(vhds.baothanhhoa.vn) - Nói về những khó khăn của giáo dục vùng biên là vô cùng. Câu chuyện thầy giáo Lê Đỗ Tuấn (SN 1983, giáo viên trường THCS Yên Khương, huyện Lang Chánh) với những năm tháng bám bản, bám lớp, vận động con em đến trường được ví như một cổ tích trong cảm mến của bà con vùng biên.

Gặp thầy giáo tình nguyện lên “gieo chữ” ở nơi biên viễn

Nói về những khó khăn của giáo dục vùng biên là vô cùng. Câu chuyện thầy giáo Lê Đỗ Tuấn (SN 1983, giáo viên trường THCS Yên Khương, huyện Lang Chánh) với những năm tháng bám bản, bám lớp, vận động con em đến trường được ví như một cổ tích trong cảm mến của bà con vùng biên.

Gặp thầy giáo tình nguyện lên “gieo chữ” ở nơi biên viễn

Thầy Lê Đỗ Tuấn trong giờ lên lớp

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất thuộc xã Xuân Du, huyện Như Thanh, sau khi tốt nghiệp đại học, chàng thanh niên Lễ Đỗ Tuấn được phân công giảng dạy ở một trường miền xuôi. Tuy nhiên, với hoài bão và tình yêu thương với trẻ em vùng cao, Lê Đỗ Tuấn đã viết tâm thư xin tình nguyện lên xã vùng biên Yên Khương (huyện Lang Chánh) để công tác.

Chia sẻ về những lựa chọn của mình khi ấy, thầy Tuấn bảo đó là cái duyên. Và cái duyên đó bắt nguồn sau một chuyến đi thực tế của lớp đại học lên với trẻ em vùng cao, từ đó cho thầy những gần gũi, yêu thương.

“Cảm nhận cuộc sống của người dân vùng cao còn khó khăn, đặc biệt là trẻ, sự học vẫn chưa được các gia đình chú trọng, chính điều đó đã hun đúc quyết tâm, sự lựa chọn sau này của tôi”, thầy Lê Đỗ Tuấn chia sẻ.

Mới đầu, sự lựa chọn bị gia đình, người thân khuyên nhủ, ngăn cản. Tuy nhiên, khi phân tích ý chí, nguyện vọng bản thân mọi người chuyển sang chúc “chân cứng đá mềm”.

Năm 2006, khi mới lên với bà con vùng biên, nói về những khó khăn bấy giờ, thầy Tuấn bảo kể không xiết. Nào cách trở về ngôn ngữ, phong tục tập quán cho tới cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông…

Thầy nhớ, để đến với trường, với bản thì dốc Bả Vai án ngữ tuyến tỉnh lộ 530 bấy giờ được xem như rào cản lớn nhất về giao thông. Lần nào cũng vậy, để về thăm gia đình rồi lại ngược lên trường, lên lớp, chiếc Drem cũ vào mùa mưa lần nào cũng phải quấn xích để ngược dốc, chốc chốc lại phải dừng xe để gảy đất quanh bánh… Qua được dốc thì người cũng ướt như chuột lột. Thầy bảo, nếu không có sức khỏe thì khó có thể chinh phục được con đường.

Ngoài khó khăn về cơ sở vật chất, đường sá, giao thông thì việc vận động học sinh đến lớp, học sinh không bỏ học khó khăn và trở ngại lớn nhất. Nói vui, nhưng thực tiễn, có những hôm thầy cô nhà trường phải lên tận rẫy “bắt” học sinh về lớp học. Giải thích cho phụ huynh thì họ không nghe, còn bảo: “Không làm lấy gì để ăn, cái chữ có làm no cái bụng không?”.

Để vận động con em tới lớp, chỉ mình thầy cô là không đủ. Nhà trường phải mời đến già làng, trưởng bản, người có uy tín vào cuộc. Nhiều nhà vì thế đã nghe theo.

Rồi những hủ tục trong dựng vợ, gả chồng, chuyện học sinh nay học mai bỏ để lấy vợ, lấy chồng là chuyện không hiếm lúc bấy giờ.

Thầy Tuấn lấy dẫn chứng từ chính học sinh của mình, đó là trường hợp em Vi Văn V - học tới lớp 9 thì bỏ, gia đình không cho đi học. Khi đó thấy Tuấn là chủ nhiệm lớp vào vận động. V bảo, bố mẹ bắt vợ cho rồi nên không học nữa, đi rẫy làm nương lo cái ăn thôi. Sau khi cán bộ thôn bản đến nhà phân tích, vận động thì gia đình mới cho V đi học trở lại. Bấy giờ V mới tâm sự là muốn đến lớp học, chơi với các bạn, chưa muốn lấy vợ.

Gặp thầy giáo tình nguyện lên “gieo chữ” ở nơi biên viễn

Thầy Tuấn vui mừng khi không còn tình trạng học sinh bỏ học sớm

Còn nhiều câu chuyện mà chính bản thân thầy Lê Hữu Tuấn đến bây giờ vẫn không thể quên.

Chia sẻ thêm về đời tư, thầy Tuấn se se chiếc nhẫn cưới trên tay mở lòng: “Sau 3 năm công tác, thì cũng bén duyên với Lương Thị Huân (ở bản Chí Lý). Cưới vợ, cũng là lúc mình chấm dứt giai đoạn ở trọ để chuyển sang giai đoạn ở rể. Đến nay hai vợ chồng đã có nhà riêng, 2 mặt con”.

Thầy Hà Văn Tấn - Hiệu trưởng Trường THCS Yên Khương chia sẻ: Vượt qua không ít những khó khăn, đến nay nhờ sự quan tâm của các cấp, ngành mà ngôi trường tranh tre ngày nào nơi thầy giảng dạy đã được thế chỗ bằng ngôi trường khang trang, rộng rãi. Tình trạng học sinh bỏ học cũng không còn diễn ra. Nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp THPT đăng ký đi xuất khẩu lao động, có thu nhập. Các gia đình đã nhận thức được vai trò của con chữ và xem nó như tiêu chí để thoát nghèo.

“Tôi đánh giá cao chuyên môn giảng dạy cũng như nhiệt huyết của thầy Tuấn. Trong suốt 15 năm gieo chữ ở ngôi trường còn nhiều khó khăn này, thầy Tuấn luôn là tấm gương sáng cho các thầy cô, học trò noi theo”, Thầy Tấn nhấn mạnh.

Sơn Đình


Sơn Đình

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]