(vhds.baothanhhoa.vn) - Cậu bé Giàng A Phành, sinh năm 2012, là người con dân tộc Mông ở bản Suối Hộc, xã Trung Lý, huyện Mường Lát. Giàng A Phành hiện là “Con nuôi” của Đồn Biên phòng Trung Lý (Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa).

Giấc mơ của cậu bé Phành

Cậu bé Giàng A Phành, sinh năm 2012, là người con dân tộc Mông ở bản Suối Hộc, xã Trung Lý, huyện Mường Lát. Giàng A Phành hiện là “Con nuôi” của Đồn Biên phòng Trung Lý (Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa).

Giấc mơ của cậu bé PhànhTrung tá Đinh Anh Tuấn, nhân viên phiên dịch, Đồn Biên phòng Trung Lý chăm sóc, dạy bảo Giàng A Phành tại đơn vị.

Ấm tình người lính biên phòng

Hôm chúng tôi vào thăm bản Suối Hộc cũng là lúc cậu bé Giàng A Phành đang trong thời gian nghỉ hè nên được các chú bộ đội đưa về thăm gia đình. Phành ở cùng với gia đình người chú ruột là Giàng A Thìn - ngôi nhà nhỏ lụp xụp dưới chân dốc ngay cạnh điểm trường Suối Hộc, Trường Tiểu học Trung Lý 1. Bản Suối Hộc có 54 hộ, hơn 300 nhân khẩu, hầu hết là hộ nghèo, cận nghèo. Bản nằm cách xa trung tâm xã, đường đi lối lại khó khăn, phải đi đò qua sông Mã nên thời gian Phành về thăm gia đình cũng chỉ vào dịp hè hoặc tranh thủ những ngày cuối tuần.

Phành vừa học xong lớp 6 và chuẩn bị lên lớp 7 tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Trung Lý. Phành là con út trong gia đình có 3 anh em. Bố em là Giàng A Súa, sinh năm 1980, sau thời gian bị bệnh rồi mất khi Phành mới lên 4 tuổi. Bố mất được 1 năm thì mẹ đi lấy chồng và không còn về thăm anh em Phành. Thương các cháu nên chú ruột là Giàng A Thìn đã đưa các cháu về nuôi và cho ăn học. Gia đình anh Giàng A Thìn cũng thuộc diện hộ nghèo, thu nhập phụ thuộc vào nương rẫy, trồng sắn, ngô... vốn có 5 người giờ lại nuôi thêm 3 anh em Phành nên càng khó khăn. Hiểu được sự vất vả của gia đình chú Thìn, 3 anh em Phành chịu khó vừa học, vừa phụ công việc cùng gia đình chú. Trong quá trình công tác, bám địa bàn, cán bộ Đồn Biên phòng Trung Lý nắm được hoàn cảnh gia đình Giàng A Phành và nhận nuôi em theo mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng” từ tháng 8/2023.

Giấc mơ của cậu bé PhànhCán bộ Đồn Biên phòng Trung Lý và xã Trung Lý thông báo quyết định nhận nuôi cháu Giàng A Phành theo mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng” năm 2023. Ảnh: Tư liệu

