(vhds.baothanhhoa.vn) - Một trong những cách góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống đó chính là đưa nét văn hóa dân tộc vào trường học. Qua đó, giúp học sinh hiểu và tự hào hơn về văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Đưa nét văn hóa dân tộc vào hoạt động ngoài giờ lên lớp

Một trong những cách góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống đó chính là đưa nét văn hóa dân tộc vào trường học. Qua đó, giúp học sinh hiểu và tự hào hơn về văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Đưa nét văn hóa dân tộc vào hoạt động ngoài giờ lên lớpHiệu trưởng Nguyễn Văn Sáng với tiết dạy Giáo dục địa phương về Lễ hội Pôồn Pôông. Ảnh: Việt Anh

“Đến hẹn lại lên”, vào tiết chào cờ sáng thứ 2 mỗi tuần, học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS Lang Chánh (huyện Lang Chánh) lại mặc trang phục dân tộc Thái, Mường. Quy định này, nhà trường duy trì từ nhiều năm nay và được học sinh thực hiện nghiêm túc. Không chỉ mặc trang phục vào thứ 2 đầu tuần mà tại các hoạt động tập thể, ngày lễ, kỷ niệm, trang phục dân tộc của học sinh lại được khoe sắc.

Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS Lang Chánh có 240 học sinh của 2 dân tộc Mường và Thái. Theo chia sẻ của thầy giáo Nguyễn Xuân Chiến, hiệu trưởng nhà trường: Vì nhà xa nên mỗi tháng học sinh về nhà 1 lần. Thời gian các em ở trường còn nhiều hơn ở nhà nên bên cạnh dạy kiến thức, học sinh còn nhận được sự quan tâm, chăm sóc của thầy, cô như chính người thân trong gia đình. “Ngoài truyền dạy kiến thức, ngoài trách nhiệm của người thầy, chúng tôi còn có nhiệm vụ đặc biệt đó là đưa nét văn hóa dân tộc đến học sinh”. Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Chiến nói. “Đây là điều hết sức cần thiết. Như thứ 2 đầu tuần mặc trang phục truyền thống, rồi dịp lễ, hội thao, các em tham gia đẩy gậy, ném còn, múa sạp... Tổ chức được các hoạt động này, học sinh chắc chắn sẽ tự hào hơn về bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Từ đó cùng nâng cao ý thức gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống”.

Là một Liên đội trưởng gương mẫu, một lớp trưởng năng nổ, nhiệt tình, Hà Thị Phương Thảo, người dân tộc Thái, học sinh lớp 9B ở Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS Lang Chánh còn để lại nhiều dấu ấn trong hoạt động phong trào. Đưa nét văn hóa dân tộc vào hoạt động ngoài giờ lên lớp, Phương Thảo là 1 trong những học sinh tham gia tích cực. Em cho biết: “Chúng em đều là người dân tộc nên hào hứng khi tham gia các buổi sinh hoạt văn hóa truyền thống. Dân tộc Thái và Mường cũng có những điểm khác nhau nên chúng em rất háo hức khi tìm hiểu về nét văn hóa của mỗi dân tộc. Các bạn có thể cùng mặc thử trang phục của nhau để xem sự khác nhau như thế nào, cùng chơi ném còn... Thực sự rất ý nghĩa vì qua những hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, chúng em có cơ hội giao lưu, gắn bó, đoàn kết hơn...”.

Đưa nét văn hóa dân tộc vào hoạt động ngoài giờ lên lớpPhụ huynh và học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS Lang Chánh trong điệu múa sạp. (Ảnh nhà trường cung cấp)

Ngày 27/7/2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1270/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020”. Đề án có ý nghĩa quan trọng trong bảo tồn, phát huy những giá trị bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Thực tế, tại Thanh Hóa, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản chỉ đạo định hướng các cấp học từ TH đến THPT đưa các hoạt động bảo tồn văn hóa vào nội dung sinh hoạt ngoại khóa. Hoạt động này được xem là một tiêu chí để bình xét danh hiệu thi đua thực hiện phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Nhìn chung, các nhà trường đã triển khai và thực hiện hiệu quả. Câu chuyện ở Trường THCS Thành Long (Thạch Thành) sẽ cho thấy rõ hơn điều này.

Trường THCS Thành Long có 471 học sinh, trong đó 95% học sinh dân tộc Mường. Dù còn nhiều khó khăn nhưng thầy và trò nơi đây luôn cố gắng, nỗ lực để nâng cao chất lượng dạy và học. Đặc biệt, đưa nét văn hóa dân tộc vào hoạt động ngoài giờ lên lớp được xem là 1 trong những nhiệm vụ quan trọng đối với nhà trường, như hiệu trưởng Nguyễn Văn Sáng đã chia sẻ: “Làm nhiệm vụ giáo dục, chúng tôi phải có trách nhiệm tổ chức cho các em hoạt động, sẽ phải thực hiện cho các em nhớ nét văn hóa dân tộc. Thực tế, thông qua hoạt động này, học sinh ngoan hơn, đoàn kết hơn...”.

Thực tế, để giúp học sinh hiểu hơn về văn hóa truyền thống dân tộc, Ban giám hiệu Trường THCS Thành Long đã mời người cao tuổi trong thôn, trong xã về hướng dẫn cho học sinh. Đơn cử như đánh mảng, một trò chơi dân gian truyền thống của người Mường hay trò ném còn của dân tộc Mường, Thái... Hiệu trưởng Nguyễn Văn Sáng cũng không quên nhắc lại câu chuyện vừa buồn vừa vui về học sinh nhà trường. Đấy là khi ông đứng lớp dạy môn Giáo dục địa phương lớp 6. Đến bài về Lễ hội Pôồn Pôông, nét văn hóa đặc sắc của người Mường, thì phần lớn học sinh mới biết Pôồn Pôông là gì. Ông kể: “Trước đó, tôi hỏi học sinh về Lễ hội Pôồn Pôông, hầu hết học sinh ngơ ngác, không hiểu. Đến giờ, có những em đã có thể nói vanh vách về Lễ hội Pôồn Pôông. Bản thân tôi cũng thấy yên tâm phần nào. Bởi nét văn hóa của dân tộc mình mà bản thân mình không biết, không hiểu thì thật buồn”.

Đưa nét văn hóa dân tộc vào trường học, nhiều địa phương ở một số tỉnh không chỉ thực hiện ở hoạt động ngoài giờ lên lớp mà còn đưa vào giờ học chính khóa. Dù chính khóa hay ngoại khóa, khi đã đưa văn hóa truyền thống dân tộc vào được trường học và thực hiện một cách nghiêm túc, điều này đồng nghĩa đã giúp học sinh có cách nhìn sâu sắc hơn, biết cách ứng xử hơn với văn hóa dân tộc.

Bài và ảnh: Vi An



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]