(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong tiết trời ấm áp, khí xuân ngập lối, lòng người như càng hân hoan trước sức sống căng tràn của thiên nhiên. Trên hành trình du xuân miền tâm linh đầu năm thì Am Tiên (Triệu Sơn) luôn là điểm đến quen thuộc của hàng vạn du khách trong và ngoài tỉnh. Nơi trời đất giao hòa, du khách không chỉ được đắm chìm trong cảnh sắc thiên nhiên kỳ thú mà còn được cộng cảm trong không gian văn hóa - lịch sử linh liêng.

Du xuân thăm Am Tiên

Trong tiết trời ấm áp, khí xuân ngập lối, lòng người như càng hân hoan trước sức sống căng tràn của thiên nhiên. Trên hành trình du xuân miền tâm linh đầu năm thì Am Tiên (Triệu Sơn) luôn là điểm đến quen thuộc của hàng vạn du khách trong và ngoài tỉnh. Nơi trời đất giao hòa, du khách không chỉ được đắm chìm trong cảnh sắc thiên nhiên kỳ thú mà còn được cộng cảm trong không gian văn hóa - lịch sử linh liêng.

Du xuân thăm Am TiênDu khách tham quan, vãn cảnh tại Am Tiên.

Am Tiên là ngôi đền thuộc Khu Di tích lịch sử danh lam thắng cảnh địa điểm khởi nghĩa Bà Triệu gồm: núi Nưa - đền Nưa - Am Tiên. Nhắc đến Am Tiên là nhắc nhớ đến Ngàn Nưa - nơi gắn liền với cuộc khởi nghĩa Bà Triệu. Vào năm 248, Triệu Thị Trinh cùng anh trai là Triệu Quốc Đạt đã tập hợp nghĩa sĩ, chọn núi Nưa làm căn cứ luyện tập võ nghệ, dấy binh khởi nghĩa. Dãy Ngàn Nưa được tạo thành từ bảy ngọn núi xếp liền kề tạo thế rồng cuốn, đầu nhô cao như đầu hổ vươn mình về biển Đông. Từ nơi đây, nghĩa quân đã tràn xuống tấn công thành Tư Phố - nơi đặt cơ quan đầu não của chính quyền đô hộ. Cuộc tấn công giành thắng lợi khiến chính quyền đô hộ không kịp trở tay. Tiếp đó, nhiều cuộc tiến công nổ ra, cuộc khởi nghĩa lan rộng khắp vùng, trở thành một trong những cuộc nổi dậy có tầm ảnh hưởng làm lung lay thành lũy đô hộ của nhà Ngô lúc bấy giờ.

Sau khi Bà Triệu mất, Nhân dân trong vùng đã lập đền thờ dưới chân núi Nưa, đồng thời tổ chức lễ hội hằng năm để ghi nhớ công ơn của Bà. Hình ảnh Bà Triệu cưỡi voi, đánh cồng đã trở thành biểu tượng xứ Thanh và Ngàn Nưa đã trở thành chứng tích lịch sử thể hiện sự dũng cảm, lòng yêu nước bất diệt của nữ anh hùng Triệu Thị Trinh và ba quân tướng sĩ.

Đến với Am Tiên, ngay từ đường vào, Nhân dân và du khách sẽ được ngắm hai hàng xà cừ cổ thụ - hàng cây di sản Việt Nam nghiêng mình chào đón. Đi qua đền Nưa dưới chân núi, vượt qua các ngọn núi trùng điệp du khách sẽ đến với Am Tiên trên đỉnh. Từ cổng Am Tiên đi vào, du khách sẽ được tham quan, chiêm bái chùa bích vân công tự, phủ, đền vọng thờ Bà Triệu trên núi Nưa. Đây là nơi hội tụ nhiều tín ngưỡng của người Việt như đạo Giáo, đạo Phật, đạo Mẫu.

