm Sơn cũng vậy, như làng nghề đồ lưu niệm từ sản phẩm biển (vỏ trai, sò, ốc...) của phường Trường Sơn, đã có quyết định của tỉnh về việc phê duyệt quy hoạch điểm du lịch làng nghề truyền thống nhưng đến nay chưa có sự đầu tư gì. Trước ảnh hưởng của kinh tế thị trường, nghề truyền thống lại ngày càng mai một, nếu không có sự đầu tư kịp thời, việc phát triển du lịch làng nghề sẽ ngày càng trở nên khó khăn.

Thiết nghĩ, bên cạnh những lợi ích về KT-XH, du lịch làng nghề còn góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy những bản sắc văn hoá độc đáo của mỗi địa phương. Tuy nhiên, thực tế việc phát triển du lịch làng nghề trên địa bàn tỉnh đến nay vẫn rất “manh mún” và gần như dậm chân tại chỗ. Rất nhiều làng nghề truyền thống có những sản phẩm độc đáo nhưng chưa được khai thác, thậm chí có nơi chưa từng đón bất cứ khách du lịch nào.

Hoài Anh


Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]