Giải bài toán phát triển mô hình du lịch thể thao đầy tiềm năng tại Việt Nam
Khung cảnh đoàn đua thuyền buồm trên Vịnh Hạ Long. (Ảnh: Thu Nga/Vietnam+)
Giai đoạn sau đại dịch COVID-19 cho đến nay, mô hình du lịch thể thao - kết hợp giữa hoạt động nghỉ dưỡng và rèn luyện thể chất - ngày càng chứng tỏ sức hấp dẫn mạnh mẽ, mở ra nhiều triển vọng. Tuy nhiên, việc phát triển mô hình du lịch mới mẻ này vẫn còn nhiều thách thức.
Xu hướng du lịch của thời đại
Mô hình du lịch thể thao (Sport Tourism) là một thuật ngữ không mới, theo định nghĩa của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), đây là loại hình du lịch liên quan đến trải nghiệm khi quan sát hoặc tham gia vào một sự kiện thể thao mang tính cạnh tranh.
Đại dịch COVID-19 qua đi, con người càng chú trọng vào việc nâng cao sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Các quốc gia cũng mở rộng giao thoa, hội nhập, thúc đẩy du lịch phát triển.
Đáp ứng được mọi nhu cầu của xã hội hiện nay, mô hình du lịch thể thao đang trở nên được ưa chuộng hơn bao giờ hết.
Việt Nam sở hữu nhiều tiềm năng cho du lịch thể thao với địa hình đa dạng, từ núi cao, biển sâu, rừng xanh đến đồng bằng rộng lớn. Các địa điểm du lịch nổi tiếng như Sapa, Hạ Long, Đà Lạt, Nha Trang, Phú Quốc,... đều có thể đáp ứng nhu cầu của du khách yêu thích thể thao mạo hiểm, thể thao dưới nước, hay thể thao sinh thái.
Những năm gần đây, Việt Nam đã tổ chức thành công nhiều sự kiện thể thao quốc tế và khu vực như SEA Games, Giải đua xe đạp Tour de France Việt Nam, Giải marathon quốc tế, Ngày Yoga Quốc tế...
Những sự kiện này đã góp phần quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam ra thế giới và thu hút du khách quốc tế đến với đất nước.
Vào tháng 2/2024, cuộc đua thuyền buồm vòng quanh thế giới Clipper Round the World Yacht Race Chặng thứ 5 là sự kiện thể thao mang tầm cỡ quốc tế được tổ chức tại Hạ Long (Quảng Ninh).
Clipper Round the World Yacht Race là cuộc đua thuyền buồm được tổ chức lần đầu vào năm 1995. Mỗi năm cuộc đua sẽ được tổ chức vòng quanh thế giới trong vòng 10 tháng, với sự tham gia của khoảng 11 đội thuyền đua.
Trong suốt gần 20 năm tổ chức, cuộc đua đã ghé thăm hơn 50 thành phố lớn trên thế giới.
Hình ảnh những con thuyền mang trên mình các lá cờ, màu sắc khác nhau, đại diện cho các tổ chức trong khu vực, nối đuôi nhau giữa không gian thiên nhiên kỳ vĩ của Tại Di sản thiên nhiên Thế giới Vịnh Hạ Long, đã tạo nên bức tranh tổng thể ấn tượng và độc đáo.
Các thủy thủ tham gia cuộc đua hết sức ấn tượng khi được thưởng ngoạn cảnh sắc hùng vĩ, tráng lệ của thiên nhiên Việt Nam.
Đội chiếc nón lá in chữ Việt Nam được người dân hiếu khách gửi tặng, anh Robert Anthony, người Hà Lan vui vẻ chia sẻ: “Việt Nam để lại cho tôi ấn tượng vô cùng đặc biệt trong những nơi tôi đã từng ghé qua. Thiên nhiên của các bạn quá đẹp. Đặc biệt, người dân nơi đây đã đón tiếp chúng tôi rất nồng hậu. Tôi rất mong có cơ hội được quay lại Việt Nam vào một ngày không xa, khi đó chắc chắn tôi sẽ đi cùng cả gia đình của mình nữa.”
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao tỉnh Quảng Ninh, cho hay tỉnh nhận định rõ tầm quan trọng của sự kiện này nói riêng, cũng như các sự kiện du lịch thể thao nói chung đến việc quảng bá hình ảnh, phát triển kinh tế của địa phương.
Chính vì vậy, từng bước đón tiếp, chiêu đãi tiền sự kiện cho đến những khâu tổ chức, tuyên truyền, lan tỏa hình ảnh tới bạn bè quốc tế đều được chú trọng.
Không chỉ các du khách nước ngoài mà chính những người dân bản địa cũng không giấu nổi sự hào hứng trước sự kiện đặc biệt này.
Chị Hằng, trú tại phường Trần Hưng Đạo, thành phố Hạ Long cho biết chị đã cùng các con của mình đi hơn 3km để đến xem cuộc đua thuyền buồm.
“Các cháu vô cùng thích thú và háo hức khi được chứng kiến khung cảnh đẹp như vậy. Rất mong rằng trong tương lai sẽ có nhiều sự kiện như vậy nữa, trước hết là để những người dân như chúng tôi được mở mang tầm mắt, tiếp nữa là rất mong nhiều du khách nước ngoài đến tham quan, thúc đẩy việc kinh doanh các dịch vụ du lịch, tăng thêm thu nhập cho người dân chúng tôi,” chị Hằng chia sẻ.