Trong câu chuyện của những người lính Đồn Biên phòng Trung Lý kể lại, trước khi Giàng A Phành về đơn vị, cháu đang bị đau chân trái, nhiễm trùng vết thương nặng. Đơn vị đã cử cán bộ đưa cháu xuống Bệnh viện Nhi tỉnh Thanh Hóa để được khám và điều trị. Bác sĩ kết luận vết thương nhiễm trùng nặng do trong chân Phành bị dằm cọc tre chọc vào chưa lấy ra hết, cần phải phẫu thuật, điều trị ngay, nếu không sẽ phải cưa chân. Đơn vị đã đề nghị bệnh viện tìm hướng điều trị tốt nhất cho Phành, đồng thời cử cán bộ, chiến sĩ của đồn chăm sóc hàng ngày tại bệnh viện. Sau 2 tháng điều trị, đến tháng 10/2023, Phành xuất viện và tiếp tục đi học. Hàng ngày, ngoài thời gian đi học trên lớp, Phành về đơn vị và được nuôi ăn, ở, mua quần áo, giày dép, sách vở, dạy học; được cán bộ, chiến sĩ dạy bảo các công việc thường xuyên của đơn vị như: dọn vệ sinh cá nhân, vệ sinh doanh trại, cắm cơm, trồng rau, nuôi gà, giúp các chú nấu ăn... Người gắn bó hàng ngày với Giàng A Phành là Trung tá Đinh Anh Tuấn, nhân viên phiên dịch, Đồn Biên phòng Trung Lý. Ngoài công việc chuyên môn, Trung tá Đinh Anh Tuấn dạy Phành học, hướng dẫn em lịch sinh hoạt của đơn vị. Theo ghi nhận của những người lính biên phòng, so với một năm trước đây, Giàng A Phành đã chững chạc hơn nhiều.

Ước mơ về một ngôi nhà mới

...Năm học mới đang đến gần, các chú bộ đội Đồn Biên phòng Trung Lý đón Giàng A Phành từ gia đình chú Giàng A Thìn về đơn vị để chuẩn bị hành trang đến trường. Hai anh trai của Phành là Giàng A Xà, sinh năm 2007, học tại Trường THPT Dân tộc nội trú Ngọc Lặc, còn anh thứ 2 là Giàng A Lìn, sinh năm 2010, học tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trung Lý cũng chuẩn bị hành trang cho hành trình năm học mới. Phành chia sẻ, em cảm thấy mình thật may mắn khi được các chú bộ đội, những người “bố nuôi” chăm sóc, dạy bảo. Cháu sẽ luôn nỗ lực học tập để đáp lại tình cảm, sự quan tâm của các bác, các chú, những người bố ở Đồn Biên phòng Trung Lý.

Giấc mơ của cậu bé PhànhGiàng A Phành cùng chú bộ đội dọn dẹp, vệ sinh khuôn viên đơn vị.

Thiếu tá Nguyễn Văn Thiện, Chính trị viên Đồn Biên phòng Trung Lý cho biết: Trung Lý là một xã vùng cao biên giới, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, tình hình an ninh trật tự còn nhiều diễn biến phức tạp. Xã có 15 bản, trong đó có 11 bản Mông, có 4 dân tộc cùng sinh sống là Mông, Thái, Mường, Kinh. Đồn Biên phòng Trung Lý đóng quân tại bản Táo, xã Trung Lý, đơn vị có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 4 mốc quốc giới và đoạn biên giới dài 7,76km. Song song với công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Trung Lý tích cực tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần nâng cao đời sống Nhân dân khu vực biên phòng, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc. Chung tay cùng cấp ủy, chính quyền địa phương, kêu gọi, vận động các tổ chức, đơn vị, nhà hảo tâm chia sẻ khó khăn với đồng bào, hỗ trợ cây, con giống, thăm hỏi, tặng quà đồng bào nhân dịp lễ, tết; thực hiện chương trình “Nâng bước em tới trường” và mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng”, góp phần chắp cánh ước mơ cho các em học sinh nghèo trên địa bàn xã Trung Lý. Ngoài chi phí ăn ở, học tập, sinh hoạt tại đơn vị do các cán bộ, chiến sĩ đơn vị tự nguyện quyên góp, hỗ trợ, đơn vị cũng định hướng kêu gọi và mong muốn nhận được tấm lòng hảo tâm chung tay hỗ trợ sửa chữa, xây mới ngôi nhà cho 3 anh em Phành. Bên cạnh trường hợp cháu Giàng A Phành là con nuôi đồn Biên phòng; đơn vị còn nhận đỡ đầu 5 cháu theo chương trình “Nâng bước em tới trường” trong đó có 1 cháu người Lào, 4 cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn. Hiện nay, trên địa bàn xã Trung Lý có 18 cháu có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ trong dự án “Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường”.

Bài và ảnh: Ngọc Huấn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]