Từ cổng Am Tiên, đi vào sâu hơn 100m du khách sẽ thấy huyệt đạo được đánh giá là 1 trong 3 huyệt đạo rất linh thiêng của đất nước. Đó là: núi Đá Chông (huyện Ba Vì, TP Hà Nội); núi Bà Đen (xã Thạnh Tân, TP Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh); núi Nưa (huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Huyệt đạo nằm ở đỉnh cao nhất của dãy Ngàn Nưa, là nơi giao hòa giữa đất và trời. Đứng ở đây có thể cảm nhận được sự chuyển động của vũ trụ. Bởi, nếu du khách nắm tay, nhắm mắt lại, sau đó thả lỏng cơ thể sẽ thấy tâm hồn như đang bay bổng.

Gắn với huyệt đạo thiêng này, dân gian còn tương truyền rằng, nam đi 7 vòng, nữ đi 9 vòng xung quanh huyệt đạo sẽ được mạnh khỏe, may mắn, bình an, hạnh phúc. Do đó, khi đến với Am Tiên, người dân và du khách thập phương đều giành những phút giây thư giãn, tĩnh tâm để tâm hồn được hòa quyện với thiên nhiên, được hấp thụ những “sinh khí” của đất trời và thong thả bước vòng quanh huyệt đạo với mong muốn sẽ được may mắn, bình an, hạnh phúc trong năm mới.

Không những vậy, nơi đất thiêng còn gắn liền với nhiều câu chuyện huyền bí như giếng Tiên không bao giờ cạn nước dù nhiều năm trong vùng khô cạn; ai tới giếng cầu xin nước về uống hay rửa mặt, sẽ gặp được nhiều may mắn. Hay câu chuyện về vườn đào Tiên, vườn thuốc Tiên... khiến cho nơi đây luôn nhuốm màu huyền bí.

Du xuân thăm Am TiênDu khách dâng hương, vãn cảnh tại huyệt đạo thuộc Am Tiên.

Lựa chọn Am Tiên là điểm đến du xuân đầu tiên của gia đình, chị Lê Thị Tâm, TP Thanh Hóa chia sẻ: “Năm nay thời tiết đẹp, gia đình tôi đã chọn Am Tiên là điểm đến đầu tiên trong hành trình du xuân. Đến đây, sau khi chiêm bái tại các địa điểm thờ tự, tôi thường dành thời gian đi vòng quanh huyệt đạo với mong muốn cầu bình an, hạnh phúc, mọi việc hanh thông. Chuyến đi cũng là dịp để con cháu tôi được trải nghiệm, được hiểu thêm về văn hóa dân tộc và truyền thống yêu nước của dân tộc”. Còn chị Mai Thị Liên (Nga Sơn) chia sẻ: “Am Tiên là nơi linh thiêng, năm nào dịp đầu xuân tôi cùng gia đình cũng đến tham quan, chiêm bái. Khi đến đây, chúng tôi đều gạt bỏ mọi muộn phiền, lo toan, vừa đi vừa cầu khấn cho mình được bình an, may mắn, sẽ giúp tinh thần sảng khoái, thư thái”.

Theo thông lệ, cứ đến ngày mùng 9 tháng Giêng hằng năm, lễ hội đền Nưa – Am Tiên mới bắt đầu với nghi lễ mở “cổng trời”, xin lộc, cầu quốc thái dân an. Tuy nhiên, từ trong Tết Nguyên đán, Am Tiên đã thường xuyên đón Nhân dân và du khách đến tham quan, chiêm bái.

Để đảm bảo an toàn cho Nhân dân và du khách, ngay từ trước Tết Nguyên đán, chính quyền địa phương, ban quản lý khu di tích đã chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng cho mùa lễ hội. Đồng chí Hoàng Văn Chung, Chủ tịch UBND thị trấn Nưa cho biết: “Bám sát kế hoạch và hướng dẫn của huyện, thị trấn Nưa đã họp và phân công nhiệm vụ cho lực lượng công an, hội đoàn thể và từng cán bộ, công chức đảm bảo các phương án về an ninh trật tự, phòng cháy, chữa cháy, đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm tại khu di tích. Ngoài ra, thị trấn đã mua sắm, bổ sung các trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy, thay đổi làm mới các biển nội quy tại di tích, treo cờ, phướn tại di tích và khu vực xung quanh di tích”.

Bài vả ảnh: Thùy Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]