Triển vọng phát triển
Từ những trải nghiệm thực tế và chứng kiến sự thích thú của các du khách khi tham gia mô hình du lịch thể thao, tôi tin rằng trong tương lai xu hướng mới này sẽ tiếp tục mở ra triển vọng phát triển lớn đối với ngành du lịch, lữ hành tại địa phương và quốc gia.
Mô hình du lịch này sẽ thu hút lượng lớn du khách cả trong và ngoài nước đến tham gia thi đấu, cổ vũ, hoặc đơn giản là tận hưởng bầu không khí thể thao sôi động giữa cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ.
Thủy thủ ngoại quốc thích thú trước thiên nhiên và con người Việt Nam. (Ảnh: Thu Nga/Vietnam+)
Bên cạnh đó, du lịch thể thao cũng là cơ hội cho các địa phương hay quốc gia quảng bá hình ảnh và bản sắc văn hóa độc đáo, góp phần nâng tầm vị thế của dân tộc.
Như cách Qatar đã vận dụng việc tổ chức giải đấu thể thao như một cơ hội để quảng bá đất nước tại Giải vô địch bóng đá thế giới 2022 (World Cup 2022), Campuchia đã lồng ghép quảng bá văn hoá thể thao địa phương trong Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2023 (SEA Games 32) nhờ các môn thi đấu mới lạ, Việt Nam với các sự kiện thể thao tầm cỡ như Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2021-Sea Games 31, các giải chạy Marathon Quốc tế..., cũng đã nâng cao uy tín về tiềm năng du lịch thể thao trong mắt bạn bè thế giới thông qua những thắng cảnh đẹp đẽ ở những địa điểm tổ chức thi đấu.
Ngoài ra, mô hình du lịch này còn có khả năng nâng cao nhận thức, khuyến khích mọi người tham gia các hoạt động thể thao, rèn luyện sức khỏe, nâng cao thể chất và tinh thần. Đồng thời, tạo cơ hội cho mọi người cùng giao lưu, kết bạn, tăng cường sự gắn kết cộng đồng thông qua các hoạt động thể thao lành mạnh.
Những thách thức
Bên cạnh triển vọng và tiềm năng phát triển, du lịch thể thao cũng tiềm ẩn một số thách thức cần được giải quyết nhằm hướng tới phát triển du lịch bền vững.
Khung cảnh giải chạy VnExpress Marathon Amazing Hạ Long trên cung đường bao biển đẹp nhất Việt Nam. (Ảnh: VnExpress Marathon Amazing Hạ Long)
Khó khăn đầu tiên đến từ nguồn nhân lực tổ chức, bởi để thực hiện mô hình du lịch kết hợp hoạt động thể thao cần đòi hỏi chuyên môn cao, tuy nhiên phần lớn các địa phương đều thiếu hụt nguồn nhân lực có chuyên môn cao trong lĩnh vực du lịch thể thao, dẫn đến chất lượng dịch vụ chưa tốt.
Cùng với đó là thách thức đến từ sự thiếu hụt cơ sở hạ tầng phục vụ cho du lịch thể thao như sân vận động, khu vui chơi giải trí, hệ thống giao thông-những yếu tố khó có thể được khắc phục trong thời gian ngắn, mà đòi hỏi nhiều vốn đầu tư từ bên ngoài.
Hơn nữa, thách thức lớn nhất đến từ việc làm thế nào để bảo tồn di sản và giữ gìn môi trường sinh thái song song với quá trình thực hiện các hoạt động du lịch thể thao. Một số hoạt động du lịch thể thao có thể gây ô nhiễm môi trường nếu không được quản lý chặt chẽ.
Số lượng người tham gia lớn yêu cầu Ban Tổ chức hoạt động thể thao có những biện pháp hiệu quả để bảo vệ cảnh quan môi trường. (Ảnh: Giải chạy VnExpress Marathon Amazing Halong)
Suy cho cùng, với những tiềm năng to lớn và lợi ích thiết thực, du lịch thể thao được kỳ vọng sẽ trở thành một khía cạnh “du lịch mũi nhọn” góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.
Tuy nhiên, để phát triển bền vững, ngành du lịch thể thao cần có sự chung tay góp sức và nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa của các các Bộ, ngành, địa phương trên cả nước./.
Theo TTXVN
- 2024-09-14 08:49:00
Mưa lớn gây sạt lở nhiều vị trí ven sông Mã đoạn qua huyện Quan Hóa
- 2024-09-14 08:13:00
Thăng trầm... đời cói
- 2024-06-06 07:36:00
Bản tin Tài chính ngày 6/6: Vàng tiếp đà lao dốc; tỷ giá USD trong nước và thế giới ngược chiều tăng giảm
Dự báo thời tiết ngày 6/6: Dự báo thời tiết cả nước và Thanh Hóa chi tiết
Trôi nổi dịch vụ mua bán giấy khám sức khỏe trên mạng xã hội
Việt Nam nằm trong top 8 quốc gia đáng sống dành cho người hưu trí
Ngày Môi trường Thế giới: Hành động khẩn cấp để phục hồi đất, ngăn sa mạc hóa
Bản tin Tài chính ngày 5/6: Giá vàng tiếp tục giảm, người dân cần thận trọng khi mua
Vì sao số lượng doanh nghiệp bán hàng đa cấp giảm hơn 2/3?
Bản tin Tài chính ngày 4/6: Vàng thế giới tăng mạnh, trong nước giảm sâu
Thường Xuân chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa hè
Người dân vùng biển mưu sinh giữa nắng nóng