(vhds.baothanhhoa.vn) - Tính đến tháng 11/2019, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 730 doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (BHXH, BHYT, BHTN) từ 6 tháng trở lên... Đáng nói, số tiền lãi suất chậm đóng và tiền nợ gốc của nhiều doanh nghiệp lên đến hàng chục tỷ đồng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Gian nan trong xử lý nợ đọng bảo hiểm xã hội

Tính đến tháng 11/2019, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 730 doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (BHXH, BHYT, BHTN) từ 6 tháng trở lên... Đáng nói, số tiền lãi suất chậm đóng và tiền nợ gốc của nhiều doanh nghiệp lên đến hàng chục tỷ đồng.

Theo đó, tổng số nợ BHXH đối với 730 doanh nghiệp (DN) phải tính lãi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa là gần 200 tỷ đồng. Trong đó, số tiền nợ BHXH hơn 135 tỷ đồng, tiền lãi chậm đóng chiếm gần 62 tỷ đồng.

Trong số 730 DN nêu trên, nhiều DN nợ đọng với số tiền lớn như: Công ty CP Xây dựng Hancorp.2 (xã Quảng Thịnh, TP Thanh Hóa) nợ cả lãi hơn 30 tỷ đồng; Công ty TNHH TS Vina (xã Định Liên, huyện Yên Định) nợ cả lãi hơn 17 tỷ đồng; Công ty CP Sản xuất và Thương mại Ba Lan (thị xã Bỉm Sơn) nợ cả lãi hơn 6 tỷ đồng; Công ty CP Lilama 5 (phường Ba Đình, thị xã Bỉm Sơn) nợ cả lãi là gần 8 tỷ đồng, Công ty CP Khách sạn Lam Kinh nợ cả lãi hơn 4 tỷ đồng... Nhiều DN thu tiền của người lao động (NLĐ) và đã trích từ tổng quỹ tiền lương, số tiền đóng BHXH hạch toán vào giá thành sản phẩm nhưng không nộp vào quỹ BHXH mà sử dụng vào mục đích khác. Khi NLĐ có phát sinh chế độ BHXH lại không được hưởng, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi, lợi ích hợp pháp chính đáng của NLĐ.

Người lao động tại các doanh nghiệp cần được đảm bảo đầy đủ quyền lợi của mình.

Công ty CP Hancorp.2 đóng trên địa bàn xã Quảng Thịnh, TP Thanh Hóa có số nợ đọng BHXH, BHYT lớn nhất trên địa bàn toàn tỉnh với tổng số tiền hơn 30 tỷ đồng, thời gian nợ kéo dài trong vòng 6 năm. Đây cũng là doanh nghiệp đầu tiên tại Thanh Hóa trốn đóng, nợ đọng, bị cơ quan BHXH đề nghị điều tra xử lý hình sự.

Chị Lê Thị Thùy, công nhân làm việc tại Công ty CP Xây dựng Hancorp.2, cho biết: Chị sinh con đã được 16 tháng nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết chế độ thai sản. Công việc trước đây của chị làm ở tổ sản xuất gạch vất vả, nặng nhọc nhưng nếu đi đầy đủ công thì thu nhập cũng chỉ được 3 triệu đồng/tháng. Những tháng nghỉ sinh, quyền lợi bảo hiểm không được hưởng khiến cuộc sống gia đình chị gặp nhiều khó khăn. Chị Thùy chỉ là một trong hàng ngàn trường hợp NLĐ đang phải chịu hệ lụy từ việc chậm, trốn đóng bảo hiểm của nhiều đơn vị trên toàn tỉnh.

Tại hội nghị tiếp xúc doanh nghiệp định kỳ, do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thị Thìn chủ trì ngày 25/11, đại diện Công ty CP Hancorp.2 đưa ra nhiều khó khăn và kiến nghị tỉnh chỉ đạo các ngành, đơn vị liên quan cho công ty không phải trả khoản phạt nộp chậm tiền BHXH và thuế trong nhiều năm nay. Doanh nghiệp cũng mong muốn UBND tỉnh tạo điều kiện cho ứng ngân sách để công ty có kinh phí trả tiền cho công nhân, chờ thanh lý tài sản sẽ trả lại;... Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thị Thìn khẳng định với các kiến nghị của Công ty CP Hancorp.2 là không thể giải quyết bởi đây là doanh nghiệp trực thuộc Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội - Công ty Cổ phần, có trụ sở tại Hà Nội, tỉnh Thanh Hóa không được phép trích ngân sách cho công ty ứng để trả lương công nhân. Với các khoản nợ thuế và BHXH, doanh nghiệp phải đóng theo quy định của pháp luật...

Về nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, lãnh đạo BHXH Thanh Hóa cho biết, ngoài nguyên nhân khách quan do nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, một số đơn vị ngừng hoạt động không có khả năng thanh toán nợ BHXH, BHYT, BHTN; một số DN chậm được thanh toán vốn các hợp đồng, công trình, dự án đã thực hiện... nên ít nhiều ảnh hưởng đến thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH, thì còn những nguyên nhân chủ quan từ phía chủ DN. Thực chất DN đã chiếm dụng tiền đóng BHXH của NLĐ để sử dụng vào mục đích khác, xâm hại trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ, tạo thói quen xấu với hành vi chiếm dụng quỹ BHXH, là mối quan tâm, bức xúc của dư luận xã hội và là nguyên nhân gây ra các tranh chấp, khiếu kiện và tiềm ẩn nguy cơ bất ổn xã hội.

Để khắc phục tình trạng các doanh nghiệp chây ỳ, thời gian qua, BHXH tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện nhiều biện pháp thu nợ, như: Phân công trách nhiệm cho cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc thu nợ; hằng tháng gửi thông báo kết quả đóng BHXH, BHYT, BHTN đến chủ sử dụng lao động để thực hiện đôn đốc việc đóng, nộp BHXH, BHYT, BHTN, cử hơn 1.000 lượt cán bộ chuyên quản đến đơn vị để đôn đốc nộp BHXH, BHYT, BHTN. Thực hiện thanh tra chuyên ngành đóng tại 101 đơn vị; thanh tra đột xuất tại 29 đơn vị... Tuy nhiên, kết quả đôn đốc thu nợ của cơ quan BHXH còn hạn chế, do nhiều DN không phối hợp với cơ quan BHXH, hoặc cam kết lộ trình trả nợ nhưng không thực hiện.

Cùng với các giải pháp của cơ quan chức năng, người lao động tại các đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT cũng cần nâng cao kiến thức pháp luật, chủ động đấu tranh bảo vệ quyền lợi của mình khi bị xâm phạm. Các ngành chức năng cần tăng cường xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu trong các đơn vị để nợ BHXH, BHYT, BHTN kéo dài...

Hoàng Lan


Hoàng Lan

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]